Quản lý tốt khâu giống để nâng cao hiệu quả sản xuất.
Giống lúa mang thương hiệu Vĩnh Long
Vừa qua, giống lúa LH8 do ông Phạm Văn Long (xã Long An- Long Hồ) lai tạo đã được Cục Trồng trọt (thuộc Bộ Nông nghiệp- PTNT) công nhận giống sản xuất thử vùng ĐBSCL, tiến tới công nhận bộ giống quốc gia.
Theo ông Phạm Văn Long, LH8 là giống lúa rất ngắn ngày, thời gian sinh trưởng 85- 90 ngày, có dạng hình đẹp, cơm mềm, dẻo, thơm, năng suất cao và ổn định qua các vụ (trung bình 6,31 tấn/ha/vụ), có khả năng chịu mặn từ 3- 4‰ và chịu hạn, phèn, kháng tốt bệnh đạo ôn, có hàm lượng protein khá, đạt tiêu chuẩn xuất khẩu, có nhiều phẩm chất nổi trội hơn so với giống tương tự nhất là OM4218.
Nối gót LH8, giống LH9 của ông Long cũng đang trong giai đoạn hoàn thiện hồ sơ xin công nhận giống sản xuất thử nghiệm.
Cơ sở sản xuất lúa giống của ông Phạm Văn Long cũng nằm trong hệ thống nhân giống lúa của tỉnh. Kết quả trên là tín hiệu đáng mừng cho thương hiệu giống lúa Vĩnh Long trong nỗ lực củng cố và nâng cao năng lực cung ứng giống lúa chất lượng cao ra thị trường.
Theo Trung tâm Giống nông nghiệp (thuộc Sở Nông nghiệp- PTNT), hệ thống nhân giống lúa của tỉnh với 41 cơ sở, phân bổ trên địa bàn 7 huyện và Trại Lúa giống tỉnh (thuộc Trung tâm Giống nông nghiệp) là đơn vị trọng tâm.
Tổng diện tích sản xuất lúa giống là 376ha, trong đó có 78ha cấp giống nguyên chủng và 298ha cấp giống xác nhận. Chủng loại giống sản xuất gồm 10 giống: OM5451, OM4900, OM6976, OM7347, Jasmine 85, IR50404, LH8, LH9, LH12 và LH14.
Trại Lúa giống lai tạo, khảo nghiệm, tuyển chọn giống mới cũng như sản xuất kinh doanh giống lúa cấp nguyên chủng và xác nhận cung ứng cho hệ thống nhân giống lúa của tỉnh. Đồng thời, các cơ sở trong hệ thống nhân giống, sản xuất lúa giống cấp nguyên chủng và xác nhận cung cấp lại cho Trại Lúa giống và nông dân.
Hàng năm, Trại Lúa giống tỉnh liên hệ với các viện, trường cũng như các nhà lai tạo giống nông hộ để sưu tầm bộ giống mới về khảo nghiệm và trình diễn, làm cơ sở để tuyển chọn giống lúa có đặc tính phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng của tỉnh từ đó khuyến cáo người dân sản xuất.
Đến nay, sản lượng lúa giống thuộc hệ thống nhân giống lúa của tỉnh, có khả năng cung cấp ra thị trường 2.228 tấn mỗi năm, trong đó có 382 tấn giống cấp nguyên chủng và 1.846 tấn giống cấp xác nhận. Riêng ở vụ lúa Đông Xuân 2019- 2020, khả năng hệ thống nhân giống cung ứng khoảng 345 tấn lúa giống các loại.
Để nâng cao hiệu quả sản xuất, theo ông Huỳnh Văn Đại- Phó Giám đốc Trung tâm Giống nông nghiệp tỉnh, vấn đề hiện nay là các địa phương cần khuyến cáo nông dân sử dụng giống xác nhận, chú ý sử dụng các giống chịu phèn, mặn đối với các xã có khả năng bị xâm nhập mặn. Bên cạnh, cần tăng cường công tác quản lý nhà nước về công tác giống để tránh tình trạng độc quyền, lũng đoạn, lợi ích nhóm về giống, ảnh hưởng xấu đến sản xuất nông nghiệp.
Quản lý giống đi vào chiều sâu
Đánh giá của Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, những năm qua, hệ thống sản xuất kinh doanh giống cây trồng trong tỉnh đã được hình thành và phần nào đáp ứng được nhu cầu của người dân. Toàn tỉnh hiện có 363 cơ sở, hộ sản xuất, kinh doanh giống cây trồng, trong đó có 238 địa chỉ cung ứng giống lúa, 65 giống cây ăn trái và 60 giống rau màu cùng nhiều hộ buôn bán nhỏ lẻ khác.
Nhìn chung, hiện nay việc sản xuất, kinh doanh giống cây trồng trên địa bàn tỉnh đã có những chuyển biến tích cực, một số giống cây trồng mới có năng suất, chất lượng được đưa vào sản xuất, góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp.
Theo bà Đặng Trúc Lan Vân- Chi cục phó Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, vẫn còn một số bất cập trong khâu quản lý về giống. Đối với giống lúa, theo quy định, tất cả các giống lúa do doanh nghiệp sản xuất khi cung ứng ra thị trường đều phải có kiểm định, kiểm nghiệm và công bố hợp chuẩn để nông dân nhận biết khi sử dụng.
Tuy nhiên, do cung không đủ cầu nên đã dẫn đến tình trạng sản xuất, tiêu thụ lúa giống không đảm bảo, gây ảnh hưởng đến sản xuất và thu nhập của người trồng lúa.
Những năm gần đây, khi thị trường gạo xuất khẩu tốt dần lên, nhiều địa phương ở ĐBSCL và tỉnh Vĩnh Long mở rộng sản xuất trên cánh đồng lớn, chọn những giống lúa chất lượng cao như OM4900, OM5451, OM6976, OM4218, Jasmine 85, RVT, Đài Thơm,… nhưng nguồn cung hạn chế nên xảy ra tình trạng gian lận thương mại trong sản xuất mua bán giống. Bên cạnh đó, một số cơ sở sản xuất có giống lúa chất lượng thì giá lại quá cao. Người dân ít sử dụng do lợi nhuận thấp nên đã tự tìm mua lúa giống trôi nổi trên thị trường để gieo sạ.
Đánh giá của Sở Nông nghiệp- PTNT, tình trạng sản xuất, kinh doanh giống vẫn còn những hạn chế về chất lượng, nguồn gốc giống, nhãn hàng hóa. Một số cơ sở chưa thực hiện tốt các quy định về điều kiện sản xuất, kinh doanh, về khảo nghiệm, kiểm định giống, kiểm dịch vận chuyển, công bố chất lượng, hợp chuẩn, hợp quy,…
Điều này đòi hỏi hệ thống văn bản quy phạm pháp luật phục vụ quản lý giống nông nghiệp phải mang tính khả thi cao, chế tài xử phạt đủ sức răn đe, công tác quản lý chất lượng giống cần đi vào chiều sâu.
Bài, ảnh: THÀNH LONG - (baovinhlong.com.vn)
T/h: Bích Ngân (dongbang.vn)