Ông Bùi Thanh Hoàng mê mẩn vẻ đẹp của loài chim quý nên quyết định mua về nuôi gần 4 năm nay.
Vẻ đẹp chim phượng hoàng
Từ xưa tới nay, chim công được coi trọng bởi sự cuốn hút với bộ lông đuôi sặc sỡ vô cùng đẹp mắt. Theo quan niệm xưa, chim công chính là biểu tượng của chim phượng hoàng thuộc 4 tứ linh là long - lân - quy - phụng. Phượng hoàng mang ý nghĩa tâm linh và biểu tượng cho sự duyên dáng, thanh nhã…
Ngoài vẻ đẹp lộng lẫy, lông đuôi chim công có sức hút đối với những người thích chơi phong thủy. Chúng được dùng để trang trí nhà ở, làm vật trang sức, làm quạt hay cắm vào bình để bày biện trong nhà với ý nghĩa cầu tài lộc và may mắn. Có lẽ chính vẻ đẹp ấy mà người ta còn gọi chim công là chim “khổng tước”, hình tượng loài chim sang quý này còn xuất hiện trong nhiều tác phẩm văn học, phim truyện nổi tiếng.
Tháng 12 đến tháng 2 âm lịch là mùa chim công trong trại của anh Bùi Thanh Hoàng, ở thị trấn Bảy Ngàn, huyện Châu Thành A, bung đuôi đẹp nhất. Với gia đình anh Hoàng, chuyện chăn nuôi năm nay khá thuận lợi. Đàn công hơn 30 con phát triển khỏe mạnh. Để nuôi dưỡng tốt chúng, anh phải đi nhiều trại nuôi công học kinh nghiệm, tìm hiểu tập tính, kỹ thuật chăm sóc.
Nhớ lại những ngày đầu mới mua 3 con công về nuôi vào năm 2015, vợ chồng anh đặt rất nhiều kỳ vọng vào loài chim quý này. Những người hàng xóm chỉ biết công qua hình ảnh, ti vi cũng sang xem thử rồi say sưa trầm trồ khen ngợi. Vài tháng sau, công vào mùa sinh sản. Công cào một khoảnh cát dưới chân to bằng cái thúng để làm ổ. Rồi những quả trứng đầu tiên lọt lòng, vợ chồng anh Hoàng khi đó mừng như được quà quý. Có lẽ do đam mê chăn nuôi công nên việc chăm sóc chúng không quá khó.
“Mỗi ngày trôi qua khá an nhàng. Sáng sớm tôi dọn dẹp chuồng, khoảng 9 giờ cho chúng nó ăn. Hiểu ý chúng khoái khẩu mấy món rau xanh, chuối trái, dế, sâu, tôi tìm cho bằng được. Rau xanh giúp chim công bổ sung nhiều vitamin, dế và sâu thì giàu đạm. Bí quyết làm lông công bóng mượt là cho ăn chuối chín, tụi nó ưa miệng món này lắm!”, anh Bùi Thanh Hoàng vui vẻ chia sẻ về loài vật nuôi của mình.
Những ngày giáp tết, anh Hoàng cũng thu xếp mọi chuyện để chuẩn bị đón xuân. Ngôi nhà được trang trí tinh tế. Bên cạnh mâm ngũ quả là những bình lông công được kết tỉa khéo léo, đẹp mắt. Anh khoe đó là vật phẩm mang lại may mắn, tài lộc được nhiều người săn lùng dịp tết. Lông chim công được nhiều người tìm mua bởi hoa văn trên lông giống như những đồng tiền cổ nối liền nhau. Những chiếc lông có màu sắc lộng lẫy còn được chọn làm đồ trang sức, đồ trưng bày vô cùng giá trị. Ngoài ra, lông chim công còn được dùng làm quạt, mang ý nghĩa phong thủy, thể hiện sức mạnh, quyền lực, tôn lên vẻ sang trọng cho ngôi nhà. Giá bán mỗi chiếc quạt lông công trên thị trường lên đến vài triệu đồng tùy theo kích cỡ.
Công là loài chim quý, một trong tứ linh theo quan niệm xưa.
