Chị Tư Nguyệt (Nguyễn Thị Nguyệt Anh), ở ấp 1, xã Vĩnh Thuận Đông, huyện Long Mỹ, cho biết dơi là loài động vật hoang dã, thích sống tự do, nếu động chúng sẽ bỏ đi. Vì vậy, người nuôi dơi phải biết tạo môi trường thuận lợi để dơi trú ngụ và bảo vệ chúng, không được bắt chúng trong chuồng nuôi và chuồng phải đặt ở cặp bờ kênh, mương để dơi uống nước. Chuồng được thiết kế theo hình lục giác cao từ 7-8m, trên trần của chuồng cần phải lắp thêm sàn để treo lá thốt nốt làm ổ cho dơi ở. Trong quá trình nuôi dơi, người nuôi phải thường xuyên kiểm tra chuồng, vào mùa mưa chuồng phải được che kín bốn bên vách chuồng, vừa làm ấm dơi vừa tránh được mưa tạt vào làm ướt dơi, ướt lá ổ. Đặc điểm của dơi rất sợ rắn lục, rệp sáp, vì vậy phải thường xuyên thay lá ổ lúc dơi rời ổ đi ăn. Thời kỳ sinh sản của dơi cái vào khoảng tháng 3-4 âm lịch nên dơi không rời chuồng đi ăn. Để đàn dơi nuôi đạt được hiệu quả, người nuôi cần bổ sung thức ăn cho đàn dơi mẹ bằng cách bổ sung chuối, nhãn chín… lên gần ổ để chúng ăn tạm thời chờ con lớn.
Chuồng nuôi dơi của gia đình chị Nguyệt Anh.
Nhờ những kinh nghiệm này mà nhiều năm qua chị Nguyệt Anh nuôi dơi rất thành công. Từ một chuồng khoảng vài ngàn con dơi mỗi đêm chị thu gom được gần một giạ phân dơi, tương đương gần 20kg. Nhiều nhà vườn trồng cây ăn trái và người trồng hoa màu, cây kiểng… tìm mua phân dơi của chị với giá 50.000 đồng/kg, còn mua giạ là 300.000 đồng/giạ. Tính ra một năm, chị thu nhập từ nguồn phân dơi khoảng 40-50 triệu đồng.
Tin, ảnh: QUANG HẢI - (baohaugiang.com.vn)
T/h: H.Phong (dongbang.vn)