Đậu nành rau được ông Nguyễn Văn Tư đóng kiện đưa lên xe tải chuẩn bị giao hàng cho công ty.
Đây là vụ đầu tiên ông Tư trồng đậu nành rau theo hợp đồng với một công ty tại tỉnh An Giang. Hiện, trái đậu nành rau được bao tiêu với giá 10.500 đ/kg. Sau khi công ty nhận hàng đem về và phân tích mẫu, nếu hàng đạt chuẩn (không nhiễm chất cấm), trái đẹp, công ty sẽ thưởng thêm 250 đ/kg. Nếu hàng không đạt chất lượng thì công ty sẽ mua với giá rẻ thậm chí là không mua.
Theo ông Tư, trồng đậu nành rau chỉ 65 ngày là thu hoạch, so với trồng lúa, mô hình này đang đem lại lợi nhuận khá- khoảng 4 triệu đồng/công, hộ trồng lâu năm có kinh nghiệm có thể lời đến 5 triệu đồng/công.
Mô hình đậu nành rau đang được nông dân xã Nguyễn Văn Thảnh trồng theo hướng an toàn, trong đó chú trọng sử dụng phân bón và thuốc trừ sâu hữu cơ và sinh học. Lợi ích của mô hình là giúp cải tạo đất bạc màu, tập dần cho nông dân thói quen trồng rau sạch nhằm bảo vệ môi trường và sức khỏe cho người dân. Đồng thời, tạo việc làm, tăng thu nhập cho lao động nông thôn.
Để thu hoạch được 5 công đậu nành rau, ông Tư cần đến cả trăm lao động/ngày. Hiện, giá nhân công vác đậu nành rau là 300.000 đ/ngày, còn nhân công chặt cây và hái trái được trả 2.500 đ/kg trái, người làm chậm cũng được trả công 180.000 đ/ngày, cá biệt có người làm giỏi được trả 600.000 đ/ngày công.
Theo Phó Bí thư Đảng ủy xã Nguyễn Văn Thảnh Nguyễn Ngọc Tuân, mô hình trồng đậu nành rau được triển khai từ vụ lúa Đông Xuân 2019, bước đầu chỉ có 5 hộ nông dân ký hợp đồng xuống giống gần 5ha, đến nay đã có 11 hộ tham gia với diện tích 11,5ha.
Hiện, địa phương đang khuyến khích nông dân chuyển đổi từ đất lúa kém hiệu quả sang trồng đậu nành rau, song sẽ không chuyển đổi ồ ạt mà chuyển đổi từ từ với lịch xuống giống và thu hoạch theo định hướng của địa phương để tránh tình trạng thiếu hụt nhân công lao động khi vào vụ.