Anh Lời đang chăm sóc vườn đu đủ của mình.
Với tiết trời nắng gắt giữa trưa, trong căn chòi canh vườn đu đủ của anh Út Lời, năm bảy nông dân là bạn cùng xóm của anh đang tụ họp lại chuẩn bị bữa tiệc lai rai rượu đế. Lão nông Năm Sương, người hàng xóm của Út Lời, sau khi “kéo” cạn ly rượu đầy, lão khà một cái rồi đưa tay đánh bép vào đùi, giọng lão khàn khàn nói với tôi: “Chuyện ông Út Lời mấy năm gần đây khá lên nhờ cây đu đủ, thật sự gây bất ngờ cho nhiều bà con hàng xóm”.
Ở cái xứ này ai cũng biết gia cảnh anh Út Lời rất khó khăn. Khoảng hơn 10 năm về trước, ở cái tuổi 30, không tiền, nghề nghiệp cũng không, tài sản chỉ có vài ba công ruộng cày cấy nuôi vợ con, vậy mà trong giới ăn chơi, Út Lời là người nổi tiếng nhất vùng. Đến khi nhìn lại, Út Lời thấy mình chẳng được gì, ngoài cái nghèo đang đeo bám, hối hận cho những cuộc chơi hoang phí, anh quyết tâm làm lại cuộc đời. Bằng chút kinh nghiệm nhà nông, anh bắt đầu đi thuê mướn đất trồng cây đu đủ.
Lần đầu tiên được tạm làm chủ một mảnh vườn nhiều hơn cả chục công, Út Lời vừa mừng vừa lo, vì sợ mình làm ăn không hiệu quả, nhưng nhờ sự phấn đấu của bản thân và sự cố gắng tìm tòi học hỏi kinh nghiệm sản xuất của nhiều người. Nhất là sau khi được tham gia các cuộc hội thảo, tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật cây trồng, vật nuôi của cán bộ khuyến nông hướng dẫn, Út Lời đã mạnh mẽ vươn lên, sau khi suy đi, tính lại, Út Lời quyết định trồng cây đu đủ ruột vàng. Theo Út Lời thì đu đủ là loại cây ăn trái ngắn ngày, chỉ trong khoảng thời gian sau 6 tháng trồng là cho thu hoạch, trái đu đủ cũng dễ tiêu thụ, một lợi thế nữa là đu đủ ruột vàng vỏ cứng, thuận lợi cho việc thu mua vận chuyển đường xa.
Anh Út Lời cũng cho biết thêm, đu đủ dễ trồng, công chăm sóc cũng nhẹ hơn trồng cây rau màu khác. Bên cạnh đó, vốn đầu tư trồng cây đu đủ không nhiều, nhưng lại mau ăn. Tuy nhiên, để cây đu đủ đạt được năng suất và sản lượng cao, người trồng trước hết phải biết chọn giống, chọn đất và chú ý về khâu kỹ thuật trong suốt quá trình từ lúc gieo hạt, cho đến khi cây trưởng thành. Để cho cây đu đủ tăng trưởng nhanh và sạch bệnh, đầu tiên là phải xới đất cho xốp, lên liếp hoặc đắp mô. Kế đến là bón lót vôi, lân, kali cộng thêm với phân chuồng hoai trước khi đặt cây xuống trồng. Đặc tính của cây đu đủ là ưa đất nạc, cao ráo và đầy đủ ánh nắng, nếu cây đu đủ thiếu ánh sáng sẽ chậm phát triển, dễ bị bệnh, ít trái và không to.
Hiện tại, với 11 công đu đủ anh đang trồng đều là giống Đài Loan ruột vàng, giống này cho năng suất từ 400-500kg/cây/vụ. Theo anh Lời, thông thường một cây đu đủ trồng đạt yêu cầu có thể cho trái từ tháng thứ bảy và trái kéo dài liên tục từ 7-12 tháng, hoặc nhiều hơn còn tùy thuộc vào khâu chăm sóc. Vì vậy, người trồng phải thường xuyên theo dõi đường thoát nước, dùng cây chống đỡ gió, bão cho cây đu đủ được vững và cắt bỏ những trái đu đủ non không đạt chất lượng như đèo, úng, thẹo vết… có như vậy, trái còn lại mới to và cho năng suất cao. Nhờ học hỏi được nhiều kinh nghiệm và dựa vào đức tính cần cù chịu khó của anh nên vườn đu đủ luôn phát triển tốt. Anh Lời cho biết với giá mua của thương lái tại vườn hiện nay là 5.000 đồng/kg, riêng những tháng cận và sau Tết Nguyên đán, đu đủ trái bán được giá cao hơn. Tính ra sau mỗi vụ đu đủ, trừ đi các khoản chi phí, anh còn lợi nhuận hơn 200 triệu đồng từ cây đu đủ.
Ông Võ Văn Tý, Phó Chủ tịch UBND xã Nhơn Nghĩa A, huyện Châu Thành A, cho biết anh Lời là người từng trải trong cuộc sống, bây giờ rất chí thú làm ăn. Khi có của dư, anh Lời luôn giúp đỡ các hộ nghèo, cận nghèo và nhiều nông dân khác muốn vươn lên từ cây đu đủ. Bên cạnh mô hình trồng đu đủ thì toàn xã còn có hơn 200 mô hình nuôi trồng khác có nguồn thu nhập từ 50 triệu đến hơn 200 triệu đồng/hộ/năm. Với quyết tâm của bà con trong xã và cả Đảng bộ, từ đây đến cuối năm 2019 sẽ có 2 ấp xóa trắng hộ nghèo nhằm góp phần xây dựng quê hương ngày thêm đổi mới.