Trong cái khó, ló… ra hướng đi mới
Lần đầu gặp Phong, ít ai nghĩ em là kỹ sư công nghệ thông tin. Nước da đen, đôi bàn tay đầy những vết chai, đó là kết quả của những tháng ngày lao động nặng nhọc. Em không ngại khi chia sẻ về khoảng thời gian khó khăn nhưng đã cho em động lực để tự quyết định hướng đi của mình. Sau khi tốt nghiệp, em cũng như bao bạn học trong trường đi xin việc làm khắp nơi. Nhưng “đời không như là mơ”, công việc nặng nhọc, đồng lương ít ỏi, khiến cho em phải quyết định từ bỏ trở về quê để tìm hướng đi mới.
Thấy cha mẹ mình vất vả với cây mía nhưng thu nhập không là bao, có năm lỗ vốn do giá mía thấp, tiền thuê nhân công thu hoạch cao, nên Phong trăn trở tìm cây trồng mới thay thế. Tính toán thiệt hơn mãi, cuối cùng Phong quyết định đem cây hồ tiêu từ Đắk Lắk về vùng đất phèn trồng thử. Dẫu biết là mạo hiểm nhưng chàng trai trẻ có lý do để “làm liều”. “Em có để ý thấy nếu trồng cây ăn trái thì nguồn lợi không bền vững vì bị thương lái ép giá, do trái vào mùa thu hoạch không để được lâu, thế nào mình cũng chịu thiệt đồng ý với giá thương lái đưa ra. Còn trồng tiêu có khác, khi mình thu hoạch xong nếu bán chưa được thì trữ lại bao lâu cũng được mà không sợ hư hao, mất mát gì”, Phong trình bày lý do chọn cây hồ tiêu để trồng trên phần đất gia đình.
Nguyễn Vũ Phong ở ấp Tân Lộc, xã Lâm Tân (Thạnh Trị) là người tiên phong chọn cây hồ tiêu phát triển trên đất phèn.
Ban đầu em lên Đắk Lắk (ở đó em có nhà người quen và trồng tiêu rất hiệu quả) để học hỏi kỹ thuật trồng, cách chăm sóc cây hồ tiêu rồi tiện thể đem về 50 gốc tiêu trồng thử trên miếng đất gần nhà. Lúc đầu em cho cặm trụ xi măng cho tiêu leo, nhưng thấy chi phí “khá đậm” nên 150 gốc sau này em đổi sang cho tiêu leo trên cây tràm. Phong lý giải: “Vừa tiết kiệm chi phí đầu tư, vừa che phủ vườn tiêu nên giảm công tưới nước rất nhiều”. Thấy vườn tiêu thử nghiệm xanh tốt, em mua 2.000 cây tràm trồng trước 4 tháng rồi mới mua 2.000 gốc tiêu về trồng với giá 45.000 đồng/gốc.
Phần đất và chi phí trồng tiêu đều được cha mẹ tài trợ để em hiện thực hóa ý tưởng khởi nghiệp. Khi hỏi cách em thuyết phục cha mẹ em đồng ý chuyển đổi sang trồng tiêu, em trả lời gọn hơ: “Thì em đưa cha mẹ em tham quan vườn tiêu ở Kiên Giang, bảo là Kiên Giang trồng được thì Sóc Trăng cũng trồng được”. Đó chỉ là phần lý thuyết, nhưng để vẹn cả đôi đường, con trai được việc, gia đình không mất vốn, ông Nguyễn Văn Bình (cha của Phong) khề khà: “Tôi phải mua 1.000 cây dừa về trồng chung với tiêu để thủ, tiêu không được mình còn dừa”.
