Cầm mảnh giấy hướng dẫn thu hoạch mía sạch của Casuco đưa ra, hầu hết bà con trồng mía đều cho rằng rất khó thực hiện.
Theo thông báo chính thức của Công ty Cổ phần Mía đường Cần Thơ (Casuco) thì Nhà máy đường Phụng Hiệp, thuộc Casuco và đây cũng là nhà máy đường duy nhất của tỉnh hoạt động trong vụ mía 2019-2020 này sẽ bắt đầu vụ ép vào ngày 10-10 tới. Theo nhiều người trồng mía, thời gian vào vụ năm nay sẽ trễ hơn gần một tháng so với những năm trước nên khả năng kéo theo nhiều hệ lụy.
Mất vụ lúa liếp
Huyện Phụng Hiệp không chỉ biết đến là vùng có diện tích mía lớn nhất của tỉnh mà người dân trồng mía nơi đây còn có tập quán sạ thêm vụ lúa liếp sau khi bán mía xong nhằm kiếm thêm nguồn thu nhập trên cùng diện tích đất canh tác, nhất là những hộ có đất sản xuất không nhiều. Do đó, có không ít hộ trồng mía ở xã Hiệp Hưng, Tân Phước Hưng, thị trấn Búng Tàu… thường chọn trồng giống mía chín sớm là ROC 16 để thu hoạch trước và sạ lại vụ lúa liếp. Tuy nhiên, với thời gian thông báo vào vụ ép như trên thì đây là năm thứ hai người trồng mía mất nguồn thu nhập từ lúa liếp.
Ngồi buồn bã nhìn 5 công mía (giống ROC 16) đã hơn 10 tháng nhưng vẫn chưa bán được, anh Đặng Văn Đậm, ở ấp Mỹ Hưng, xã Hiệp Hưng, huyện Phụng Hiệp, thở dài cho biết: “Thông thường đầu tháng 9 là bà con nơi đây đã bắt đầu đốn mía sôi động để bán cho nhà máy đường. Bởi giống mía ROC 16 khoảng 9 tháng là đạt trên 10 chữ đường (CCS). Riêng năm nay, đến lúc này mà việc mua, bán mía vẫn trầm lắng và phải đợi thêm khoảng nửa tháng nữa nhà máy đường mới vào hoạt động. Ngoài lo mía quá ngày thu hoạch bị ảnh hưởng thì tôi cùng nhiều bà con nơi đây không thể sạ được vụ lúa liếp, trong khi đây được xem là vụ lúa “cứu cánh” cho nông dân trong điều kiện bán mía không có nguồn lợi nhuận như hiện nay”.
Cũng theo anh Đậm, lúa liếp thường nhẹ chi phí đầu tư do cây lúa ăn phân còn thừa của cây mía, đồng thời tận dụng lá mía bị ủ xuống làm phân hữu cơ rất hiệu quả. Mặt khác, năng suất lúa liếp thường đạt 450-550kg/công (1.300m2), thậm chí có năm gặp thời tiết thuận lợi thì năng suất còn cao hơn nhiều. Do chi phí đầu tư ít nên sau khi bán lúa xong thì người dân có thể kiếm được nguồn lợi nhuận trên 2 triệu đồng/công. Số tiền này phần nào giúp bà con trang trải trong việc mua lại nguồn mía giống và vật tư nông nghiệp để sản xuất cho mùa vụ sau. “Chính những hiệu quả mang lại nên nhiều năm qua tôi và bà con ở đây đều sạ lúa liếp sau đó mới trồng lại vụ mía. Tuy nhiên, tình trạng nhà máy đường vào vụ trễ như thông báo thì coi như năm nay bà con ở đây bỏ vụ lúa liếp rồi. Trong khi tình hình giá mía không mấy sáng sủa nên ai cũng rầu lo khi nhắc đến cây mía”, anh Đậm cho biết thêm.
Cùng tâm trạng, ông Huỳnh Văn Tôi, ở ấp Quyết Thắng B, xã Hiệp Hưng, chia sẻ: “Tôi có 8 công mía, trong đó thường trồng 4 công giống mía ROC 16 để bán sớm và sạ lại vụ lúa liếp. Bởi có lúa liếp sẽ giúp nông dân đỡ nhiều khoản chi phí. Nhất là có tiền tái đầu tư cho mùa vụ sau khi lỡ bán mía không có nguồn lợi nhuận nhiều như hai, ba vụ mía gần đây. Tuy nhiên, năm rồi nhà máy đường vào vụ trễ nên bà con bỏ vụ lúa liếp và tình hình năm nay cũng tương tự nên nông dân rất nản lòng. Trước tình hình này, khả năng sau khi bán mía xong tôi sẽ chuyển sang cây trồng khác sau hơn 30 năm gắn bó với cây mía”.
Thông tin từ ngành nông nghiệp huyện Phụng Hiệp, diện tích lúa liếp của huyện vào thời điểm cao nhất đạt khoảng 500ha, nhưng vụ mía năm rồi chỉ còn khoảng 185ha, riêng năm nay thì không có diện tích nào. Nguyên nhân giảm là do một phần bà con ở những nơi vùng trũng bị ảnh hưởng nước lũ và một phần do nhà máy đường vào vụ trễ kéo theo bà con không đốn mía sớm được để sạ lúa. Ngoài mất diện tích lúa liếp, theo lãnh đạo một số địa phương có mía thì việc vào vụ trễ của nhà máy đường còn ảnh hưởng đến thời vụ sản xuất của bà con, đồng thời ảnh hưởng đến chất lượng, năng suất mía vì đã quá ngày thu hoạch.
