Tái đàn chăn nuôi gắn với phòng, chống dịch bệnh

Thứ sáu, 03 Tháng 4 2020 10:26 (GMT+7)
Long An vừa là cửa ngõ các tỉnh, thành Tây Nam bộ, giáp ranh TP.HCM, vừa là nơi có tổng đàn gia súc, gia cầm lớn. Từ sau đợt dịch bệnh dịch tả heo châu Phi (DTHCP), tổng đàn heo của tỉnh giảm mạnh.Tuy nhiên, hiện nay số lượng gia súc, gia cầm trên địa bàn tỉnh tăng nhẹ so với cuối năm 2019.
Tổng đàn gia súc, gia cầm tăng nhẹ so với cuối năm 2019
Tổng đàn gia cầm tăng nhẹ so với cuối năm 2019
 
Tổng đàn gia súc, gia cầm tăng nhẹ 
 
Thông tin từ Chi cục Chăn nuôi - Thú y và Thủy sản tỉnh, đến nay, DTHCP trên địa bàn tỉnh cơ bản được khống chế. 15/15 huyện, thị xã, thành phố đã qua 30 ngày kể từ ngày tiêu hủy cuối cùng, trong đó có 11 huyện, thị xã công bố hết dịch. Hiện nay, ngành nông nghiệp tiếp tục tiến hành thẩm định và đề nghị công bố hết dịch đối với các huyện còn lại.
 
Theo Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) - Đinh Thị Phương Khanh, để bảo đảm việc nuôi tái đàn heo hiệu quả và giảm thiểu nguy cơ tái phát dịch bệnh, Sở đã ban hành hướng dẫn về việc chỉ đạo thực hiện tái đàn trong chăn nuôi heo. Theo đó, UBND các huyện, thị xã, thành phố căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao tổ chức thực hiện đầy đủ các nội dung phát triển chăn nuôi heo theo hướng dẫn của Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống bệnh DTHCP. Giao Chi cục Chăn nuôi - Thú y và Thủy sản tỉnh tổ chức triển khai hướng dẫn người chăn nuôi thực hiện nuôi tái đàn heo phù hợp với tình hình thực tế của địa phương; chủ động xây dựng nội dung kiểm tra, hướng dẫn, giám sát tình hình chăn nuôi và công tác phòng, chống dịch bệnh. Không chủ quan tái đàn ồ ạt mà ưu tiên tái đàn ở các cơ sở chăn nuôi khép kín, áp dụng phương pháp an toàn sinh học, con giống phải có nguồn gốc rõ ràng, khỏe mạnh; đồng thời, yêu cầu tiêm phòng bắt buộc các loại vắc-xin phòng bệnh, thường xuyên tiêu độc, khử trùng chuồng trại,… Đó là những giải pháp đáng lưu ý đối với các hộ chăn nuôi để tái đàn heo an toàn và hiệu quả. Cũng theo khuyến cáo của ngành chuyên môn, tái đàn với các hộ nhỏ, lẻ phải đủ điều kiện thực hiện an toàn sinh học và được sự đồng ý của chính quyền địa phương thì việc tái đàn mới thực sự không tiềm ẩn nguy cơ tái dịch.
 
Tính đến thời điểm hiện nay, toàn tỉnh có khoảng 115.000 con heo, tăng từ 8-10% so với cuối năm 2019. Đối với đàn gia cầm (nuôi gà thả vườn) đã phát triển ổn định trở lại, ước duy trì khoảng 7,9 triệu con, tăng gần 155.000 con so cùng kỳ năm 2019. Đàn bò duy trì và phát triển giống tốt có chất lượng cao, ước khoảng 116.000 con. Hình thức chăn nuôi trên địa bàn chủ yếu là chăn nuôi nhỏ, lẻ, vùng chăn nuôi tập trung ở các huyện: Châu Thành, Tân Trụ, Đức Hòa, Cần Đước,...
Tái đàn heo thịt
Tái đàn heo thịt
 
Mới bán đàn heo hơn chục con với giá 7,7 triệu đồng/tạ, dù có hơi tiếc khi không kịp bán vào thời điểm giá cao nhất nhưng bà Đoàn Thị Thúy (xã Bình Lãng, huyện Tân Trụ) vẫn cảm thấy vui vì có được số tiền kha khá để lo cho gia đình. “Đây là mức giá cao nhất mà tôi bán được sau mấy chục năm theo nghề nuôi heo nái và heo thịt. Cách đây vài năm, giá heo hơi trước và sau tết có lúc xuống dưới 3 triệu đồng/tạ; những năm được giá cũng chỉ 4 triệu đồng/tạ.Thật lòng, người nuôi heo chỉ cần duy trì mức giá 5 triệu đồng/tạ là coi như có lời” - bà Thúy chia sẻ. Sau khi bán đàn heo thịt, bà Thúy dọn dẹp, vệ sinh chuồng trại để chuẩn bị chọn lựa bầy heo con sang nuôi thịt. “Đợt này, tôi tái đàn khoảng 15 con heo thịt. Với 2 lứa heo nái đẻ tiếp theo, tôi sẽ chia con giống để bà con tái đàn” - bà Thúy thông tin. Sở dĩ người dân mạnh dạn tái đàn, một phần do giá heo vẫn còn cao nhưng nguyên nhân chính là nhờ công tác kiểm soát DTHCP trên địa bàn tỉnh được thực hiện tốt.
 
