Cây khóm MD2 đang bén rễ tốt trên vùng đất Phụng Hiệp. Ảnh: D.KHÁNH
Đang thu hoạch 6.000m2 khóm MD2, niềm vui hiện rõ trên khuôn mặt ông Nguyễn Văn Sỹ, ở ấp Phương Thạnh, xã Phương Bình. Bởi nhiều năm thua lỗ từ cây mía, giờ đây gia đình đã gỡ gạc lại nhờ cây khóm MD2. Theo khuyến cáo của Công ty West Food có trụ sở ở thành phố Cần Thơ (đơn vị bao tiêu thu mua khóm cho bà con) thì khóm MD2 trồng thực nghiệm ở các vùng khác cho năng suất 8 tấn/1.000m2, tuy nhiên rẫy khóm của gia đình ông Sỹ cho năng suất 9 tấn/1000m2. Với giá bao tiêu được Công ty West Food ký kết là 5.700 đồng/kg, trừ hết các khoản chi phí, như: cây giống, phân, thuốc bảo vệ thực vật, màng phủ nông nghiệp, làm đất, nhân công lao động… cũng còn lãi trên 25 triệu đồng/1.000m2, trong khi cây mía ở khu vực này chỉ cho thu nhập từ 2-3 triệu đồng/công. Ông Sỹ cho biết: “Qua một vụ sản xuất thử nghiệm cây khóm MD2 gia đình rất phấn khởi, năng suất khóm không chỉ cao hơn khóm Queen mà trái còn rất đẹp. 6 công khóm vừa thu hoạch xong, hạch toán lại gia đình còn lãi trên 100 triệu đồng. Đặc biệt, quá trình sản xuất phía công ty đã tuân thủ các điều khoản như đã ký kết ban đầu nên bà con rất an tâm”.
Từ 5ha ban đầu, hiện nay khu vực ấp Phương Thạnh, xã Phương Bình đã phát triển được 16ha khóm MD2, trong đó 2ha đã cho thu hoạch với năng suất 90 tấn/ha, số còn lại đang cho trái. Ông Đinh Văn Phương, ở xã Phương Bình, cho biết: “Theo quan sát từ bà con trong xóm trồng khóm MD2 thì thấy rất hiệu quả. Bởi giá trị trái khóm khá cao lại được công ty ký kết hợp đồng bao tiêu ổn định từ việc cung ứng giống và phân, thuốc bảo vệ thực vật đến thu mua trái khóm nên gia đình rất an tâm và đã quyết định tham gia mô hình trồng khóm MD2”.
“Khóm MD2 là loại khóm cao sản, trái có vỏ mỏng, nhiều nước, thịt giòn, màu vàng tươi, thơm, độ Brix cao (15,15%), độ axit tổng số thấp (1,68%). Cây sinh trưởng khỏe, chịu hạn tốt hơn, dễ ra hoa chính vụ và hầu như không bị rám nắng nên ít bị hư hại như các giống khóm khác. Đặc biệt rất thích hợp với vùng đất trũng có độ phèn nhẹ nên khi lựa chọn vùng đất Phương Bình để đầu tư phát triển cây khóm MD2 ngoài yếu tố về thổ nhưỡng phù hợp thì vùng đất này cũng được quy hoạch khá tập trung, bởi trước đây là nông trường mía nên khi chuyển đổi khóm sẽ giúp cho bà con nhẹ được chi phí đầu tư”, ông Nguyễn Vũ Lộc, Tổng Giám đốc Công ty West Food, chia sẻ.