Dám nghĩ, dám làm
Cùng họ với chim công, chim trĩ cũng là loài vật được rất nhiều người yêu thích sưu tầm. Người ta nuôi chúng làm quà biếu, nuôi làm cảnh bởi loài này có bộ lông tuyệt đẹp. Bà Nguyễn Thị Viện, ở phường Thuận An, thị xã Long Mỹ, tâm sự bản thân rất thích chăn nuôi các loài động vật có vẻ ngoài xinh xắn. Vì thế, hơn 4 năm trước bà tìm mua 6 cặp chim trĩ từ cơ sở giống uy tín đem về nuôi.
Chim trĩ có đặc điểm rất riêng, bộ đuôi dài và nhỏ, lông nhiều màu, toàn bộ cơ thể được tạo nên bởi những màu sắc khác nhau. Chính vì vậy, từ lâu chim trĩ được coi là loài chim đẹp trong tự nhiên. Ngoài việc nuôi làm thương phẩm, chim trĩ còn được nuôi làm cảnh, có giá trị kinh tế và thẩm mỹ cao.
Cũng xuất phát từ niềm đam mê chăn nuôi động vật hoang dã mà anh Lê Minh Nhựt, ở thị trấn Rạch Gòi, huyện Châu Thành A, đã thử thách bản thân từ việc nuôi nai sau khi học hỏi kỹ về kỹ thuật chăm sóc. 3 con nai đầu tiên được anh Nhựt mua từ những trại giống ở tỉnh Đồng Nai và Sóc Trăng đem về. Chuồng nuôi được thiết kế khép kín, khô thoáng. Do đã được thuần hóa từ trước nên chúng thích nghi tương đối tốt với môi trường mới.
Nai là loài vật nhút nhát, hiền lành, thính giác, khứu giác tốt. Chúng thích sống theo bầy đàn. Tuổi thọ của nai khoảng 25-30 năm. Môi trường sống thích hợp là trảng cỏ, rừng thưa có nhiều cây, cỏ non; không phù hợp với những nơi ẩm thấp… Nai rất cảnh giác với người lạ. Để tiếp cận được với đàn, chúng tôi phải nhờ đến sự trợ giúp của anh Nhựt. Anh bảo cứ lấy tay vỗ lên đầu bảo “lộc lộc... lộc lộc... ăn đi... Tuyệt đối không được làm cho chúng hoảng sợ”, thế là nai ngoan ngoãn cho tiếp cận.
Bà Lê Thị Khi, người chăm sóc nai, khen tấm tắc: “Nai có đôi mắt tròn to long lanh, đôi mi dài cong vút. Gương mặt nhỏ thon, đôi sừng bé xinh rất đáng yêu. Tụi nó thường ăn các loại cỏ vôi, cây ngái, đặc biệt khoái trái cây ngọt”. Vừa nói bà vừa đưa mấy trái chuối xiêm chín, nai liền đớp lấy nhai ngồm ngoàm. Được biết, đây là loại chúng thích nhất.
Anh Lê Minh Nhựt, người chủ của đàn nai ở thị trấn Rạch Gòi, huyện Châu Thành A.
Anh Nhựt tâm sự rằng: “Tôi thương nai lắm, nó hiểu hành động của người. Ai thử làm nó đau là nó giận luôn nhiều ngày liền. Ngày tết, hễ có người đến thăm nhà là nghe tiếng gọi “lộc lộc lộc... lộc lộc lộc...” vọng từ trước cửa như tài lộc vào nhà. Vốn là người thích chăn nuôi động vật hoang dã, anh Nhựt còn dự định mở rộng khu đất phía sau vườn để nuôi thêm dúi, cheo, cầy vòi hương,…
Ngoài công và nai, chim trĩ, các loài vật “độc - lạ”, cũng còn nhiều loại động vật quý khác đã được người dân nuôi dưỡng. Chưa nói đến lợi nhuận hay giá trị kinh tế mà nó mang lại, nhưng niềm đam mê là yếu tố giúp những người chủ có được thành công, niềm vui bước vào năm mới…
NGUYÊN ANH - (baohaugiang.com.vn)
T/h: H.Phong (dongbang.vn)