Trưởng phòng NN&PTNT huyện Cần Đước - Nguyễn Hồng Chương cho biết: “Hiện toàn huyện có 1,2 triệu con gia cầm, trên 2.000 con gia súc và 2.250 vật nuôi khác. Để chủ động, kịp thời ngăn chặn DTHCP, vi-rút cúm A/H5N1, cúm A/H5N6 hoặc chủng vi-rút cúm có khả năng lây bệnh trên gia cầm làm ảnh hưởng đến đời sống, kinh tế của người dân, các hộ chăn nuôi, ngành chức năng huyện đã phối hợp các địa phương thống kê, tổng hợp tổng đàn gia cầm, gia súc từng địa phương, khẩn trương chỉ đạo lực lượng tổ chức vệ sinh, tiêu độc, khử trùng và triển khai tiêm phòng theo kế hoạch. Đồng thời, tăng cường tuyên truyền và hướng dẫn các cơ sở, hộ chăn nuôi thường xuyên thực hiện vệ sinh, tiêu độc, khử trùng bằng vôi bột, hóa chất; tăng cường áp dụng các biện pháp an toàn sinh học khi tái đàn; đẩy mạnh công tác kiểm tra, rà soát các cơ sở giết mổ động vật trên địa bàn huyện, đặc biệt là các điểm nhỏ, lẻ, kiên quyết không cho giết mổ nếu cơ sở hoạt động không phép hoặc không bảo đảm yêu cầu vệ sinh thú y, môi trường”.
Tái đàn gia cầm
Tái đàn gia cầm
 
Chủ động phòng, chống dịch bệnh
 
Theo thông tin từ Sở NN&PTNT, từ đầu năm 2020 đến nay, các loại dịch bệnh nguy hiểm ở động vật như cúm gia cầm (đã xảy ra tại 5 tỉnh, thành phố: Hà Nội, Bắc Ninh, Thanh Hóa, Nghệ An và Trà Vinh), bệnh lở mồm long móng (đã xảy ra tại 7 tỉnh: Quảng Ninh, Yên Bái, Sơn La, Nghệ An, Quảng Trị, Quãng Ngãi và Tiền Giang) có diễn biến phức tạp, gia tăng nguy cơ dịch bệnh lây lan diện rộng làm ảnh hưởng lớn đến phát triển chăn nuôi, an toàn thực phẩm, sức khỏe cộng đồng, xuất khẩu động vật, sản phẩm động vật.
 
Bà Đinh Thị Phương Khanh cho biết: “Để chủ động phòng, chống bệnh trên gia súc, gia cầm kịp thời và hiệu quả, Sở kiến nghị: Sở Tài chính kịp thời bố trí kinh phí phục vụ công tác truyền thông, phòng, chống dịch bệnh động vật trên cạn năm 2020 đã được UBND tỉnh phê duyệt. UBND cấp huyện phối hợp chặt chẽ Sở NN&PTNT và các cơ quan chuyên ngành thú y triển khai thực hiện hiệu quả Kế hoạch truyền thông, khử trùng, tiêu độc và phòng, chống dịch bệnh trên cạn năm 2020. Trong đó, đặc biệt quan tâm đến công tác phòng, chống bệnh truyền nhiễm gây nguy hiểm trên người và động vật (bệnh cúm gia cầm, bệnh dại); thực hiện rà soát, củng cố mạng lưới thú y cơ sở nói chung và chức danh nhân viên thú y cấp xã thực hiện đúng theo định hướng của Tỉnh ủy về việc kiêm nhiệm, đáp ứng đúng quy định của Luật Thú y, Luật Thủy sản, Luật Chăn nuôi và các nghị định, thông tư hướng dẫn có liên quan; chỉ đạo UBND các xã, phường, thị trấn rà soát tổng đàn, nắm chắc tình hình chăn nuôi, mua bán, vận chuyển gia súc, gia cầm và diễn biến dịch bệnh tại địa phương; tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn chăn nuôi an toàn sinh học, giám sát tái đàn, chủ động tiêm phòng vắc-xin cúm gia cầm và các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm khác bảo đảm đạt tối thiểu trên 80% tổng đàn có nguy cơ và thuộc đối tượng tiêm phòng”.
 
“Ngoài ra, các địa phương chủ động trong công tác phòng, chống DTHCP, huy động toàn bộ lực lượng tham gia chống dịch, các ổ dịch được xử lý triệt để, đúng quy trình và cung ứng vật tư, hóa chất kịp thời chống dịch, tránh nguy cơ bùng phát trở lại. Thực hiện tốt các giám sát chủ động, giám sát sau tiêm phòng đối với các bệnh lở mồm long móng và cúm gia cầm nhằm đánh giá hiệu quả công tác tiêm phòng và lưu hành vi-rút trên địa bàn tỉnh để kịp thời khuyến cáo và có các biện pháp phòng, chống dịch bệnh phù hợp” - bà Phương Khanh nói thêm./.
 
Huỳnh Phong - (baolongan.vn)
T/h: H.Phong (dongbang.vn)

Bài viết mới nhất của Ngành Giống nông sản - Thủy sản