Chuyển đổi cây trồng hiệu quả ở Tân Long

Thứ hai, 16 Tháng 9 2019 07:20 (GMT+7)
Nhiều người dân trồng mía ở xã Tân Long, huyện Phụng Hiệp, đã chủ động chọn lựa mô hình chuyển đổi, xen canh nhiều loại cây ăn trái, rau màu để khai thác hiệu quả trên cùng một diện tích đất.

Nhiều hộ trồng mía ở ấp Long Phụng, xã Tân Long, chuyển sang trồng nhiều loại cây ăn trái xen rau màu.

Ông Nguyễn Vũ Phương, Phó Chủ tịch UBND xã Tân Long, cho hay: Toàn xã còn trên 240ha mía, không được quy hoạch vùng mía nguyên liệu và nằm ngoài đê bao. Trong năm 2018 và từ đầu năm 2019 đến nay, xã đã vận động người dân chuyển đổi các diện tích đất mía kém hiệu quả. Trước đó, nhiều hộ đã chủ động chuyển đổi khi tình hình giá mía thấp trong thời gian qua. Có hộ vẫn giữ cây mía nhưng chuyển sang trồng mía bán chục, có hộ chọn cải tạo đất, trồng cây ăn trái, xen canh rau màu để tận dụng hết đất và kiếm thu nhập khi cây chưa cho trái. Đến nay, diện tích đất mía chuyển đổi trên 100ha.

Long Phụng là một trong những ấp có nhiều hộ trồng mía lâu năm. Quá trình chuyển đổi cây trồng ở đây đã bắt đầu từ năm ngoái, tại những khu vực có diện tích mía không lớn, dễ ngập và không mang lại hiệu quả. Trong thời gian đợi cây ăn trái mới trồng cho thu hoạch, bà con đã chủ động khai thác phần diện tích liếp trống, mương vườn giữa liếp trồng xen canh các loại rau màu, bông súng, chuối, gừng…

Bà Tống Thị Nguyệt, ở ấp Long Phụng, chỉ có 6 công mía nên thu nhập mang lại không bao nhiêu, có năm bị ngập coi như mất mùa. Nhận thấy đã đến lúc phải thay đổi cách làm ăn để có thu nhập ổn định hơn, phù hợp với tình hình thực tế, năm ngoái bà Nguyệt đã cải tạo 3 công đất, đắp mô cao để trồng cây ăn trái, còn giữ lại 3 công mía.

Trên 3 công đất chuyển đổi, bà Nguyệt trồng 150 cây đu đủ ruột vàng và trên 300 cây mít. Hiện mít mới trồng một năm nên chưa cho trái, còn vườn đu đủ nhà bà Nguyệt đã cho trái đợt đầu tiên. Sở dĩ chọn đu đủ ruột vàng vì đây là giống dễ trồng, thời gian thu hoạch dài và cứ 7-8 ngày là ra hái bán được nên tạo thu nhập đều đặn. “Mấy ngày nay, thương lái vào tận vườn mua với giá 6.500 đồng/kg. Đợt đầu tiên tôi mới bán hơn 100kg, thu về gần 700.000 đồng, các đợt sau trái tới lứa bán còn nhiều hơn nên thu nhập có thể tăng cỡ 1 triệu đồng”, bà Nguyệt phấn khởi cho biết. Do mới trồng lần đầu nên từ khi ươm giống đến thu hoạch bà còn nhiều bỡ ngỡ, phải vừa làm vừa học, rút kinh nghiệm. Đến khi bán được lứa đầu mới nhẹ nhõm phần nào.

Ở cách đó không xa, bà Tống Thị Mười lại tận dụng mương vườn trong rẫy mía (5 công) để trồng bông súng. Bà kể lúc mới trồng thấy mê lắm, mỗi đợt đều hái được 70-100kg. Giá bông súng trong năm cũng dao động từ 3.500-5.000 đồng/kg. Mỗi tháng trung bình bán được trên dưới 1 triệu đồng để chi tiêu. Còn đất mía cũ, bà Mười xới lại rồi trồng thêm chuối xiêm. Còn khoảng vài tuần nữa mới thu hoạch nhưng giá thị trường hiện nay đang ở mức cao, khoảng 70.000 đồng/10 nải chuối.

Trồng mía lâu đời nên chuyển đổi ngay sang cây khác vẫn là chuyện cần đắn đo, do phải thay đổi tập quán và thói quen canh tác và vấn đề đầu ra cũng cần tính toán trước mới tránh được cảnh sản phẩm làm ra ồ ạt lại không đáp ứng nhu cầu thị trường. Những người dân còn giữ lại diện tích mía thì gia cố bờ bao để trồng mía bán chục. Nếu chăm sóc tốt, mía trúng có thể bán được từ 15-20 triệu đồng/công. Hơn nữa, trồng mía bán chục không tốn kém chi phí và công thu hoạch do thương lái tự thuê nhân công nên nhiều người chọn đây là giải pháp để tạo thu nhập và tiếp tục gắn bó với cây mía, hy vọng giá cả khởi sắc trở lại. 

Phó Chủ tịch UBND xã Tân Long Nguyễn Vũ Phương cho biết thêm: Địa phương đã phối hợp với ngành nông nghiệp huyện tổ chức nhiều lớp dạy nghề nông thôn về trồng cây ăn trái để người dân có kiến thức, về áp dụng trên vườn cây của mình. Đồng thời, chỉ đạo tổ kỹ thuật xã tiếp tục theo dõi, hỗ trợ kỹ thuật cho bà con. Bên cạnh đó, địa phương còn nỗ lực để liên kết các doanh nghiệp, hợp tác xã với các hộ dân để giảm phần nào những lo lắng của bà con về đầu ra cho nông sản sau chuyển đổi.

Bài, ảnh: THIÊN NGỌC - (baohaugiang.com.vn)
T/h: Bích Ngân (dongbang.vn)

Bài viết mới nhất của Ngành Giống nông sản - Thủy sản