Vụ Hè - Thu 2019, nông dân Ba Tri được mùa với giống lúa OC 10.
Tìm giống siêu nguyên chủng
Thị trường bún, bánh là “mảnh đất màu mỡ” cho giống lúa OC 10 tiếp tục tồn tại. Tuy nhiên, giống lúa OC 10 do canh tác lâu năm, không được chọn thuần hoặc phục tráng lại nên giống không còn đạt độ thuần theo tiêu chuẩn kỹ thuật quy định, giống trở nên thoái hóa dẫn đến suy giảm năng suất, chất lượng, khả năng chống chịu không còn đúng như ban đầu.
Do giống được phóng thích đã lâu, người canh tác không còn tên gốc ban đầu nên không thể xác định được nguồn gốc của giống. Vì vậy không thể sản xuất giống theo phẩm cấp như quy định. Muốn tạo ra một lượng giống chứng nhận, cần bắt đầu tiến hành phục tráng giống theo quy trình siêu nguyên chủng đúng quy định của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
Trước tình hình này, ông Hồ Thanh Nhân - Phó trưởng phòng Kỹ thuật, Trung tâm Giống nông nghiệp Bến Tre (nay là Trung tâm Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao) đã đăng ký thực hiện đề tài “Nghiên cứu phục tráng, khảo nghiệm và chuyển giao quy trình canh tác giống lúa OC 10 phục vụ nhu cầu sản xuất của nông dân nghèo tỉnh Bến Tre” nhằm đáp ứng nhu cầu sử dụng giống cho người trồng lúa trong tỉnh, giúp giảm chi phí canh tác, nâng cao hiệu quả trồng lúa cho nông dân. Được biết, ông Hồ Thanh Nhân là chủ nhiệm đề tài, còn ông Nguyễn Thanh Nhân là người phối hợp thực hiện (chủ yếu khâu thực hành trên đồng ruộng).
Thời gian thực hiện đề tài 12 tháng, từ tháng 6-2013 đến tháng 5-2014, kinh phí 200 triệu đồng, do Dự án DBRP Bến Tre tài trợ. Về “lai lịch”, OC 10 là giống lúa được nông dân tỉnh Bến Tre bắt đầu trồng đại trà khoảng gần 10 năm nay. Giống lúa OC 10 là giống lúa dễ canh tác, năng suất cao, gạo dễ bán do tính chất “lợi gạo” khi chế biến bún, bánh.
“Chúng tôi tiến hành chọn ngắt 300 bông lúa OC 10 dùng làm nguồn vật liệu khởi đầu để trồng thuần giống lúa OC 10. Sau đó, gieo lại làm từ G0 đến G1, G2 rồi ra giống siêu nguyên chủng. Kết quả, cả 3 dòng số 1, số 2 và dòng số 11 đều được công nhận đạt tiêu chuẩn giống siêu nguyên chủng. Kết quả đã có 525kg giống siêu nguyên chủng được chứng nhận. Từ nguồn giống này, Trung tâm đã nhân nhanh và tiếp tục được Trung tâm Khảo kiểm nghiệm giống, sản phẩm cây trồng phía Nam công nhận trên 10 tấn giống nguyên chủng để cung ứng cho các địa bàn trồng lúa của tỉnh”, ông Nguyễn Thanh Nhân cho biết.
“Phủ sóng” cánh đồng lớn
Giống lúa OC 10 siêu nguyên chủng tiếp tục được nhân nhanh thêm 6 vụ trong 3 năm đầu sau khi phục tráng thành công giống lúa OC 10 siêu nguyên chủng. Rồi mất thêm 3 năm nữa để tung rộng ra thị trường. Hiện tại, giống OC 10 phục tráng đang được nông dân sử dụng thay cho giống lúa OC 10 cũ.
