Ruồi lính đen trưởng thành được nuôi riêng trong nhà lưới để lấy trứng.
Qua giới thiệu của Hội Nông dân xã Tân Phú, chúng tôi tìm gặp ông Trần Ngọc Quận để tận mắt chứng kiến mô hình độc lạ.
Chỉ với vài chục mét vuông, ông Quận chia làm nhiều ô nhỏ để ấp trứng ruồi, nuôi ấu trùng (dòi) và nhộng. Ngoài vườn, ông dành khoảng 10m2 để làm nhà lưới nuôi ruồi đẻ trứng.
“Qua tìm hiểu trên mạng internet tôi biết đến nhiều nông dân làm giàu nhờ nuôi ruồi lính đen nên tôi quyết định nuôi thử. Hồi đó, tôi đặt mua trên mạng chỉ có 10 gram trứng ruồi nhưng giá bán lên tới 330.000 đồng. Từ nguồn trứng này tôi đã nhân đàn lên với số lượng kha khá như hiện nay”, ông Quận cho biết.
Theo ông Quận, loài ruồi này chủ yếu sống dưới bóng cây ngoài tự nhiên, sau khi đẻ trứng sẽ chết, không ảnh hưởng đến môi trường sống của con người; thức ăn của ruồi chủ yếu là bã đậu, các loại rau, củ, quả phế phẩm… nên cũng dễ nuôi. Vòng đời của ruồi ngắn, chỉ khoảng 30-45 ngày.
Ruồi trưởng thành được nhốt riêng vào lồng lưới ngoài vườn để đẻ trứng. Mỗi ngày, ông Quận lấy trứng ruồi đem vào ấp và sau khi trứng nở thành ấu trùng sẽ được nuôi vào các khay riêng tiện cho ăn và chăm sóc. Chính nguồn ấu trùng này là thức ăn bổ dưỡng cho gà, vịt, cá. Do đó, việc nuôi ruồi kết hợp với chăn nuôi gà, vịt là một giải pháp giúp nông dân tiết kiệm chi phí, tăng lợi nhuận.
Để tận dụng nguồn thức ăn từ ấu trùng ruồi, đầu năm, ông Quận đầu tư chuồng trại nuôi thêm gà, vịt và cá. Hiện ông đang nuôi lứa gà, vịt thứ hai với số lượng trên 500 con. “Có được nguồn ấu trùng cho gà, vịt ăn thì mình giảm được lượng lớn thức ăn công nghiệp. Ngoài ra, do ấu trùng ruồi rất giàu đạm, canxi nên gà, vịt ăn vào rất mau lớn, có sức đề kháng tốt, chất lượng thịt cũng ngon hơn so với nuôi thức ăn công nghiệp”, ông Quận chia sẻ.
Theo ông Quận, ấu trùng ruồi giàu dinh dưỡng nên mỗi ngày gà, vịt chỉ dùng lượng ít thức ăn bằng 1/2 so với lượng thức ăn công nghiệp. Nếu nuôi gà, vịt bằng ấu trùng ruồi sẽ giảm 40-50% chi phí so với nuôi thức ăn công nghiệp.
Ngoài ra, đối với hộ không tận dụng nguồn ấu trùng để làm thức ăn chăn nuôi thì việc bán ấu trùng và trứng ruồi cũng mang về nguồn thu nhập khá. Hiện tại, mỗi ký ấu trùng ruồi ông Quận bán ra thị trường bình quân 70.000 đồng, trứng ruồi có giá 1 triệu đồng/100g.
Ông Quận cho biết thêm: “Do mới thực hiện mô hình không lâu cộng với việc tận dụng ấu trùng nuôi thêm gà, vịt nên quy mô nuôi của gia đình chưa đáp ứng được nhu cầu bán ấu trùng số lượng lớn ra thị trường. Tôi đang coi lại khu vực nuôi nhằm mở rộng thêm diện tích nuôi ruồi, tạo nguồn thức ăn ổn định để phát triển mô hình chăn nuôi kết hợp và bán ấu trùng”.
Từ thành công mô hình nuôi ruồi lính đen của ông Quận, hiện trên địa bàn xã đang có khoảng 3-4 hộ dân học tập nhân rộng.
Theo ông Phạm Văn Tám, Chủ tịch Hội Nông dân xã, đối với địa bàn xã thuần nông như Tân Phú, việc nông dân biết chọn lựa mô hình chăn nuôi kết hợp nhằm nâng cao lợi nhuận sẽ giúp đời sống người dân phát triển. Do đó, Hội luôn tạo điều kiện để nông dân tham quan những mô hình mới, khuyến khích nhân rộng những mô hình làm kinh tế phù hợp với điều kiện của hộ gia đình và định hướng phát triển của địa phương.
Ruồi đen (tên khoa học là Hermetia Illucens) còn gọi là ruồi lính đen là loại côn trùng thuộc họ Stratiomyidae, tộc Hermetia, loài H. illucens. Ấu trùng ruồi đen được làm thức ăn cho chăn nuôi heo, gia cầm, thủy sản và xử lý chất thải trong nông nghiệp, làng nghề. Ruồi lính đen trưởng thành có màu đen, dài 12-20mm, trông hình dạng dễ lẫn lộn với loài ong; có vòng đời khoảng hơn một tháng, bắt đầu từ trứng, ấu trùng, nhộng, cuối cùng lột xác thành ruồi lính đen. Ruồi trưởng thành chỉ sống khoảng 3-5 ngày và hoàn toàn không ăn uống gì cho đến chết. Con cái trưởng thành đẻ từ 500-800 trứng. |