Theo Viện Nghiên cứu rau quả, giống khóm MD2 có nguồn gốc nhập nội từ Costa Rica năm 2006. Giống khóm MD2 có khả năng sinh trưởng khỏe, thời gian từ trồng đến đủ tiêu chuẩn xử lý ra hoa dao động từ 340-345 ngày. Lá màu xanh đậm, hoàn toàn không có gai, góc mở của lá nhỏ nên lá đứng hơn so với giống khóm cayen Trung Quốc. Hoa tự màu xanh nhạt, sắc hoa màu tím. Trái có dạng hoàn toàn hình trụ. Màu sắc trái, khi còn xanh có màu xanh nhạt, khi chín vỏ có màu vàng tươi; mắt trái to. Trung bình trái nặng 1,3-1,5kg; tỷ lệ ra hoa đạt xấp xỉ 90%; năng suất thu được đạt 62,9-64,8 tấn/ha. Với màu sắc thịt trái màu vàng tươi, ít sơ, thịt giòn, hương vị thơm ngon nên khóm MD2 sử dụng rất phù hợp cả cho ăn tươi và chế biến. Trong điều kiện tự nhiên, giống khóm MD2 dễ mẫn cảm với bệnh thối nõn do nấm Phytophthora spp gây hại. Tuy nhiên, khi xuất hiện bệnh, sử dụng một số loại thuốc trừ nấm bệnh đã ngăn chặn được sự phát triển của nấm bệnh và không có ảnh hưởng lớn đến sinh trưởng phát triển và khả năng cho năng suất của giống.
Với hiệu quả bước đầu, hiện nay huyện Phụng Hiệp tiếp tục mở rộng diện tích khóm MD2 ở những khu vực sản xuất mía kém hiệu quả. Dự kiến trong năm 2019-2020 huyện sẽ tiếp tục chuyển khoảng 100ha mía kém hiệu quả sang trồng cây khóm MD2 với sự liên kết tiêu thụ của Công ty West Food. Ông Trần Văn Tuấn, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Phụng Hiệp, cho biết: “Cây khóm phù hợp với vùng đất phèn nhẹ, ở huyện Phụng Hiệp ngoài khu vực Phương Bình thì ở Hòa An, Hòa Mỹ cũng có những nơi tương tự như vậy. Chính vì thế thời gian tới huyện sẽ tiếp tục liên kết mở rộng thêm diện tích khóm MD2 ra các địa phương trong huyện”.
Ông Nguyễn Vũ Lộc, Tổng Giám đốc Công ty West Food, cho biết thêm: Hiện nay, công ty đã quyết định chọn Phụng Hiệp là vùng nguyên liệu chiến lược cho nhà máy, bởi ở đây đất đai phù hợp với loại cây trồng này. Đối với công suất hoạt động của nhà máy công ty hiện nay cần sản lượng khóm khoảng 500ha. Hiện tại, công ty cũng có một dự án xây dựng nhà máy mới với công suất gấp 3 lần nhà máy hiện tại. Theo kế hoạch trong 5-10 năm tới thì công ty cần khoảng 1.500ha khóm MD2, như vậy nhu cầu và chiến lược đường dài đủ sức cho việc phát triển cây khóm ở quy mô rất lớn”.
Tính đến nay, sau gần 5 năm phát động phong trào chuyển đổi cây trồng, huyện Phụng Hiệp đã vận động người dân chuyển đổi hơn 3.000ha mía kém hiệu quả sang các loại cây trồng khác. Thực tế cho thấy, diện tích mía đã chuyển đổi sang trồng loại cây khác đều cho thu nhập cao gấp nhiều lần so với trồng mía, trong đó có đến 60% diện tích cho hiệu quả kinh tế hơn 100 triệu đồng/ha/năm. Ông Nguyễn Văn Lẫy, Bí thư Huyện ủy Phụng Hiệp, cho biết: Định hướng của huyện trong những năm tới là tiếp tục đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi. Tập trung phát triển kinh tế nông nghiệp đi vào chiều sâu, nhất là thực hiện được chuỗi giá trị để nâng cao thu nhập cho người dân. Trong đó, cây khóm MD2 là một trong 5 loại cây trồng chủ lực được huyện quy hoạch phát triển, bởi loại cây trồng này đã được liên kết về đầu ra.