Sầu riêng Tân Phú. Ảnh: Cẩm Trúc
Để có nguồn nước sạch tưới cây ăn trái, các tổ viên đã chủ động xử lý nguồn nước giếng nhiễm phèn để tưới cho cây. Điển hình, tại vườn sầu riêng 7 năm tuổi của chị Cao Thị Chiên, ở ấp Hàm Luông, xã Tân Phú có diện tích khoảng 8.000m2, trung bình 1 vụ thu hoạch được 20 tấn, với giá bán 50 ngàn đồng/kg, sau khi trừ chi phí, thu về lợi nhuận từ 250 - 300 triệu đồng. Có thành quả đó, chị Chiên đã làm bể lọc nước giếng nhiễm phèn để tưới cho cây trồng, tránh thiệt hại của hạn mặn.
Chị Chiên cho biết: “Tôi khoan giếng khoảng 60m, khi có nguồn nước, lấy mẫu đi kiểm tra độ mặn, độ phèn và nhờ cán bộ kỹ thuật hướng dẫn làm bể lọc để xử lý phèn trong nước. Theo đó, lớp dưới tôi đổ đá, đến lớp cát, rồi đến tro trấu. Khi bơm nước giếng lên qua bể lọc mới đến bơm chứa. Tiếp đó tôi xử lý nước khoảng 5kg vôi, cách ngày đến 5kg lân, luân phiên nhau. Khoảng 2 ngày sau, tôi lấy nước tưới cây. Hiện nay, sầu riêng đang cho trái, ra đọt thấy rất hiệu quả”.
Được biết, vào tháng 9-2019, Tổ hợp tác sầu riêng ấp Hàm Luông, xã Tân Phú được chứng nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP với diện tích 4,45ha, sản lượng khoảng 57 tấn/năm, gồm 11 tổ viên do phụ nữ làm chủ. “Trong thời điểm hạn mặn này thì tổ hợp tác sầu riêng của chị em đã sản xuất hiệu quả, ít chịu ảnh hưởng như các hộ khác. Hướng tới, chúng tôi sẽ hỗ trợ tổ hợp tác làm thêm mô hình du lịch sinh thái gắn với sầu riêng, chôm chôm và các món ăn đặc sản địa phương”, chị Hồ Thị Ngọc Cầm - Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Tân Phú cho biết.
Trúc Lan - (baodongkhoi.vn)
T/h: H.Phong (dongbang.vn)