Nuôi lươn an toàn thực phẩm

Thứ ba, 19 Tháng 11 2019 12:49 (GMT+7)
Trước khi bắt đầu nuôi lươn, ông Nguyễn Phi Hùng được tuyên truyền phải thực hiện an toàn thực phẩm (ATTP) trong chăn nuôi, không sử dụng các loại thuốc, thức ăn không rõ nguồn gốc, không được phép sử dụng; nên dùng thuốc, thức ăn đúng liều lượng...
 
 Sử dụng nguồn nước sạch giúp lươn của ông Hùng tăng trưởng tốt.
Thời gian gần đây, nhiều nông dân trên địa bàn xã Tân Phú, thị xã Long Mỹ tăng cường thực hiện các mô hình chăn nuôi nhằm tạo thêm thu nhập, nâng cao đời sống.
 
Theo Hội Nông dân xã Tân Phú, ngoài phát triển các mô hình nuôi cá trên ruộng mùa nước nổi, nuôi cá thát lát, chăn nuôi gà, vịt thì hiện nay trên địa bàn xã đang nở rộ các mô hình nuôi lươn trong bể xi măng hoặc bể bạt cao su.
Toàn xã hiện có gần 30 hộ nuôi lươn với quy mô nhỏ, tổng đàn gần 30.000 con. Để giúp nông dân có thêm kiến thức, kỹ năng nuôi đạt hiệu quả cao, Hội Nông dân xã phối hợp với các ngành chuyên môn tổ chức dạy nghề, tập huấn chuyển giao khoa học - kỹ thuật cho bà con.
 
Bên cạnh đó, để nông dân chăn nuôi theo hướng tạo ra sản phẩm an toàn cho người tiêu dùng, Hội đã tổ chức cho hội viên tham gia các lớp tập huấn ATTP do hội cấp trên tổ chức; thường xuyên nhắc nhở hội viên chấp hành nghiêm các tiêu chí về ATTP trong quá trình nuôi.
 
Thực hiện mô hình nuôi lươn đến nay hơn 5 tháng, ông Nguyễn Phi Hùng, hội viên nông dân ấp Tân Hòa, xã Tân Phú, cho biết không dùng những loại thức ăn tăng trọng.
 
“Trước khi bắt đầu nuôi, tôi được Hội cho tham quan học tập mô hình, học qua lớp dạy nghề nuôi lươn. Ngoài ra, tôi còn được tuyên truyền phải thực hiện ATTP trong chăn nuôi, không sử dụng các loại thuốc, thức ăn không rõ nguồn gốc, không được phép sử dụng; nên dùng thuốc, thức ăn đúng liều lượng”, ông Hùng nói thêm.
 
Thực hiện chăn nuôi ATTP, ông Hùng sử dụng nguồn nước giếng khoan trong sinh hoạt hàng ngày để nuôi lươn. Hàng ngày, ông đều đặn thay 2-3 lần nước đảm bảo môi trường sống của lươn luôn sạch sẽ, loại bỏ được thức ăn dư thừa trong bể. Đối với thức ăn cho lươn, ông sử dụng loại chế biến sẵn, có nguồn gốc rõ ràng và dùng theo liều lượng quy định. Các loại thuốc xử lý bể nuôi, phòng ngừa bệnh cho lươn cũng được ông sử dụng đúng quy trình, chỉ định của giảng viên dạy trước đó.
 
Ông Phạm Văn Tám, Chủ tịch Hội Nông dân xã Tân Phú, nói: “Việc nâng cao nhận thức của hội viên, nông dân về ATTP trong sản xuất, kinh doanh luôn được Hội chú trọng”.
 
“Ngay từ đầu năm, Hội đã phát động cho hội viên thực hiện ký cam kết về ATTP trong sản xuất, kinh doanh. Hiện tại, gần 100% hộ hội viên, nông dân trên địa bàn có mô hình sản xuất, kinh doanh ký cam kết thực hiện ATTP. Điều này cho thấy hội viên, nông dân rất ý thức trong chấp hành các quy định của pháp luật về ATTP”, ông Tám nói thêm.
Hội Nông dân xã Tân Phú cũng đã và đang quan tâm tuyên truyền về ATTP trong nông hộ; khi vận động nông dân thành lập câu lạc bộ, tổ nhóm sản xuất, cán bộ hội sẽ vận động, tuyên truyền nâng cao nhận thức ATTP, bảo vệ môi trường. Bởi đây là một trong những yếu tố quan trọng giúp việc sản xuất của người dân phát triển bền vững.
Theo ông Phạm Văn Tám, dù đa phần chỉ mới nuôi lần đầu nhưng qua khảo sát các bể nuôi trên địa bàn xã cho thấy, hầu hết các hộ nuôi đều đạt tỷ lệ lươn loại I trong bể khá cao, điều này giúp nông dân mang về nguồn lợi nhuận cao khi thu hoạch.
 
Ông Nguyễn Huy Cường, Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh, thông tin, nhằm giúp hội viên, nông dân thực hiện ATTP trong quá trình nuôi lươn, Hội Nông dân tỉnh chỉ đạo các cấp hội tăng cường vận động, tuyên truyền về ATTP trong chăn nuôi.
 
Cụ thể, nông dân phải ngưng sử dụng thuốc, kháng sinh trước khi thu hoạch ít nhất 30 ngày. Chỉ nên dùng các loại thuốc, hóa chất, chế phẩm sinh học nằm trong danh mục cho phép lưu hành của cấp có thẩm quyền và phương pháp điều trị đã được cán bộ chuyên môn hướng dẫn. Trong suốt quá trình nuôi phải xây dựng bảng liệt kê tất cả các hóa chất và thời gian sử dụng tại cơ sở nuôi. Ngoài ra, hệ thống cấp nước và thải nước bể nuôi phải độc lập với nhau, được quản lý để tránh gây ô nhiễm nguồn nước. Việc sử dụng nước xả thải cần tuân thủ các yêu cầu của cơ quan chức năng…
 
Toàn tỉnh hiện có 440 hộ nuôi lươn, diện tích bể nuôi trên 57.000m2, tổng đàn gần 1.900.000 con. Số hộ nuôi tập trung nhiều nhất là ở huyện Long Mỹ và thị xã Long Mỹ.
Bài, ảnh: QUỲNH LAM - (baohaugiang.com.vn)
T/h: Bích Ngân (dongbang.vn)

Bài viết mới nhất của Ngành Giống nông sản - Thủy sản