Hiệu quả mô hình trồng sen lấy củ

Thứ sáu, 29 Tháng 11 2019 16:24 (GMT+7)
Bên cạnh vẻ đẹp và ý nghĩa thanh tao, sen là một trong những loại cây dễ trồng và sử dụng với nhiều mục đích khác nhau, như: lấy hoa trang trí, trồng sen tạo vẻ đẹp cho cảnh quan, làm thực phẩm, dược phẩm... Những năm gần đây, nhiều nông dân đã chuyển từ trồng lúa sang trồng sen để lấy củ, lấy hạt, lấy gương, lấy hoa... Trong đó, trồng sen lấy củ đang phát triển vì mang lại hiệu quả kinh tế cao, dễ chăm sóc, có thị trường tiêu thụ ổn định.
 
Hiệu quả mô hình trồng sen lấy củ
Thu hoạch và rửa củ sen của một hộ dân phường Châu Phú B (TP. Châu Đốc)
 
Tại An Giang, cây sen được trồng nhiều trong các ao hồ, giống sen chủ yếu là nhóm sen lấy hoa và sen lấy hạt (Thoại Sơn, Chợ Mới…). Vài năm trở lại đây, một số địa phương trong tỉnh, trong đó có TP. Châu Đốc, nhiều nông dân chuyển hướng sang trồng lấy sen củ để cung cấp nhu cầu tiêu dùng, chế biến thực phẩm, dược phẩm trong nước và xuất khẩu sang thị trường Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc...
 
Tại phường Châu Phú B (TP. Châu Đốc), nhiều hộ nông dân chuyển từ trồng lúa sang trồng sen lấy củ. Các ruộng trồng sen ở đây được nông dân chia thành các ruộng nhỏ để tiện canh tác, ngăn cách giữa các ruộng là bờ đi lại (bờ đi lại có thể đắp bằng đất để giữ mực nước ổn định cho sen). Ruộng sen được canh tác 3 vụ/năm như trồng lúa. 
 
Trao đổi về kỹ thuật trồng sen và đầu ra của củ sen, nông dân Võ Văn Mỹ (khóm Châu Thới 1, phường Châu Phú B) cho biết: “Trước đây, ruộng của tôi trồng lúa nhưng do không đạt được năng suất, lợi nhuận. Cách đây 10 năm, sau khi học tập kinh nghiệm, nghiên cứu về mô hình trồng sen lấy củ, gia đình tôi quyết định chuyển sang trồng sen lấy củ, với diện tích khoảng 0,8ha. Giống sen trồng lấy củ có lá dày, to tròn, sinh trưởng phát triển tốt, kháng sâu bệnh cao, năng suất củ tươi đạt từ 800kg đến 1,2 tấn/ha. Trồng sen lấy củ ít tốn công chăm sóc, ít sử dụng phân bón và thuốc bảo vệ thực vật. Thời gian sinh trưởng và thu hoạch trong khoảng 4 tháng nên 1 năm làm được 3 vụ”.
 
Giá bán dao động từ 12.000-20.000 đồng/kg, những lúc “hút hàng” giá lên 20.000-25.000 đồng/kg. Sau khi trừ các khoản chi phí (giống, phân bón, nhân công thu hoạch, rửa sen, chi phí vận chuyển…) lợi nhuận trên 8 triệu đồng/ha/vụ. “Đối với những người trồng lâu năm, nếu đã có mối lái làm ăn quen thì củ sen thu hoạch được rửa sạch, cân ký, đưa lên xe tải tính tiền với thương lái (ở TP. Hồ Chí Minh và các địa phương khác), họ sẽ chuyển khoản, thanh toán tiền cho mình ngay. Thời buổi công nghệ thông tin nên làm ăn cũng thuận lợi, không cần phải đi “chào hàng”, giao hàng… chỉ cần điện thoại là tiền vô”- nông dân Võ Văn Mỹ phấn khởi.
 
“Trồng sen lấy củ đạt lợi nhuận kinh tế khá cao. Trồng sen giá cả cũng lên xuống như trồng lúa, nhưng giá sen không rớt thấp. Mặt khác, củ sen có đầu ra ổn định nhờ thương lái ở TP. Hồ Chí Minh thu mua hết, nên nông dân yên tâm sản xuất. Chính vì vậy, thực hiện chủ trương chuyển dịch cơ cấu cây trồng, những năm gần đây, nhiều hộ dân đã chuyển hướng từ trồng lúa sang trồng sen. Có những hộ sẵn sàng thuê từ vài ha đến vài chục ha đất ruộng để trồng sen” - Chủ tịch Hội Nông dân phường Châu Phú B Huỳnh Mộc Khải cho biết.
 
Củ sen sau khi thu hoạch, được sử dụng tươi chế biến các món ăn, như: sen hầm, sen xào, chè củ sen, gỏi sen… Đặc biệt, củ sen được thương lái thu mua cả ruộng thường được bán cho các công ty sản xuất chế biến thực phẩm đóng hộp (mứt sen, cháo sen, bánh sen…) hoặc sơ chế, chế biến xuất khẩu (củ sen khô, sen sấy, bột củ sen…). sen là loại cây dễ trồng, nếu biết khai thác triệt để những tác dụng của cây sen và được quy hoạch thành vùng nguyên liệu thì đây là một trong những cây trồng mang lại hiệu quả kinh tế cao.
 
Theo đó, ngoài việc trồng sen để lấy củ, lấy lá, lấy hoa và lấy gương sen, còn có thể kết hợp trồng sen để làm du lịch sinh thái. Điều quan trọng là từ gốc đến ngọn sen đều có công dụng: củ sen, gương sen, nhụy sen dùng làm nguyên liệu thực phẩm, dược phẩm; lá sen dùng để gói thực phẩm…
 
“Hy vọng trong thời gian không xa, tại An Giang sẽ có những vùng chuyên canh trồng, sản xuất sen lấy củ, sen lấy hạt… giúp nông dân tăng lợi nhuận, phát triển kinh tế gia đình và giải quyết nhu cầu việc làm cho người dân nông thôn. Đồng thời sẽ có doanh nghiệp “mạnh dạn” liên kết nông dân thu mua sản phẩm và đầu tư những nhà máy chế biến các sản phẩm từ củ sen phục vụ tiêu dùng và xuất khẩu” - nông dân Võ Văn Mỹ chia sẻ.
THU THẢO - (baoangiang.com.vn)
T/h: Bích Ngân (dongbang.vn)

Bài viết mới nhất của Ngành Giống nông sản - Thủy sản