Nỗi lo người trồng mía

Thứ ba, 16 Tháng 7 2019 16:58 (GMT+7)
Sau khi Công ty Cổ phần Mía đường Cần Thơ (Casuco) thông báo chính thức tạm ngưng sản xuất tại Xí nghiệp đường Vị Thanh trong vụ ép tới đây, nhiều nông dân trồng mía trên địa bàn tỉnh, nhất là tại vùng mía thành phố Vị Thanh cảm thấy lo lắng.

Người trồng mía ở thành phố Vị Thanh rất lo lắng về tình hình tiêu thụ mía trong vụ thu hoạch sắp tới.  

Không biết bán mía ở đâu

Đây là tâm trạng chung của hầu hết người trồng mía tại thành phố Vị Thanh trong lúc này, khi nhà máy đường đặt tại địa bàn đã quyết định đóng cửa không tiếp nhận mía. Theo đó, vào ngày 29-6 vừa qua, ông Lê Hồng Thái, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng Giám đốc Casuco đã ký văn bản gửi đến Tỉnh ủy, UBND tỉnh và các sở, ban, ngành tỉnh, cũng như cơ quan truyền thông của tỉnh về việc Casuco tạm ngưng sản xuất tại Xí nghiệp đường Vị Thanh trong vụ ép mía sắp tới. 

Với vẻ mặt đầy lo âu khi đang đánh lá cho gần 5 công mía (giống K88-92) của gia đình, bà Nguyễn Thị Lình, ở ấp Mỹ 1, xã Hỏa Lựu, thành phố Vị Thanh, cho biết: “Gia đình tôi gắn bó với cây mía gần 10 năm nay. Đợt thu hoạch nào tôi cũng thuê ghe chở mía ra bán trực tiếp cho Xí nghiệp đường Vị Thanh, vì từ đây ra ngoài đó chưa đến 3km. Thế nhưng, mấy bữa trước nghe thông tin trên phương tiện thông tin đại chúng là năm nay Xí nghiệp đường Vị Thanh đóng cửa, chỉ còn Nhà máy đường Phụng Hiệp hoạt động nên tôi và bà con trồng mía nơi đây rất lo lắng vì không biết bán mía ở đâu khi đến ngày thu hoạch. Bởi đường vận chuyển mía từ đây sang Phụng Hiệp rất xa và tốn nhiều chi phí, trong khi giá mía thì thấp nên bà con dễ bị thua lỗ”.

Cùng tâm trạng, ông Trần Văn Ngây, ở ấp Thạnh Lợi, xã Hỏa Lựu, thành phố Vị Thanh, bộc bạch: “Nhiều năm qua, gần 1ha mía của tôi đều bán cho Xí nghiệp đường Vị Thanh và định năm nay cũng không thay đổi vì đường đi từ nhà tôi ra Xí nghiệp đường Vị Thanh rất thuận tiện và chưa đến 3km. Nhưng đột nhiên, lãnh đạo Casuco thông báo đóng cửa Xí nghiệp đường Vị Thanh làm tôi lo lắng cho đầu ra cây mía của mình. Bởi chở mía qua Phụng Hiệp để bán thì xa quá, còn Nhà máy đường Long Mỹ Phát thì không biết có hoạt động trong vụ tới không, vì chưa nghe thông báo. Mấy năm nay, người trồng mía luôn gặp khó vì giá bán, nhiều hộ đã bỏ cây mía để chuyển sang cây trồng khác vì canh tác mía không có lời. Hiện tại, ở xóm này chỉ còn vài hộ như tôi trồng mía, nhưng trước tình cảnh này chắc vụ tới tôi cũng chuyển sang trồng cây bắp hay hoa màu”.

Theo thống kê của ngành chức năng thành phố Vị Thanh, niên vụ mía 2019-2020, toàn thành phố xuống giống được gần 704ha, tập trung nhiều ở xã Tân Tiến, Hỏa Lựu, Vị Tân. Hiện các diện tích mía nơi đây đang ở giai đoạn từ 5-7 tháng tuổi, giống mía chủ lực là Suphan Buri 7 và một số giống mía thuộc nhóm K. Vào thời điểm này, dù Casuco đã ký hợp đồng bao tiêu được hơn 600ha, nhưng người trồng mía nơi đây vẫn cảm thấy bất an cho đợt thu hoạch mía sắp tới.  