“Quá trình nhiêu khê lắm mới phục tráng thành công. Bây giờ, chúng tôi tiếp tục phục tráng do số lượng lúa gốc ban đầu trữ trong tủ lạnh đã xài hết. Mình làm tiếp để lọc dòng lúa thuần trong tình hình thời tiết biến đổi khí hậu, sản xuất ngắn ngày hơn, 97 - 100 ngày, so với giống OC 10 được phục tráng là 105 ngày”, ông Nguyễn Thanh Nhân chia sẻ. Được biết, ông Nguyễn Thanh Nhân hiện là Trưởng trại giống lúa Ba Tri đặt tại xã An Bình Tây, huyện Ba Tri, hàng ngày ông mở cửa bán lúa giống OC 10 phục tráng cho nông dân. lúa giống OC 10 12.000 đồng/kg, trung bình hàng năm bán trên 100 tấn ra thị trường, năng lực sản xuất giống của trại là 80 tấn/vụ. Ngoài ra, người dân cũng trao đổi lúa giống OC 10 phục tráng cho nhau sau khi nhân giống.
Phấn khởi vì OC 10 mới
Là người dân Ba Tri, ông Nhân cho biết: Toàn bộ hơn 11 ngàn ha diện tích lúa gieo sạ ở Ba Tri trong vụ Hè - Thu 2019 thì OC 10 chiếm hơn 10 ngàn ha. OC 10 Ba Tri được cung cấp để làm bánh quy, bánh hỏi, bún; thương lái còn thu mua cung ứng cho dân đi biển, vì ghe câu mực, ghe đi hay bị gió, sóng đánh rất khó nấu, đặc điểm của OC 10 là rất dễ nấu chín, gió bạt, tắt lửa nó cũng không bị sống cơm.
Ghe mua lúa của Công ty Lương thực Bến Tre đưa nhóm công đoàn bốc xếp lúa vào sâu trong cánh đồng lớn thuộc xã Phú Lễ, huyện Ba Tri. Dọc theo kênh 9A, xã An Bình Tây, hai bên là bát ngát đồng ruộng đang chín vàng, dưới kênh mặt nước vàng đậm phù sa. Ghe tấp vào bến, người của Công ty Lương thực Bến Tre nhanh chóng xem lúa, cân lúa và bốc xếp lên ghe.
Trên đồng ruộng, máy gặt đập liên hợp chạy ào ào, lúa tươi thu hoạch được bán ngay. Năm nay, người nông dân phấn khởi vì OC 10 trúng mùa, chú Nguyễn Văn Biếu, xã Phú Lễ nói: “Năng suất của OC 10 mới (đã được phục tráng) đạt 5 - 6 tấn/ha trong vụ Hè Thu này. Nó dễ trồng, ít bệnh, 3 vụ trong năm mùa nào trồng cũng đạt. Tui làm OC 10 mới khoảng 6 - 7 năm nay, còn trước cũng xài OC 10 nhưng chưa thuần. Cổ lúa OC 10 mới cao hơn OC 10 cũ, năng suất cao hơn nhiều so với giống chưa phục tráng”.
Giống lúa OC 10 cần có một chỗ đứng cao hơn trong an ninh lương thực tỉnh nhà. Thiết nghĩ, tỉnh cần có chính sách khuyến khích thay đổi giống lúa OC thoái hóa và mở rộng sản xuất giống OC 10 trong điều kiện diện tích lúa đang ngày càng giảm mạnh do người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng.
OC 10 được đánh giá là giống lúa triển vọng chịu mặn. Thí nghiệm thanh lọc tính kháng mặn đã chứng minh điều này khi dùng hai giống đối chứng là Pokali (giống chuẩn kháng mặn), IR29 (giống chuẩn nhiễm mặn) và ba dòng D1, D2, D3 của bộ giống OC 10. Qua kết quả phân tích về khả năng chịu mặn ở giai đoạn cây con 30 ngày tuổi, dòng 1 của bộ giống OC 10 vẫn thể hiện khả năng chịu mặn tốt hơn so với các dòng còn lại sau 7 ngày, 14 ngày và 21 ngày sau khi xử lý mặn. Dòng D1- OC 10 là dòng triển vọng chịu mặn, đây là nguồn vật liệu di truyền có giá trị trong việc nghiên cứu ứng chọn tạo dòng/giống thương mại lúa chịu mặn. |