Năm 2015, khi những gốc tiêu bén rễ, phát triển xanh tốt, chưa kịp vui mừng thì hạn hán, xâm nhập mặn làm cho 1.400 gốc tiêu khô lá. Những tưởng “khởi động” không suôn sẻ, Phong bỏ vườn tiêu, trồng cây mới nhưng em vẫn chăm sóc cho 600 gốc tiêu còn lại, còn nghiên cứu cách ươm giống để giảm chi phí đầu tư. Nhờ sự kiên trì, Phong đã gặt hái được thành công bước đầu. Hiện nay, gia đình Phong đã mở rộng vườn đến 2,5ha trồng tiêu, với 3.500 gốc tiêu, trong đó có 2.000 gốc tiêu đang cho trái rộ sau 2 năm chăm sóc.
Vẽ ra con đường dài đưa nông sản đi xa
Tham quan vườn tiêu nhà Phong, chắc nhiều người sẽ thích thú với những “trụ xanh” được trồng ngay hàng thẳng lối và chi chít những chùm tiêu có hái mỏi tay cũng chưa hết. Bà Phạm Thị Dở (mẹ của Phong) khoe mỗi ngày bà hái được tầm 30kg tiêu tươi. Cứ 5kg tiêu tươi, bà phơi thu được 3kg tiêu thành phẩm. Từ tháng 2-2019 đến nay, cũng đã thu hoạch được hơn 1,1 tấn tiêu thành phẩm.
Chia sẻ về đầu ra cho sản phẩm gia đình, Phong cũng thú thiệt: “Để không bị mất khoản phí qua trung gian (thương lái), em bán trực tiếp tại các chợ Thạnh Trị, Nhu Gia, Mỹ Tú với giá sỉ là 80.000 đồng/kg, bán lẻ giá 100.000 đồng/kg. Ban đầu họ không biết sản phẩm của nhà em đâu, em phải đi chào hàng, cho họ bán thử, để giá thấp nên từ từ mới có chỗ giao nhiều. Nếu tính sơ sơ, từ tết đến giờ em bán tiêu cũng thu được cả trăm triệu. Nhưng để mở rộng thêm diện tích trồng thì mình phải tìm đầu ra, chứ như hiện nay thì không được. Để cạnh tranh với các sản phẩm vùng khác thì mình phải chứng minh được chất lượng sản phẩm, cái trước mắt là tiêu sản xuất sạch, ngon, giá hợp lý”.
Về vạch ra hướng đi sắp tới, Phong luôn đeo đuổi cách làm “chậm mà chắc” và chất lượng sản phẩm phải ưu tiên hàng đầu. Em chỉ sử dụng phân hữu cơ bón cây, em không sử dụng bất kỳ thuốc bảo vệ thực vật hay hóa chất nào khác. Hiện nay, gia đình em cũng đã mua vài con bò về nuôi, dự định sơ chế phân bò để bón cho tiêu. Sắp tới, em cũng nghiên cứu kỹ thuật chăm sóc mới để thu hoạch tiêu quanh năm, đảm bảo giữ được giá tốt nhất.
Để sản phẩm của mình không chỉ có mặt ở thị trường trong tỉnh mà “vượt rào” qua các tỉnh khác, cạnh tranh với sản phẩm tiêu ở vùng bản địa, Phong dự định đăng ký thương hiệu tiêu sạch và tìm hướng đi để quảng bá sản phẩm tiêu nhà mình đảm bảo trồng sạch, sản xuất sạch, không pha trộn. Phong cũng tìm ra cách nhân giống, có vườn ươm giống, cứ 6 tháng là có thể ươm trên 3.000 gốc tiêu. Nếu mô hình được nhân rộng thì sẽ cung cấp cây giống với giá rẻ cho những hộ có ý định thực hiện.
Trồng tiêu trên đất phèn, Phong cũng đã giải được phần nào phiền muộn của gia đình khi loay hoay tìm cây trồng, vật nuôi phù hợp để đầu tư. Đằng sau đó là tránh được thiệt thòi, không bị thương lái ép giá. Không dừng lại ở đó, em lại ấp ủ nhiều ý tưởng tiến xa hơn, đi xa hơn với cây hồ tiêu và chứng minh một điều đất phèn không phải khó canh tác, nếu biết cách thì “đất vẫn nở hoa”.