Lúa Nàng thơm Chợ Đào chuẩn bị vào mùa thu hoạch

Thứ ba, 31 Tháng 12 2019 07:54 (GMT+7)
Những ngày cận kề Tết Nguyên đán Canh Tý 2020 cũng là thời điểm nông dân xã Mỹ Lệ, huyện Cần Đước, tỉnh Long An tập trung thu hoạch lúa Nàng thơm Chợ đào (NTCĐ) để kịp đưa ra thị trường phục vụ tết.
Chuẩn bị thu hoạch
 
Lúa Nàng thơm được trồng nhiều ở khu vực ấp Cầu Chùa, Vạn Phước, Cầu Làng, Rạch Đào, Chợ Mỹ, xã Mỹ Lệ với diện tích khoảng 600ha, nhưng tập trung nhiều nhất tại ấp Cầu Chùa, được xem là Nàng thơm loại 1 khoảng 200ha. Năm nay, diện tích trồng giảm, năng suất lúa chỉ đạt 3 tấn/ha, sản lượng không nhiều và thường thu hoạch vào cuối năm, nên gạo NTCĐ được xem là món quà biếu đặc sắc vào ngày tết. Lúa NTCĐ gieo tháng 6, 7 đến tiết đông chí (khoảng 21 - 22 tháng Chạp) thì đồng loạt trổ bông.
 
Điều đặc biệt là nếu có cấy lúa sớm trước 1 hoặc 2 tháng thì nó cũng chờ đến tiết đông chí mới trổ. Loại lúa này có chiều cao gấp đôi cây lúa bình thường với chu kỳ sinh trưởng 170 - 185 ngày (khoảng 6 tháng) nên 1 năm chỉ cấy được có một mùa. Theo anh Nguyễn Tấn Vui, ngụ ấp Rạch Đào, năm nay, giá lúa tươi tại ruộng từ 9.500 - 10.000 đồng/kg, cao hơn so với mọi năm. Tuy nhiên, diện tích trồng và sản lượng năm nay giảm nhiều, vì thời tiết diễn biến thất thường, lúa bị ngập úng, đỗ ngã. Ngoài ra, giá cả không ổn định, đầu ra tiêu thụ bấp bênh nên những người trồng lúa NTCĐ chuyển sang làm lúa 3 vụ, trồng lúa Tài nguyên và Nàng hoa. 
 
 
Chủ tịch Hội Nông dân xã Mỹ Lệ - Lê Văn Chơi cho biết: “Lúa NTCĐ đã trở thành đặc sản của địa phương, bởi những nét đặc trưng làm nên thương hiệu: Hạt gạo dài, thon, dẻo, thơm và đặc biệt, giống lúa này mỗi năm chỉ trồng được 1 vụ, nông dân chủ yếu thu hoạch, bán vào dịp Tết Cổ truyền của dân tộc. Những năm qua, nhờ mô hình Nâng cao chất lượng gạo NTCĐ với diện tích 40 -100ha được Hợp tác xã (HTX) Dịch vụ nông nghiệp Mỹ Lệ liên kết với doanh nghiệp Bảy Sánh tại địa phương bao tiêu sản phẩm với giá từ 9.500 - 10.000 đồng/kg nên mang lại hiệu quả cao cho nông dân”. Ông Nguyễn Trọng Khỏe, ngụ ấp Cầu Chùa, có nhiều năm kinh nghiệm trồng lúa NTCĐ, cho biết: “Nhờ tham gia mô hình Nâng cao chất lượng gạo NTCĐ mà gia đình tôi được HTX và doanh nghiệp cung ứng giống,
 
phân bón và bao tiêu sản phẩm đầu ra nên rất an tâm sản xuất. Năm nay, hơn 1ha lúa NTCĐ của gia đình đạt năng suất và chất lượng cao hơn những năm trước”. Còn ông Phạm Công Minh, ngụ ấp Chợ Mỹ, chia sẻ: “Mặc dù còn nhiều khó khăn trong việc trồng và tiêu thụ nhưng nông dân trong xã vẫn quyết tâm gắn bó với lúa NTCĐ. Bởi từ bao đời nay, thương hiệu lúa Nàng thơm đã gắn liền với Chợ Đào, xã Mỹ Lệ; đồng thời, đây cũng là giống lúa phù hợp với điều kiện khí hậu và thổ nhưỡng của địa phương. Bên cạnh đó, dù năng suất thấp hơn so với các giống lúa khác nhưng giá bán của lúa NTCĐ vẫn luôn ở mức cao hơn các giống lúa khác từ 2.000 - 3.500 đồng/kg”.
 
