Long Sơn: Nông dân mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng

Thứ ba, 21 Tháng 1 2020 10:31 (GMT+7)
Thực hiện chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng đa dạng và chuyên canh, những năm qua, nông dân xã Long Sơn, huyện Cần Đước, tỉnh Long An mạnh dạn đầu tư và đưa nhiều giống cây, con mới vào sản xuất, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Trong đó, nổi bật là hiệu quả từ việc chuyển đổi đất vườn tạp, trồng lúa kém hiệu quả sang trồng rau màu và cây ăn trái.
Chủ tịch UBND xã Long Sơn - Bùi Thanh Sơn cho biết: Để nâng cao hiệu suất sử dụng đất, xã vận động nhân dân tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, lựa chọn một số cây trồng thế mạnh, phù hợp với điều kiện địa phương để đầu tư sản xuất nhằm tăng năng suất và nâng cao thu nhập cho người dân. Hiện nay, xã có 940ha lúa (diện tích lúa giảm do nông dân chuyển đổi sang trồng màu và cây ăn trái), 22,4ha rau màu, khoảng 1ha dừa và 1,8ha bưởi,… Rau màu, cây ăn trái phát triển nhanh, phù hợp với thổ nhưỡng, năng suất cao hơn nhiều lần so với trồng lúa. Để người dân có thu nhập cao từ trồng trọt, xã tích cực tuyên truyền, vận động nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh, mạnh dạn áp dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất nhằm giảm chi phí, tăng thu nhập. 
 
Nông dân mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, mang lại hiệu quả cao
 
Đồng thời, thực hiện xen canh, đa canh các loại cây ngắn ngày và dài ngày, tăng vòng quay của đất. Nhờ đó, thu nhập của người dân trong xã được nâng lên rõ rệt. Hiện tại, các cây trồng cho năng suất, chất lượng cao, được người dân gieo trồng trên diện rộng như rau, bưởi, ổi, dừa,…
 
Bà Nguyễn Thị Hạnh, ngụ ấp 4, xã Long Sơn, chia sẻ: Nhận thấy việc trồng rau màu mang lại thu nhập ổn định nên gia đình bà cải tạo một phần đất vườn tạp và trồng lúa để canh tác rau màu từ hơn 6 năm qua. Mỗi năm, gia đình trồng từ 3-4 vụ, trừ chi phí, lãi tối thiểu 10 triệu đồng/vụ.“Để trồng màu trúng mùa, được giá, cần áp dụng những tiến bộ khoa học - kỹ thuật kết hợp áp dụng luân canh vào sản xuất.Ngoài ra, phải có kinh nghiệm trong chọn giống cây trồng phù hợp với thời tiết, mùa vụ và dự đoán thị trường tiêu thụ” - bà Hạnh nói thêm.
 
Bên cạnh việc trồng màu, nhiều nông dân địa phương còn cải tạo đất vườn tạp, chân ruộng để trồng cây ăn trái, tạo thu nhập, cải thiện đời sống gia đình. Với 6.000m2 đất nông nghiệp, anh Võ Hoàng Trọng, ngụ ấp 5, xã Long Sơn, quyết định đầu tư để sản xuất dưa lưới theo hướng công nghệ cao. Với diện tích trên, anh bố trí 3 nhà lưới, mỗi nhà lưới khoảng 1.000 -1.200m2, phần đất còn lại anh sử dụng làm các khu vực phụ trợ. Đặc biệt, để giải quyết vấn đề nguồn nước tưới dưa, anh dành diện tích khá lớn đào ao lót bạt để trữ nước mưa, bảo đảm đủ nguồn nước trong vụ mùa khô. Với cách làm này, tất cả hệ thống nước mưa ở trên mái nhà lưới được thu gom đưa xuống ao, sau đó bơm ngược lên toàn hệ thống xử lý tưới dưa. Cách làm này bảo đảm chất lượng nước sản xuất và đạt yêu cầu về vệ sinh môi trường. Hiện nay, anh đã hoàn thành 1.200m2 nhà lưới đầu tiên với kinh phí khoảng 450 triệu đồng, được đưa vào sản xuất. Đợt dưa đầu tiên, anh trồng 3.000 cây dưa lưới, sau 3 tháng thu hoạch trên 3 tấn, với giá bán 65.000 đồng/kg, hiệu quả khá tốt. Đặc biệt, anh đang hướng tới xây dựng mô hình và sản xuất theo chuỗi giá trị, đăng ký thương hiệu và dán tem truy xuất nguồn gốc. Đây là hướng đi phù hợp với xu thế sản xuất nông nghiệp sạch hiện nay nhằm cung cấp cho người tiêu dùng sản phẩm an toàn, chất lượng cao và tăng hiệu quả sản xuất nông nghiệp.
 
 
Còn với 2.500m2 đất nông nghiệp bị nhiễm phèn, thường xuyên bị ngập nước, trồng lúa không hiệu quả, anh Lý Thành Tài, ngụ ấp 1A, xã Long Sơn, mạnh dạn lên liếp để trồng bưởi da xanh. Với khoảng cách 4m một cây bưởi, anh trồng được khoảng 250 gốc bưởi da xanh, sau gần 3 năm, vườn bưởi bắt đầu cho thu hoạch. Theo anh Tài, mỗi năm một cây bưởi cho khoảng 20 trái, thu nhập cũng được khoảng 1 triệu đồng, cao gấp nhiều lần so với trồng lúa. 
 
Ông Bùi Thanh Sơn cho biết thêm: Thời gian tới, xã tiến hành rà soát, quy hoạch vùng chuyên canh màu, cây ăn trái tập trung; đồng thời, tăng cường chuyển giao khoa học - kỹ thuật cho nông dân. Hiện nay, do đầu ra và giá thành sản phẩm bấp bênh nên xã chủ trương khuyến khích nông dân đa dạng hóa cây trồng, áp dụng luân canh, xen canh trong sản xuất nhằm mang lại hiệu quả kinh tế cao, góp phần ổn định cuộc sống người dân và phát triển KT-XH địa phương./.
 
Huỳnh Phong - Kim Thoa - (baolongan.vn)
T/h: H.Phong (dongbang.vn)

Bài viết mới nhất của Ngành Giống nông sản - Thủy sản