Chung tay bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản

Thứ ba, 04 Tháng 6 2019 10:32 (GMT+7)
Thời gian qua, Ban chỉ đạo thực hiện Chương trình bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản tỉnh (Ban chỉ đạo) đã thực hiện nhiều giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả tuyên truyền và phát triển nguồn lợi thủy sản bền vững, từng bước tạo chuyển biến trong nhận thức và nâng cao trách nhiệm của cộng đồng.

Hoạt động thả cá, tái tạo nguồn lợi thủy sản có sự chung tay của cộng đồng.

Hậu Giang là tỉnh có hệ thống sông ngòi chằng chịt, tổng chiều dài 3.584km, có 2 sông lớn chảy qua là sông Hậu và sông Cái Lớn, kết hợp với ảnh hưởng của 2 chế độ triều Biển Đông và triều Biển Tây tạo nên môi trường ngọt - lợ đan xen, hình thành sự đa dạng về thành phần loài thủy sản. Theo thống kê của Chi cục Thủy sản tỉnh, Hậu Giang có khoảng 136 loài cá, tôm có giá trị kinh tế và một số loài nằm trong danh mục các loài thủy sản quý hiếm như cá còm, cá duồng bay, cá ét mọi…

Cùng với sự phát triển của ngành thủy sản, công tác bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản (NLTS) luôn được sự quan tâm, chỉ đạo sâu sát của các cấp, các ngành từ Trung ương với địa phương. UBND tỉnh cũng đã ban hành Kế hoạch số 66/KH-UBND ngày 19/8/2013, triển khai thực hiện Chương trình bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản đến năm 2020 trên địa bàn tỉnh (chương trình). Ban chỉ đạo thực hiện chương trình được kiện toàn từ tỉnh đến cơ sở và nâng cao hiệu quả công tác bảo vệ và phát triển NLTS trong từng năm. Bên cạnh đó, nhận thức của người dân trong quản lý và bảo vệ NLTS được nâng lên, ngày càng có nhiều tổ chức, cá nhân quan tâm và góp sức cho công tác tái tạo NLTS, tạo nhiều thuận lợi để thực hiện chương trình.

Để nâng cao sự hiểu biết của người dân về bảo vệ và phát triển NLTS, ngoài các phương thức tuyên truyền quen thuộc như pano, áp phích, tờ rơi, Ban chỉ đạo tỉnh còn thường xuyên đổi mới công tác tuyên truyền. Nổi bật là giai đoạn 2014-2018 triển khai 2 mô hình “Ấp không có đối tượng sử dụng xung điện” ở thị trấn Cây Dương, huyện Phụng Hiệp và “Cấm đánh bắt nông sản, thủy sản” tại xã Hỏa Tiến, thành phố Vị Thanh. Kết quả vận động nhiều hộ ký cam kết thực hiện, người dân trong khu vực triển khai mô hình phấn khởi vì nguồn cá, tôm dần phục hồi.

Hoạt động thả giống, tái tạo các loài thủy sản trong tự nhiên, góp phần cân bằng sinh thái cũng có những nét mới so với các năm trước. Ông Ngô Minh Long, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh, thông tin: Sở NN&PTNT duy trì tổ chức thả giống 4 lần/năm, thay vì 1 lần như trước đây. Phối hợp với Giáo hội Phật giáo Việt Nam tổ chức được 10 đợt với gần 13 tấn thủy sản thả về tự nhiên. Nhờ chọn kích thước và đối tượng thả phù hợp, kết hợp với hoạt động kiểm tra trước, trong và sau khi thả, từ đó hiệu quả của các đợt thả cá đạt cao hơn so với trước. Hoạt động thả cá tái tạo NLTS của tỉnh trong giai đoạn 2014-2018 được Tổng cục Thủy sản đánh giá cao. Đông đảo người dân, phật tử, các doanh nghiệp trên địa bàn cùng tham gia, chứng tỏ nhận thức của người dân và trách nhiệm khôi phục, bảo vệ thủy sản được nâng lên. Công tác kiểm tra việc khai thác và mua bán thủy sản trong thời gian qua được các địa phương quan tâm thực hiện, kịp thời phát hiện và xử lý các hành vi vi phạm.

Tuy nhiên, trong vài năm gần đây vẫn tồn tại tình trạng khai thác quá mức, sử dụng xung điện khai thác thủy sản kích cỡ nhỏ, cá bố mẹ trong mùa sinh sản. Các hoạt động xả thải gây ô nhiễm môi trường ảnh hưởng trực tiếp tới môi trường và nơi sinh sản của các loài thủy sản. Do đó, NLTS ngoài tự nhiên có dấu hiệu suy giảm, số loài có giá trị kinh tế cao dần cạn kiệt, một số loài đứng trước nguy cơ tiệt chủng.

Ông Trần Bé Em, Trưởng phòng Khoa học và Bảo tồn, Khu bảo tồn thiên nhiên Lung Ngọc Hoàng, cho biết: Khu bảo tồn là một trong những nơi có trữ lượng nguồn thủy sản và số lượng loài phong phú. Hiện nay tuy chưa thống kê chính xác, nhưng bằng trực quan có thể thấy NLTS ở đây có dấu hiệu ngày càng suy giảm, số lượng cá thể các loài, nhất là một số loài quý hiếm dần ít đi. Có nhiều nguyên nhân, trong đó có thể kể đến công tác tuần tra, kiểm tra còn nhiều khó khăn, ô nhiễm môi trường từ nguồn thải sản xuất nông nghiệp, sinh hoạt…

Cùng chia sẻ về vấn đề NLTS đang suy giảm, bà Vương Thị Thơm, Trưởng trạm Thủy sản huyện Châu Thành, cho rằng: “Khai thác thủy sản bằng các hình thức tận diệt và quá mức, NLTS sẽ giảm dần và không có khả năng tái tạo kịp. Chủ trương của huyện là tăng cường vai trò của cộng đồng, đẩy mạnh phong trào nuôi thủy sản, bảo vệ nguồn thủy sản tự nhiên”.

Tại Hội nghị sơ kết 5 năm thực hiện công tác bảo vệ và phát triển NLTS vừa qua, ông Trương Cảnh Tuyên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, cho rằng: Để tiếp tục triển khai thực hiện tốt công tác bảo vệ và phát triển NLTS trên địa bàn tỉnh, các ngành chuyên môn cần tăng cường công tác truyền thông nâng cao nhận thức cho cộng đồng về bảo vệ, bảo tồn NLTS, nhất là những người thường xuyên tham gia hoạt động đánh bắt thủy sản, hình thức tuyên truyền phải phong phú, đa dạng, phù hợp theo từng nhóm đối tượng. Tiếp tục thực hiện có hiệu quả kế hoạch phối hợp với Giáo hội Phật giáo tỉnh trong công tác phóng sinh, tái tạo NLTS, huy động các nguồn lực xã hội cùng tham gia. Ngoài ra, cần nhân rộng các mô hình đồng quản lý trong bảo vệ NLTS; tăng cường công tác kiểm tra và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật trong khai thác và bảo vệ NLTS ở các thủy vực tự nhiên.

Bài, ảnh: THIÊN TRANG - (baohaugiang.com.vn)
T/h: Bích Ngân (dongbang.vn)

Bài viết mới nhất của Ngành Giống nông sản - Thủy sản