Tác phẩm gỗ sao - lũa nghệ thuật được ông Mẫn kỳ vọng và ấp ủ
Trong ngôi nhà nóc Thái khang trang với đầy đủ tiện nghi, vật dụng, ông Mẫn trò chuyện với chúng tôi: “Tất cả là nhờ bonsai cả. Nhờ kiểng mà tôi có điều kiện lo cho các con, chứ bám 1 công lúa tới bây giờ chắc không lo nổi cho con”.
Ông Mẫn kể, ngày ba mẹ mất, ông vẫn còn mắc nợ và chỉ có vỏn vẹn 1 công đất lúa để nuôi 5 miệng ăn trong gia đình. Vất vả, gian nan không thể kể xiết. Rồi tình cờ ông được xem một chương trình truyền hình, thấy trường có mở khóa dạy làm bonsai một cách bày bản. Với máu đam mê sẵn trong mình, ông quyết tâm học để thay đổi kinh tế gia đình.
Thế là, sau khóa học đó ông Mẫn về đào đất, lên vườn trồng kiểng. Năm 2005, ông bỏ lúa, đắp đất trồng mai vàng, nguyệt quế. Ai cũng nghĩ ông sẽ thất bại, vì ở xứ ông chưa ai làm điều này... Ai nói gì cũng mặc, ông vẫn cứ làm... Và, hôm nay có thể khẳng định quyết định của ông hoàn toàn đúng. Hiện ông không chỉ lo cho con ăn học thành tài mà còn tích lũy vốn mua 5 công đất trồng hơn 200 tác phẩm mai vàng, nguyệt quế với giá trị tính bằng tỷ đồng...
Theo ông Mẫn, nghề kiểng bonsai không quá vất vả, làm mà như chơi, nhưng phải đặt sự đam mê lên hàng đầu, chăm chỉ và nắm vững kỹ thuật. Để đạt hiệu quả thì nghệ nhân trước tiên phải hiểu về từng loại cây, khi đó thì chăm sóc rất đơn giản. Chăm sóc thì phải cần cù, tỉ mẩn; tùy vào từng loại mà sắp xếp ánh sáng, chăm bón cho hợp lý. Nghề trồng kiểng bonsai còn phải cộng thêm một chút sự chiêm nghiệm từ bản thân rút ra triết lý nhân sinh qua các loài cây.
Ngoài trồng kiểng, ông Mẫn còn có sở thích sưu tầm đá, gỗ lũa... để chơi và giới thiệu đến bạn bè các tỉnh khi có dịp giao lưu học hỏi tại các cuộc thi bonsai trong nước. Dẫn chúng tôi đi tham quan các tác phẩm mình sưu tầm, ông Mẫn cho biết, hiện ông có khoảng 10 tác phẩm “để dành” cho các cuộc thi bonsai cấp tỉnh, khu vực, trong đó tác phẩm được ông cưng nhất là tác phẩm gỗ sao - lũa nghệ thuật. “Gỗ lũa giống như phần xương của con cá, khi những phần thịt trôi rửa hết chỉ còn lại phần xương rất cứng, không khi nào mối mọt xâm hại được. Đặc biệt, giá trị của gỗ lũa là những đường gân nổi tự nhiên do nó ở trong tự nhiên gần trăm năm nên không có một họa sĩ hay người thợ nào có thể đục đẽo được. Chính vì vậy rất khó tìm và quý, hiện đã được nhiều người trả khoảng 2 tỷ đồng nhưng tôi chưa muốn bán”, ông Mẫn khoe.
Là nghệ nhân và thành viên Hội Sinh vật cảnh tỉnh nên ông Mẫn được đi nhiều nơi và chiêm nghiệm về nghệ thuật kiểng bonsai của các nước cũng như khu vực nên ông Mẫn luôn ấp ủ sẽ mở một điểm trưng bày giới thiệu các tác phẩm kiểng bonsai đến bạn bè trong và ngoài tỉnh, bên cạnh đó kết hợp hướng dẫn kỹ thuật cũng như xu thế của kiểng bonsai hiện đại đến những nông dân có đam mê và mong muốn gắn bó với nghề bonsai để họ có hướng chuyển đổi nghề nghiệp cải thiện kinh tế. “1 công bonsai có thể bằng mấy chục công ruộng nên nếu nông dân đam mê, nhiệt huyết và gắn bó bền bỉ với nghề, sẽ tạo ra giá trị kinh tế gấp mấy lần trồng lúa”, ông Mẫn tâm huyết.
M.Nhân - (baodongthap.vn)
T/h: H.Phong (dongbang.vn)