Trong khuôn khổ chuyến công tác tại An Giang chủ trì Hội nghị giải pháp phát triển bền vững ngành hàng lúa gạo vùng ĐBSCL, chiều tối 14/3, tại TP. Long Xuyên, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc làm việc với lãnh đạo chủ chốt của tỉnh An Giang.
Thủ tướng hoan nghênh những định hướng phát triển của An Giang trở thành trung tâm sản xuất giống lúa, cá, lợn phục vụ cho Việt Nam và trước hết ĐBSCL.
Thủ tướng làm việc với lãnh đạo tỉnh An Giang
An Giang là một trong 4 tỉnh vùng kinh tế trọng điểm vùng ĐBSCL và là tỉnh có tiềm năng lớn về phát triển nông nghiệp và du lịch. Tuy nhiên, sản xuất nông nghiệp của tỉnh gần đây gặp khó khăn do biến đổi khí hậu và thời tiết diễn biến phức tạp.
Báo cáo Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, lãnh đạo tỉnh cho biết đang quyết tâm chuyển đổi cơ cấu nông nghiệp, tập trung vào ba mặt hàng chính là thủy sản, lúa gạo và phát triển các mô hình chăn nuôi, trong đó có chăn nuôi lợn và bò.
Ngoài ra, tỉnh còn chú trọng trồng các loại cây ăn trái đặc sản để sản xuất hàng hóa. Mong muốn của tỉnh là phát triển thành trung tâm giống của vùng, kể cả các giống lúa, thủy sản, lợn, bò.
Do đó, lãnh đạo tỉnh kiến nghị Thủ tướng cho An Giang thành lập Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao với quy mô từ 200 đến 300 ha; xây dựng dự án liên kết sản xuất giống cá tra ba cấp, chất lượng cao cung cấp giống cho An Giang và toàn vùng ĐBSCL; xây dựng Trung tâm lợn giống công nghệ cao với số lượng giống cung ứng có thể lên tới 650.000 con mỗi năm.
Tỉnh cũng kiến nghị Thủ tướng xem xét cho An Giang được thực hiện Dự án năng lượng mặt trời với tổng vốn đầu tư trên 4.750 tỉ đồng, công suất 210 MW.
Thủ tướng phát biểu tại buổi làm việc.
Đồng tình với kiến nghị của tỉnh, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường kiến nghị Thủ tướng cho phép An Giang thành lập Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.
Bộ trưởng cũng kiến nghị Thủ tướng cho An Giang thí điểm được phân cấp công nhận doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao sau khi có các tiêu chí cụ thể.
Thủ tướng hoan nghênh những định hướng phát triển của An Giang trở thành trung tâm sản xuất giống lúa, cá, lợn phục vụ cho Việt Nam và trước hết ĐBSCL.
Thủ tướng lưu ý tỉnh cần đặt vấn đề xuất khẩu lương thực chất lượng cao, giá trị gia tăng cao.
Nhấn mạnh tầm quan trọng của việc thực hiện chủ trương xã hội hóa nguồn lực mạnh mẽ trong đầu tư phát triển, Thủ tướng đề nghị tỉnh kêu gọi vốn tư nhân và các thành phần kinh tế cho phát triển hạ tầng và các dự án khác.
Thủ tướng ủng hộ các kiến nghị của tỉnh về việc đầu Khu nông nghiệp công nghệ cao, nhưng yêu cầu tỉnh cần xác định sản phẩm đầu ra để có cơ cấu sản phẩm cũng như quy mô phù hợp.
Thủ tướng cũng đồng ý về chủ trương đối với đề xuất của tỉnh xây dựng liên kết sản xuất giống cá tra ba cấp, giao Bộ NN&PTNT làm việc với tỉnh, chủ trì phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, nghiên cứu cơ chế hỗ trợ cho tỉnh và báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét quyết định.
Thủ tướng thăm khu khảo nghiệm giống lúa của Tập đoàn Lộc Trời
Đối với Trung tâm lợn giống công nghệ cao liên kết với Đan Mạch, Thủ tướng đồng ý về chủ trương, giao Bộ NN&PTNT phối hợp với các cơ quan liên quan nghiên cứu và khuyến khích theo mô hình thu hút vốn đầu tư FDI hoặc ODA của Đan Mạch để có nguồn lực thực hiện.
Thủ tướng cũng đồng ý để An Giang triển khai Dự án năng lượng mặt trời nhưng phải tính toán diện tích phù hợp, không gây ảnh hưởng đến cảnh quan môi trường, đảm bảo phát triển du lịch và sản xuất nông nghiệp.