Lý giải về nguyên nhân tạm đóng cửa một nhà máy đường của Casuco, ông Lê Hồng Thái, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng Giám đốc Casuco cho là do thiếu nguồn mía nguyên liệu. Cụ thể, do việc sản xuất mía kém hiệu quả và thua lỗ liên tục trong những vụ mía gần đây nên một phần người trồng mía đã chuyển đổi từ cây mía sang cây trồng khác hoặc không quan tâm chăm sóc dẫn tới năng suất vụ mía này được dự báo là sẽ giảm mạnh và chất lượng cũng thấp. Chính vì lẽ đó, Hội đồng quản trị công ty quyết định tạm ngừng sản xuất tại Xí nghiệp đường Vị Thanh trong vụ ép tới để tập trung sản xuất ở Nhà máy đường Phụng Hiệp. Hiện công suất ép của Nhà máy đường Phụng Hiệp là 2.500 tấn mía/ngày nên dự kiến thời gian tối đa là 4 tháng sẽ tiêu thụ hết mía đã ký hợp đồng với nông dân.   

Sẽ mua mía trực tiếp với nông dân

Tại Hậu Giang, hiện Casuco có 2 nhà máy đường trực thuộc là Xí nghiệp đường Vị Thanh có công suất ép 3.000 tấn mía cây/ngày và Nhà máy đường Phụng Hiệp có công suất ép 2.500 tấn mía cây/ngày. Nếu Xí nghiệp đường Vị Thanh ngưng hoạt động, người trồng mía sẽ gặp khó khăn. Để giải quyết sự lo lắng cho người trồng mía khi quyết định đóng cửa một nhà máy, vụ ép mía sắp tới Casuco áp dụng hình thức mới trong thu mua và tiếp nhận mía. Đó là, Casuco không thu mua mía qua thương lái như những năm trước mà sẽ cân mía trực tiếp với nông dân trồng mía tại rẫy thông qua lực lượng chuyên chở do công ty thuê. Việc Casuco triển khai cách làm trên nhằm giảm bớt các chi phí trung gian, tổn thất sau thu hoạch và giúp nông dân sản xuất đúng thời vụ.

Theo đó, Casuco sẽ cho cán bộ thống kê cụ thể từng giống mía ở từng vùng, thời gian xuống giống, từ đó khoanh vùng thu hoạch vào từng thời điểm cụ thể. Mặt khác, trước khi thu hoạch mía thì Casuco sẽ cử cán bộ xuống kiểm tra chữ đường (CCS), khi CCS đạt thì thông báo thời gian đốn mía để bà con chuẩn bị. Trường hợp nông dân gặp khó trong việc tìm nhân công đốn mía hay bị đẩy giá đốn lên cao thì thông báo cho cán bộ của Casuco để có giải pháp hỗ trợ giúp nông dân thu hoạch mía đạt năng suất và CCS tốt nhất, còn Casuco thì ép mía đạt hiệu quả.

Tuy nhiên, phía Casuco cũng lưu ý người trồng mía là nhà máy đường chỉ tiếp nhận và mua mía đối với những trường hợp nông dân có ký kết hợp đồng bao tiêu với công ty, riêng trường hợp mía không có hợp đồng đem ra nhà máy đường của Casuco thì sẽ không tiếp nhận, đồng thời thương lái mua mía không phải là người Casuco thuê thì công ty cũng không tiếp nhận mía. Bởi, mỗi vùng, mỗi giống mía đều được công ty lên lịch thu hoạch rõ ràng thông qua phiếu hợp đồng bao tiêu…

Kết thúc ký hợp đồng bao tiêu mía đợt 1 với nông dân, Casuco đã ký được sản lượng hơn 220.000 tấn mía cây (tương đương khoảng 3.675ha), với giá sàn bảo hiểm là 700 đồng/kg. Hiện cán bộ của Casuco đang tiếp tục triển khai ký hợp đồng bao tiêu đợt 2 và phấn đấu ký hết diện tích và sản lượng mía cây được tỉnh phân bổ.

Bài, ảnh: HỮU PHƯỚC - (baohaugiang.com.vn)
T/h: Bích Ngân (dongbang.vn)

Bài viết mới nhất của Ngành Giống nông sản - Thủy sản