Anh Trương Chí Thức với 2 con rắn ri voi trong giai đoạn sinh sản. Ảnh: T.Q
Sau khi tốt nghiệp ra trường, có tấm bằng kỹ sư nuôi trồng thủy sản, anh Trương Chí Thức tập trung cho việc phát triển kinh tế gia đình.
Năm 2009, qua tìm hiểu các mô hình kinh tế hiệu quả, nhận thấy mô hình nuôi rắn ri voi ít vốn đầu tư lại cho thu nhập khá, anh Thức liền đến huyện U Minh (tỉnh Cà Mau) tìm mua 2 con rắn ri voi bố mẹ và 14 con rắn nhỏ về nuôi. Hơn 1 năm, đàn rắn lớn nhanh, anh không bán mà để sinh sản. Qua 3 năm, anh đã có đàn rắn với hàng trăm con, trọng lượng từ 1 - 4kg/con.
Thấy nuôi rắn sinh sản cho nguồn thu khá nên anh Thức đầu tư nuôi rắn sinh sản, bán rắn giống. Hiện nay, trung bình mỗi năm anh bán trên 2.000 con rắn giống (80.000 đồng/con) cho thu nhập từ 160 - 220 triệu đồng/năm. Ngoài bán rắn giống, mỗi năm anh còn xuất bán trên 50 con rắn thịt (700.000 đồng/kg), cho thu nhập trên 50 triệu đồng.
Anh Thức cho biết: “Rắn ri voi rất dễ nuôi, ít tốn công chăm sóc, ít bệnh. Thức ăn ưa thích của chúng là cá trê, nhái, cá phi… Cứ 3 ngày cho ăn một lần, định kỳ 7 - 10 ngày thay nước một lần. Khoảng 12 tháng nuôi, rắn đạt trọng lượng từ 0,5 - 1kg/con. Sau 2 năm, rắn sinh sản; mỗi năm sinh sản một lần. Rắn ri voi dễ tiêu thụ, thương lái tìm đến tận nhà thu mua. Ngoài nuôi rắn ri voi, tôi đang đầu tư nuôi thêm 350 con rắn ri cá”.
Mô hình nuôi rắn ri voi rất hiệu quả, dễ thực hiện, phù hợp với những hộ ít vốn, ít đất, đặc biệt là đối với người dân vùng nông thôn.