Nông dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng hiệu quả
Để chuyển dịch cơ cấu cây trồng hiệu quả, huyện Chợ Mới tập trung đầu tư hệ thống thủy lợi nội đồng, hoàn thiện bờ bao kiểm soát lũ triệt để sản xuất 3 vụ ăn chắc. Hoàn thành thực hiện dự án kiểm soát lũ Nam Vàm Nao, Trạm bơm mẫu mương Ông Cha. Đã xây dựng 166 công trình đê kết hợp giao thông nội đồng có tổng chiều dài 565km; toàn bộ 519 trạm bơm dầu đã chuyển sang bơm điện. Nhờ đó, hệ thống giao thông, thủy lợi kết hợp hệ thống đê bao có khả năng chống lũ triệt để với diện tích 22.934ha/84 tiểu vùng.
Phó Chủ tịch UBND huyện Chợ Mới Vũ Minh Thao cho biết: “Những năm qua, thực hiện Đề án chuyển dịch cơ cấu cây trồng giai đoạn 2014-2020 khá tích cực và đồng bộ. Đến nay, toàn huyện đã chuyển dịch từ lúa sang màu, cây ăn trái 7.611,75ha, tăng 1.049 ha so năm 2013 (tính từ năm 2014 đến tháng 9-2019 thực hiện được 6.562,65ha), trong đó chuyển đổi từ đất lúa 5.800ha (chuyển từ lúa sang màu 2.894,66ha, chuyển từ lúa sang cây ăn trái 2.905,34ha); chuyển đổi từ đất màu sang cây ăn trái 1.752,55ha; chuyển đổi từ vườn tạp sang cây ăn trái 53,3ha, chuyển đổi từ vườn tạp sang màu 5,9ha”. Kết quả thu nhập bình quân diện tích chuyển đổi sang trồng màu tăng gấp 3,44 lần và cây ăn trái tăng gấp 2,8 lần so trồng lúa (giá trị sản xuất bình quân cây lúa đạt 114,21 triệu đồng/ha, cây màu đạt 392,36 triệu đồng/ha, cây ăn trái đạt 321,95 triệu đồng/ha). Đặc biệt, 4 xã: Tấn Mỹ, Mỹ Hiệp, Bình Phước Xuân và Mỹ An đã chuyển dịch 100% sang diện tích màu và vườn.
Để sản xuất nông nghiệp theo hướng an toàn, hướng đến xuất khẩu sang thị trường ngoài nước, Chợ Mới đã thực hiện dự án “Xây dựng mô hình sản xuất xoài 3 màu quy mô 500ha đạt chuẩn VietGAP gắn với chuỗi tiêu thụ sản phẩm”, kinh phí thực hiện khoảng 29 tỷ đồng. Theo đó, có 311ha xoài được đạt chuẩn VietGAP, nâng tổng số diện tích xoài được chứng nhận VietGAP đến nay đạt 438ha. Huyện đã thực hiện 4 dự án tưới công nghệ cao tại 4 xã: Tấn Mỹ, Mỹ Hiệp, Bình Phước Xuân (tưới nhỏ giọt trên cây xoài) và xã Kiến An (tưới phun sương trên rau màu) với 7 trạm bơm tưới, 8 trạm bơm tiêu, 69,7km đường ống, 15 nhà trạm, 6,7km đường giao thông, 3 trạm biến áp với kinh phí trên 41 tỷ đồng, để giúp nông dân canh tác tiết kiệm nước, phân bón, canh tác theo hướng an toàn để giảm giá thành, tăng năng suất, chất lượng, đáp ứng yêu cầu thị trường.
Theo ông Thao, nhờ chuyển dịch cơ cấu cây trồng hiệu quả, Chợ Mới đã hình thành các vùng chuyên canh cây ăn trái ở 3 xã: Tấn Mỹ, Mỹ Hiệp, Bình Phước Xuân với tổng diện tích hơn 4.200ha xoài và vùng chuyên canh màu ở xã Kiến An với diện tích 750ha, giúp người dân sản xuất hàng hóa theo hướng tập trung. Giám đốc Hợp tác xã trái cây GAP Chợ Mới - An Giang Trần Khánh Dư chia sẻ: “Hợp tác xã thành lập năm 2017 đến nay, có 381 thành viên; hướng dẫn bà con áp dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất theo quy trình tiêu chuẩn VietGAP, không sử dụng các hoạt chất cấm vào sản xuất, đảm bảo hàng hóa an toàn để tiêu thụ sản phẩm vào những thị trường khó tính như: Hoa Kỳ, Úc, Hàn Quốc, Nhật Bản… Năm 2019 tiêu thụ hơn 110 tấn, chủ yếu là xoài tượng xanh. Lợi nhuận xoài tượng xanh VietGAP từ 200-300 triệu đồng/ha/năm, cao hơn các hộ không sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP từ 50-100 triệu đồng/ha/năm”.
Từ kết quả chuyển dịch cơ cấu cây trồng đã góp phần tăng giá trị sản xuất nông nghiệp trên cùng diện tích đất canh tác của huyện Chợ Mới. Năm 2018, giá trị sản xuất trung bình 1ha đất nông nghiệp 316 triệu đồng, tăng 94 triệu đồng/ha so năm 2014. Từ đó, giúp người nông dân vươn lên khá, giàu và tỷ lệ hộ nghèo của huyện hàng năm đều giảm. Năm 2018, tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn đa chiều giảm còn 2,4%, thu nhập bình quân đầu người năm 2018 đạt 46,6 triệu đồng/người/năm (tăng 15,4 triệu đồng so năm 2014).
Kết quả chuyển dịch cơ cấu cây trồng ở huyện Chợ Mới thời gian qua đã và đang đạt được những thành quả quan trọng. Từng bước đa dạng hóa cơ cấu cây trồng, đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa, tạo ra nguồn thu nhập ổn định, nâng cao đời sống của nhân dân, mở ra nhiều cơ hội để Chợ Mới nâng cao hiệu quả công tác giảm nghèo, góp phần đẩy nhanh tiến độ xây dựng nông thôn mới ở địa phương và xu thế hội nhập quốc tế.