Nuôi cá tra công nghệ cao, chất lượng phục vụ xuất khẩu

Thứ ba, 09 Tháng 6 2020 07:22 (GMT+7)
An Giang là một trong những tỉnh có diện tích nuôi cá tra lớn nhất ở ĐBSCL, hiện giá cá đang giảm mạnh vì vậy ngành Nông nghiệp đang quy hoạch phát triển nghề nuôi và chế biến cá tra theo hướng bền vững.
Hình thành chuỗi liên kết
Nuôi cá tra công nghệ cao tại Công ty Nam Việt, huyện Châu Phú, tỉnh An Giang.
 
Năm 2019, tổng diện tích nuôi cá tra của An Giang là 1.528ha, sản lượng thu hoạch hơn 440.845 tấn. Trong đó, diện tích cá tra của doanh nghiệp (DN) 837ha, sản lượng 256.157 tấn.
 
Ông Trần Anh Thư, Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang, cho biết: Từ những tháng cuối năm 2019 đến nay ngành hàng cá tra luôn gặp khó khăn khiến người nuôi thua lỗ. Trong 5 tháng đầu năm 2020, diện tích thu hoạch phần lớn tập trung ở DN và các hộ nuôi cá tra có liên kết tiêu thụ. Diện tích thu hoạch đến thời điểm này khoảng 363ha, sản lượng khoảng 110.000 tấn, bằng cùng kỳ năm rồi. Tuy nhiên, từ đầu năm đến nay, ngành hàng cá tra ở An Giang bị ảnh hưởng dịch bệnh COVID-19 nên giá thu mua cá tra giảm sâu và kéo dài đến nay. Hiện nay, giá cá tra từ 18.200-18.500 đồng/kg (cá 0,8-1kg/con), đối với cá trên 1kg/con, giá 17.800-18.000 đồng/kg. Với giá thu mua hiện tại người nuôi cá tra tiếp tục bị lỗ khoảng từ 4.000-5.000 đồng/kg.
 
Để khôi phục lại ngành hàng cá tra, thời gian qua tỉnh đẩy mạnh thực hiện chuỗi liên kết sản xuất giống cá tra 3 cấp. Cụ thể: Viện Nghiên cứu nuôi trồng Thủy sản 2 đã cung cấp 12.320 con cá tra bố mẹ để thay thế khoảng 30% tổng đàn cá tra bố mẹ trong tỉnh (cấp 1). Trung tâm giống thủy sản An Giang và một số cơ sở sản xuất liên kết làm nòng cốt có tổng số lượng cá bố mẹ 26.300 con (chiếm 64% số lượng cá tra bố mẹ toàn tỉnh), năng lực cung cấp 6,8 tỉ cá bột/năm. Các đơn vị này đã được cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện sản xuất ương dưỡng giống thủy sản theo Nghị định 26/2019/NĐ-CP của Chính phủ (cấp 2). Và cấp 3, gồm các Chi hội ương giống cá tra với tổng số 54 hội viên, tổng diện tích mặt nước ương là 251ha (chiếm hơn 43% diện tích ương giống của tỉnh hiện nay), năng lực sản xuất giống 700-800 triệu con/năm. Phối hợp với Hiệp hội Thủy sản tỉnh hướng dẫn hội viên thực hiện các điều kiện ương dưỡng giống thủy sản, đăng ký kiểm tra và chứng nhận cơ sở đủ điều kiện. Kết quả đã có 9/11 cơ sở đăng ký được cấp chứng nhận với diện tích khoảng 34ha.
 
Về tiến độ triển khai các vùng ương giống cá tra tập trung, đã mời gọi được 4 DN đầu tư các vùng ương nuôi tập trung theo hướng công nghệ cao tham gia Đề án cá tra 3 cấp: Tập đoàn Việt Úc (104ha), Công ty TNHH MTV Nam Việt (600ha, với 150ha ương giống ở huyện Châu Phú), Công ty Cổ phần Vĩnh Hoàn (48,3ha), Công ty TNHH Phát triển Lộc Kim Chi (350ha). Các dự án này đang được triển khai và đã có kế hoạch sản xuất trong năm 2020, qua đó sẽ góp phần nâng cao chất lượng con giống cá tra trong thời gian tới.
 
