Giải pháp phòng và trị bệnh phân trắng trên tôm

Thứ tư, 12 Tháng 6 2019 06:47 (GMT+7)
Ngày 11-6, tại UBND phường Khánh Hòa (TX. Vĩnh Châu), Trạm Khuyến nông TX. Vĩnh Châu tổ chức hội thảo Giải pháp phòng và trị bệnh phân trắng trên tôm năm 2019. Tham dự có đồng chí Huỳnh Ngọc Nhã – Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, lãnh đạo một số đơn vị thuộc ngành nông nghiệp tỉnh, Phòng Kinh tế TX. Vĩnh Châu và các hộ dân nuôi tôm.

Hiện TX. Vĩnh Châu đã có 7.695ha diện tích thả nuôi tôm; trong đó, diện tích nuôi tôm thẻ 6.383ha và tôm sú 1.618ha. Tổng diện tích thiệt hại đến nay là 201,91ha (323 hộ), chiếm 2,62% diện tích thả nuôi. Nguyên nhân thiệt hại chủ yếu là do thời tiết bất lợi, mưa nhiều làm môi trường ao nuôi thay đổi, các yếu tố như: nhiệt độ, độ mặn, pH, kiềm biến động lớn gây sốc cho tôm và do mưa nhiều mật số vi khuẩn trong ao tăng cao tạo điều kiện cho vi rút gây bệnh hoại tử gan tụy và vi rút đốm trắng phát triển. Tỷ lệ thiệt hại do môi trường chiếm 62%, bệnh đốm trắng 9,1%, bệnh hoại tử gan tụy cấp 22,4% và bệnh phân trắng 6,5%.

Quang cảnh buổi hội thảo.

Theo Phòng Kinh tế TX. Vĩnh Châu, từ đầu tháng 5 đến nay, tại các vùng nuôi tôm của địa phương có dấu hiệu xuất hiện nhiều bệnh phân trắng ở giai đoạn 40 ngày tuổi; với diện tích thiệt hại đã ghi nhận là 20ha, tập trung ở các xã, phường: Khánh Hòa, Hòa Đông và Vĩnh Hiệp. Do bệnh phân trắng xuất hiện nhiều, khó xử lý trong bối cảnh giá xuống thấp, đặc biệt là tôm thẻ chân trắng gây thiệt hại về kinh tế cho người nuôi. Qua đó, người nuôi tôm cần lưu ý, trong thời gian tới, thời tiết tiếp tục diễn biến thay đổi theo hướng bất lợi, do đó, không nên thả nuôi mạnh, cần theo dõi chặt chẽ kết quả quan trắc môi trường nước cũng như thông tin cảnh báo dịch bệnh trên các phương tiện thông tin truyền thông và các ngành chức năng để chọn thời điểm thả giống thích hợp.

Thông qua hội thảo, các đại biểu đã trao đổi và chia sẻ về hội chứng phân trắng ở tôm nước lợ cũng như về các triệu chứng của hội chứng phân trắng, giai đoạn phát triển bệnh và các giải pháp phòng ngừa bệnh như sau: duy trì nồng độ chất hữu cơ thấp để kiểm soát Vbrio (thay đổi nước, xiphon, xử lý vi sinh định kỳ…), sử dụng men đúng cách, quản lý tốt độ kiềm trong ao từ 100 đến 150 mg/lít, kiểm soát thức ăn hợp lý và bổ sung đầy đủ các dưỡng chất cho tôm…

Tuyết Xuân - (baosoctrang.org.vn)
T/h: Bích Ngân (dongbang.vn)

Bài viết mới nhất của Ngành Giống nông sản - Thủy sản