Theo ông Phan Văn Sánh - chủ doanh nghiệp Bảy Sánh (xã Mỹ Lệ, huyện Cần Đước), năm nay, năng suất lúa NTCĐ trong mô hình cao hơn so với những năm trước, đạt gần 3,5 - 4,5 tấn/ha và chất lượng lúa cũng cao hơn. Hiện doanh nghiệp thu mua được khoảng 40ha. Với giá như hiện nay, nông dân sẽ có lợi nhuận trung bình từ 30-35 triệu đồng/ha.
 
“Để gạo NTCĐ giữ vững thương hiệu, người dân, chính quyền địa phương cần quan tâm hơn đến việc quy họach vùng trồng lúa Nàng Thơm đặc sản, áp dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật trong việc phục tráng lúa NTCĐ, đẩy mạnh khâu tiêu thụ sản phẩm, thu hút doanh nghiệp, HTX bao tiêu sản phẩm,… Có như thế người dân mới an tâm sản xuất, duy trì giống lúa đặc sản nổi tiếng của địa phương để cho hương gạo NTCĐ bay xa, góp phần tạo nên hương vị ngọt ngào trong ngày tết cổ truyền” - ông Sánh nói.
 
Cần phục hồi chất lượng
 
Có lẽ ai cũng biết NTCĐ là loại gạo ngon nức tiếng. Chỉ cần một lần ăn cơm nấu từ loại gạo này là khó có thể quên được hương vị đặc biệt của nó. Cho nên, trước đây, những dịp lễ, tết hay trong nhà có tiệc vui, ai có loại gạo này để nấu cơm cúng ông bà hay đãi khách là sang trọng lắm. Thế nhưng, bây giờ, cửa hàng nào cũng có gạo NTCĐ, người mua không thể phân biệt được đâu là gạo gốc, đâu là gạo giả, dù gạo vô bao ghi nhãn hiệu “Gạo NTCĐ” chính hiệu, sản xuất tại xã Mỹ Lệ, huyện Cần Đước, tỉnh Long An. Ngay cả chất lượng gạo trồng tại Chợ Đào cũng giảm hơn. Gạo nấu không thơm, cơm lại cứng, nhất là cơm nguội không còn giữ được độ xốp, dẻo và lưu lại mùi thơm như xưa. Do gạo NTCĐ giảm chất lượng nên những năm trở lại đây, gạo NTCĐ đang được các ngành chức năng tiến hành phục tráng.
 
Lúa Nàng thơm chợ Đào cần phục hồi để lấy lại chất lượng
 
Theo Phó Giám đốc HTX Dịch vụ nông nghiệp Mỹ Lệ - Nguyễn Văn Tài, trước đây, năng suất lúa NTCĐ chỉ từ 1,3 - 1,7 tấn/ha, trúng lắm cũng chỉ được 2 tấn/ha. Nay, người trồng lúa sử dụng nhiều loại phân, thuốc nhằm tăng năng suất đến 4 tấn/ha, đương nhiên chất lượng lúa sẽ thay đổi. Hồi trước, nước sông Vàm Cỏ vô, ra nên đồng ruộng luôn được bồi đắp phù sa, nay bị đắp đê nên đất bạc màu. Giống lúa cũng là chuyện cần quan tâm. Trước đây, người dân chọn giống lúa thuần chủng, còn hiện nay sử dụng giống lúa lai (giống lúa dòng 1 và dòng 5 do Viện Nghiên cứu khoa học - kỹ thuật Nông nghiệp miền Nam lai tạo từ giống lúa NTCĐ gốc) để cho năng suất cao, rồi sử dụng phân hóa học để bón lúa (trước sử dụng phân chuồng) nên chất lượng gạo NTCĐ bị giảm là chuyện đương nhiên...
 
Tháng 10/2005, thương hiệu gạo NTCĐ được Cục Sở hữu trí tuệ cấp độc quyền nhãn hiệu hàng hóa. Đến tháng 4/2014, Văn phòng Sáng chế và Nhãn hiệu Mỹ (United State Patent and Trademark Office) cấp giấy chứng nhận bảo hộ độc quyền cho nhãn hiệu “Gạo NTCĐ” với thời hạn 10 năm. Chưa kịp mừng vì được cấp “giấy thông hành” vào thị trường Mỹ, người trồng lúa NTCĐ lại phải chật vật đối phó với tình trạng chất lượng lúa giảm, nên rất lo lắng.
 
“Ngoài việc cho nạo vét các tuyến kênh, mương nội đồng, mở thêm nhiều cống tiêu thoát nước để cải tạo đất, hy vọng những năm tới, ngành chức năng sẽ cung cấp đủ lượng giống thuần chủng để cho người dân sản xuất đại trà, phục hồi lại chất lượng gạo NTCĐ” - ông Tài nói thêm./.
 
Huỳnh Phong - (baolongan.vn)
T/h: H.Phong - (dongbang.vn)
 

Bài viết mới nhất của Ngành Giống nông sản - Thủy sản