Mở rộng hợp tác
 
Ông Lê Doãn Tới, Tổng Giám đốc Tập đoàn Nam Việt (tỉnh An Giang), chia sẻ: Dự án nuôi cá tra có quy mô 600ha với tổng vốn đầu tư 4.000 tỉ đồng, được triển khai trên 3 ấp Bình Đức, Bình Quới và Bình Thới thuộc xã Bình Phú, huyện Châu Phú. Trên tổng thể dự án được chia thành 2 khu. Trong đó khu sản xuất giống cá tra 3 cấp chất lượng cao có diện tích 150ha với vốn đầu tư 1.000 tỉ đồng. Còn khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao nuôi trồng thủy sản, nuôi cá tra thương phẩm có diện tích 450ha có vốn đầu tư 3.000 tỉ đồng.
 
Theo đó, ở khu sản xuất giống cá tra 3 cấp chất lượng cao, mỗi năm sản xuất ra khoảng 360 triệu con giống cá tra chất lượng cao phục vụ cho các vùng nuôi của Nam Việt, số còn dư sẽ cung cấp cho thị trường.
 
Còn khu nuôi cá tra thương phẩm, mỗi năm sản xuất ra 200.000 tấn cá tra nguyên liệu phục vụ chế biến xuất khẩu. Toàn bộ vùng nuôi đầu tư trang thiết bị theo hướng hiện đại, trong đó công nghệ sục khí nano và chất xúc tác bakture để xử lý nước trong ao nuôi. Bằng công nghệ này, trên toàn bộ diện tích nuôi cá tra ở Bình Phú sẽ không cần xả thải nước ao nuôi ra môi trường, không cần nạo hút bùn đáy ao bằng phương pháp cơ học như hiện nay.
 
Mới đây Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Nguyễn Xuân Cường có chuyến khảo sát đánh giá tình hình sản xuất và tiêu thụ cá tra tại An Giang trong bối cảnh dịch COVID-19. Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường biểu dương An Giang triển khai Đề án cá tra 3 cấp quá tốt và Tập đoàn Nam Việt cùng với các DN hạt nhân trong ngành hàng cá tra của Việt Nam rất tiên phong ứng dụng khoa học công nghệ cao, đầu tư lớn và sẵn sàng chia sẻ rủi ro cùng bà con nông dân nuôi cá tra. Chính việc làm đó mà Chính phủ, bộ, ngành và các địa phương cùng vào cuộc tiếp sức.
 
Ông Nguyễn Sĩ Lâm, Giám đốc Sở NN&PTNT An Giang, cho biết: Để vượt qua khó khăn cho ngành hàng cá tra và hướng đến phát triển trong thời gian tới. Ngành Nông nghiệp tỉnh An Giang tiếp tục hỗ trợ các DN thủy sản trong quá trình triển khai thực hiện các Dự án đầu tư vùng sản xuất giống và nuôi trồng thủy sản công nghệ cao được tỉnh phê duyệt tham gia trong Đề án liên kết sản xuất giống cá tra 3 cấp chất lượng cao vùng ĐBSCL. Đồng thời, tạo điều kiện hỗ trợ mở rộng phát triển mô hình sản xuất theo chuỗi liên kết trong hoạt động sản xuất giống và nuôi cá tra thương phẩm với thành phần liên quan tham gia chuỗi liên kết được chia sẻ "quyền lợi và trách nhiệm", trong đó DN tiêu thụ là hạt nhân của liên kết chuỗi.
 
Bài, ảnh: LÊ VŨ - (baocantho.com.vn)
T/h: H.Phong (dongbang.vn)

Bài viết mới nhất của Ngành Giống nông sản - Thủy sản