Cô Liên chăm sóc cây ổi và rau má trồng xen cây dừa.
Trúng vụ chuyển đổi đầu tiên
Bước vào đất vườn của cô Liên đâu đâu cũng một màu xanh tươi của rau màu và cây ăn trái; phía trước vườn là một ao nước đầy cá.
Cô Liên cho biết, trước đây 5 công đất này là trồng lúa, mỗi năm gieo sạ 2 vụ thì ăn chắc, nhưng đến vụ thứ ba thì bấp bênh. Mùa thu hoạch, nếu trừ chi phí phân, thuốc, thuê máy móc cơ giới thì đồng lãi không còn bao nhiêu.
Cô Liên nhớ lại: “Năm 2016, vợ chồng tôi thống nhất chuyển hơn 1 công đất (lên liếp) để trồng đậu bắp. Cây trồng 52 ngày là cho trái thu hoạch, bán được 18 triệu đồng. Sau đó, vợ chồng tôi tiếp tục cải tạo đất và trồng ớt sừng vàng châu Phi. Giá bán cao nhất 40 ngàn đồng/kg và thấp nhất 5 ngàn đồng/kg, tổng thu được 60 triệu đồng. Không còn do dự, vợ chồng tôi lên liếp hết diện tích đất còn lại để trồng rau màu và cây ăn trái”.
Khi đất ruộng lên liếp, trên phần đất vườn, cô Liên dành khoảng 1 công để trồng ớt. Ngay thời điểm này, cây ớt trồng đã cho trái bắt đầu thu hoạch, bán giá 55 ngàn đồng/kg. Phần còn lại, cô trồng bưởi da xanh và dừa. Để lấy ngắn nuôi dài, cô trồng xen rau má và ổi. Còn phần diện tích mặt nước ở giữa, cô nuôi cá phục vụ bữa ăn cho gia đình.
Theo cô Liên, ổi và rau má cho nguồn thu khá cao. Trái ổi bán giá ổn định hơn 10 ngàn đồng/kg. Rau má thì cô đã hợp đồng cung cấp cho một công ty ở TP. Hồ Chí Minh. Trung bình mỗi tháng, cô thu hoạch cao nhất 2 tấn và thấp nhất 1 tấn, giá bán khoảng 18 ngàn đồng/kg.
Tiếp cận khoa học kỹ thuật
Năm 2018, vợ chồng cô Liên nhận được sự hỗ trợ từ hai nguồn: Dự án AMD huyện Ba Tri hỗ trợ 400 bao đất sạch (tương đương 20 triệu đồng) và tập huấn kỹ thuật chăm sóc rau an toàn, vợ chồng cô đầu tư lưới bao quanh khu vực trồng rau. Sở Khoa học và Công nghệ, Hội Nông dân tỉnh hỗ trợ trang thiết bị xây dựng hầm ủ phân kèm theo hướng dẫn kỹ thuật. Hầm ủ phân có thể tích 6m3 bao gồm các hỗn hợp như: phân chuồng (phân bò) mụn dừa, phân lân, u-rê, kali, rơm, chế phẩm vi sinh… đúng 2 tháng mịn, tơi xốp bón cho cây trồng. Cô Liên nói: “Họ cử cán bộ kỹ thuật xuống hướng dẫn rất kỹ và trực tiếp xem mình thực hành”.
Cứ thu hoạch xong vụ đậu bắp hay vụ ớt, vợ chồng cô cho đất nghỉ hơn 1 tháng mới tiến hành cải tạo cho đất tơi xốp kết hợp bón phân đã ủ để tăng thêm chất dinh dưỡng. Đối với đất trồng rau má thì mỗi năm tiến hành cải tạo 1 lần. “Rau má chỉ cần trồng vụ đầu tiên, sau đó, hột rau má già rụng xuống đất, vợ chồng cô chỉ cải tạo đất và bón phân lót, tưới nước là rau phát triển” - cô Liên cho biết thêm.
Nhờ tiếp cận khoa học kỹ thuật, vợ chồng cô Liên chăm sóc rau màu và cây ăn trái rất hiệu quả, giảm được chi phí đầu vào. Hiện vợ chồng cô đang chuẩn bị đầu tư xây dựng nhà lưới trên diện tích đất hơn 1 công để trồng ớt theo tiêu chuẩn VietGAP.
“Trồng rau màu, mỗi ngày phải bỏ công chăm sóc nhưng bù lại có được nguồn thu gấp nhiều lần so với gieo sạ lúa. Vợ trồng tôi tiếp tục trồng rau má, bởi có nơi tiêu thụ và giá cả rất ổn định. Sắp tới, tôi chuyển sang trồng rau màu theo tiêu chuẩn VietGAP để sản phẩm tiêu thụ dễ dàng hơn”, cô Liên chia sẻ.