Nhiều ruộng mía bị bỏ hoang
Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Long An - Nguyễn Chí Thiện cho biết: “Diện tích mía còn lại trên địa bàn là những rẫy mía tồn từ những vụ trước. Nông dân tận dụng mía gốc để trồng tiếp nhưng năng suất không cao do thiếu chăm sóc”.
Cũng theo ông Thiện, vừa qua, đại diện một công ty mía đường đến gặp nông dân để ký hợp đồng bao tiêu trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên, do công ty chào giá quá thấp nên nông dân không đồng ý hợp tác sản xuất.
Tại xã Lương Hòa, huyện Bến Lức, phần lớn diện tích mía đã chuyển đổi sang cây trồng khác. Anh Đào Văn Giàu, ngụ xã Lương Hòa, đang dọn những liếp mía cũ, khô lá để chờ lứa mía mới lớn lên theo kiểu tự nhiên, không bón phân vì 2 vụ vừa qua, rẫy mía 0,5ha của gia đình anh lỗ hơn 50 triệu đồng.
“Hiện tại, trên địa bàn xã không còn bao nhiêu người trồng mía nữa hoặc có trồng thì thực chất là bỏ hoang rẫy mía cho mọc tự nhiên”, anh bộc bạch.
Nông dân chuyển đổi cây trồng khác
Phó Chủ tịch UBND xã Bình Đức, huyện Bến Lức - Nguyễn Văn Tài cho biết: “Diện tích mía của xã chỉ còn 120ha, giảm nhiều so với trước đây và đa số là mía tự mọc. Những hộ không chuyển đổi trồng loại cây khác chủ yếu vì thiếu vốn.”
Được biết, tại xã Tân Hòa, huyện Bến Lức, diện tích mía cũng chỉ còn hơn 30ha. Diện tích mía tại xã Thạnh Đức, Lương Hòa, Lương Bình và Thạnh Lợi cũng còn không đáng kể.
Trưởng ấp 4, xã Bình Đức - Nguyễn Thanh Tâm thông tin, những vụ mía lỗ trắng trước đây khiến nông dân không còn mặn mà với cây mía. Hiện, trong ấp chỉ còn khoảng 20ha mía. Gọi là "trồng" nhưng thực chất là nông dân chặt hết rẫy mía không bán được trước đó để tự lên từ gốc, không chăm bón.
"Nông dân còn để mía trên đồng là vì chưa có vốn chuyển đổi cây trồng khác. Một số hộ đang làm cuốn chiếu, phá rẫy mía đến đâu thì trồng chanh, thanh long,… đến đó” - ông Tâm cho biết thêm.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Long An, diện tích mía trên địa bàn tỉnh giảm mạnh so với thời gian trước. Cụ thể, tính đến tháng 6/2019, cây mía niên vụ 2019 - 2020 có diện tích trồng ước đạt 2.908ha, chỉ bằng 42% so với cùng kỳ năm 2018, tập trung rải rác ở các huyện: Bến Lức, Thủ Thừa và Đức Hòa./.