Ông Huỳnh Văn Út, Chủ tịch UBND xã Hiệp Hưng, cho hay: Mọi năm, vùng mía tại địa phương được bà con thu hoạch chậm nhất cũng bắt đầu vào ngày 25-9 và thường thu hoạch chưa hết tháng 12 là dứt điểm hơn 1.500ha. Nhưng năm nay, nhà máy đường thông báo lịch vào vụ ép như thế là quá trễ. Mặt khác, khi vào vụ ép thì đồng loạt người dân trồng mía của huyện Phụng Hiệp ai cũng có nhu cầu bán mía vì đã đến ngày thu hoạch, trong khi trên địa bàn tỉnh chỉ còn Nhà máy đường Phụng Hiệp hoạt động với công suất 2.500 tấn mía. Trường hợp mía bị ùn ứ và phải thu hoạch qua tháng 12 thì tạo ra nhiều khó khăn cho nông dân nơi đây. Bởi tập quán của bà con thường trồng mía xong trước Tết Dương lịch, nếu để qua năm sau mà xuống giống ngay thời điểm mùa khô thì mía không tốt. Hơn nữa, khi thu hoạch mía lúc gió bấc về thì mía dễ bị trổ cờ làm giảm CCS và năng suất. Do đó, địa phương đề nghị nhà máy đường cần tính toán thời gian vào vụ cho hợp lý hơn.
Lo chính sách thu mua mới
Bên cạnh nỗi lo về thời gian vào vụ ép thì việc năm nay Casuco triển khai một số quy định mới trong thu mua mía cũng tạo sự lo lắng không nhỏ cho người trồng mía. Trước tiên là quy định về việc thu hoạch mía sạch, trong đó bà con chưa hài lòng việc Casuco yêu cầu chặt ngọn mía quá gần lóng mía, cũng như bỏ một lóng mía dưới gốc và buộc mía bằng dây ni lông.
Ông Nguyễn Hoàng Khôi, ở ấp Tân Phú B1, xã Tân Phước Hưng, huyện Phụng Hiệp, cho biết trước giờ nhân công đốn mía quen với việc tận dụng ngọn mía làm dây bó, nhưng giờ quy định chuyển sang bó dây ni lông sẽ gặp khó vì sẽ chậm và bó mía không chặt khó vận chuyển. Mặt khác, tại sao Casuco lại yêu cầu bỏ một lóng mía dưới gốc, trong khi mía gần gốc có CCS cao nhất. Ngoài ra, việc làm này không chỉ làm mía mất một phần năng suất, mà còn tạo ra sự nguy hiểm cho nông dân trong quá trình di chuyển mía, vì dễ bị lóng mía còn lại đâm vào chân. Hơn nữa, từ trước đến giờ bà con thường chừa phần đọt non của cây mía dài khoảng 5 tấc, nhưng giờ nếu chặt đúng quy định thì chỉ còn khoảng 2 tấc. “Nhận thấy những yêu cầu về mía sạch của Casuco đưa ra chưa thật sự hợp lý nên bà con đề nghị Casuco xem xét năm nay mua mía theo cách làm truyền thống như từ trước đến giờ, sau đó tập huấn cho nông dân làm quen từ từ với cách làm mới, chứ đột ngột buộc người dân làm theo đúng quy định thì cũng gặp khó”, ông Khôi bộc bạch.
Ngoài quy định về mía sạch, không ít nông dân trồng mía còn đặt ra nhiều quan ngại việc Casuco chỉ mua mía của thương lái do Casuco có hợp đồng, còn thương lái khác thì không nhận mía. Việc làm này tuy trước mắt giúp người dân giảm chi phí qua khâu trung gian, nhưng lại có nhược điểm là bà con phải phụ thuộc vào thương lái, trường hợp khi vào vụ đông ken đốn mía hoặc có lũ lớn thì tình hình càng khó khăn vì bà con muốn bán mía cũng không được.
Ông Huỳnh Văn Tôi, ở ấp Quyết Thắng B, xã Hiệp Hưng, chia sẻ thêm: “Trước đây, khi có nhiều thương lái mua mía thì khoảng 180ha mía của ấp này chỉ thu hoạch chưa hết tháng 10 là dứt điểm. Nhưng vụ mía năm rồi, số lượng thương lái giảm nên phải kéo sang đến tháng 12 mới xong. Còn năm nay, thương lái tiếp tục bị khống chế, cộng với số lượng nhà máy đường cũng giảm thì không biết đến bao giờ bà con mới bán hết mía. Trong khi khu vực này có hơn 50% bà con trồng giống mía chín sớm ROC 16 hiện đã đến ngày thu hoạch”.
Ông Nguyễn Chí Hùng, Chủ tịch UBND huyện Phụng Hiệp, cho rằng: Trước nhiều vấn đề trăn trở tại vùng mía của huyện, do đó địa phương kiến nghị với UBND tỉnh và các ngành chức năng có liên quan của tỉnh sớm có giải pháp trong việc kêu gọi nhà máy đường tính toán thời gian vào vụ hợp lý hơn nhằm hạn chế thiệt hại cho người trồng mía, nhất là tại các rẫy mía ROC 16 đã đến ngày thu hoạch…