Thủ tướng cũng đồng ý với đề xuất của Bộ NN&PTNT cho phép An Giang thực hiện thí điểm công nhận doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao.
Trước đó, trong chiều 14/3, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã tới thăm và làm việc với Tập đoàn Lộc Trời – một doanh nghiệp đi đầu ở ĐBSCL trong việc xây dựng chuỗi giá trị sản xuất lúa gạo chất lượng cao và an toàn.
Tập đoàn Lộc Trời tiền thân là Công ty Dịch vụ Bảo vệ thực vật An Giang, thành lập năm 1993.
Sau 24 năm hoạt động, Tập đoàn đã trở thành nhà sản xuất, cung ứng sản phẩm và dịch vụ dẫn đầu Việt Nam trong lĩnh vực nông nghiệp, với chuỗi giá trị bền vững từ nghiên cứu, sản xuất, kinh doanh các sản phẩm hạt giống, thuốc bảo vệ thực vật, các sản phẩm hữu cơ sinh học.
Đây là một trong những Trung tâm nghiên cứu về lúa gạo đầu tiên thuộc sở hữu của một doanh nghiệp tư nhân do Tập đoàn Lộc Trời xây dựng và đưa vào hoạt động. Trung tâm có 1.300 kỹ sư nông nghiệp cùng ăn, cùng ở và cùng làm với 40.000 nông dân để sản xuất gạo hữu cơ, gạo sạch và chất lượng cao.
Thương hiệu lúa gạo của Tập đoàn đã có mặt tại 36 quốc gia, vượt qua nhiều chỉ tiêu khắt khe để xuất khẩu vào thị trường Nhật Bản, Châu Âu, Mỹ, Canada…
Ông Huỳnh Văn Thòn, người sáng lập và điều hành Tập đoàn Lộc Trời, đã báo cáo Thủ tướng những kết quả mà Tập đoàn đã đạt được thời gian qua, trong đó có việc sản xuất lúa giống, mỗi năm cung cấp 45.000 tấn cho nông dân, và có những giống chất lượng cao, năng suất cao phục vụ xuất khẩu.
Năm 2015, giống lúa Lộc trời số 1 của Tập đoàn sản xuất ra loại gạo Hạt ngọc trời số 3, lọt vào tốp 3 loại gạo ngon nhất thế, sau các loại gạo của Mỹ và Campuchia.
Tập đoàn cũng có sản phẩm gạo cho người bị tiểu đường và mỡ máu được Tập đoàn thương mại điện tử Alibaba bán với giá cao.
Thủ tướng đánh giá cao và bày tỏ ấn tượng với cách làm của Tập đoàn Lộc Trời thời gian qua, đưa ra mô hình sản xuất nông nghiệp hiệu quả có thể nhân rộng, đó là nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp sạch mang lại giá trị kinh tế cao.
Thủ tướng nêu rõ, vấn đề đặt ra đối với nông nghiệp Việt Nam hiện nay là khoa học công nghệ, nếu không có ứng dụng khoa học công nghệ sẽ khó có giống cho năng suất, chất lượng và giá trị cao, nhất là trong bối cảnh biến đổi khí hậu.
Ông Huỳnh Văn Thòn giới thiệu với Thủ tướng về mô hình khảo nghiệm
Trong bối cảnh đó, cần khuyến khích doanh nghiệp đầu tư ứng dụng được khoa học công nghệ trong nông nghiệp cũng như chủ động được về giống lúa.
Biểu dương Tập đoàn có giống lúa tốt, đưa hạt gạo Việt Nam đứng tốp 3 thế giới, nhưng Thủ tướng cho rằng, Tập đoàn không chỉ dừng lại ở thí điểm mà cần có sản lượng lớn, xây dựng thương hiệu mạng và mang lại giá trị cao.
Do đó, Thủ tướng mong muốn mô hình nghiên cứu của Tập đoàn nhân rộng, chuyển giao công nghệ cho người nông dân để sản xuất hàng hóa, để người nông dân trở nên giàu có chứ không phải lấy công làm lãi và trở thành những ông chủ mới ở nông thôn.
Bởi nếu tiếp tục tình trạng gần 14 triệu hộ nông dân với hơn 7 triệu mảnh ruộng manh mún nhỏ lẻ thì nông nghiệp không thể phát triển.
Thủ tướng cũng nhất trí với kiến nghị của Tập đoàn về việc Chính phủ sẽ có những giải pháp để bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ đối với các giống lúa của Tập đoàn./.
Nguồn: Vũ Dũng - (vov.vn)
T/h: Kim Nguyên - (dongbang.vn)