Ông Quốc (bìa trước) giới thiệu khách tham quan mô hình nuôi ếch của mình.
Bên tách trà trong căn nhà giá trị hàng trăm triệu đồng với đầy đủ tiện nghi, ông Ba Quốc cho biết ngày ông mới ra riêng về đây lập nghiệp năm 1985 nghèo lắm, đồng lương giáo viên của vợ chồng không đủ trang trải cuộc sống gia đình đến 7 miệng ăn. Vợ ông, bà Võ Thị Ngọc Thạch bỏ việc, còn ông thì bỏ nghề để đi bơm nước mướn, trục ruộng thuê, tích cóp lâu ngày cũng mua được vài công đất ruộng, một năm làm 2 vụ lúa. Thấy còn nhiều thời gian ông làm thêm dịch vụ lò sấy lúa thuê tại nhà và lên liếp lập vườn trồng cây, nuôi cá… Và rồi có lần ông trúng đậm về giá cả, với khi lợi nhuận hàng trăm triệu đồng của vụ cá rô đầu vuông đột biến gien từ con cá rô đồng mà ông đang nuôi khoảng chục năm trước.
Cuộc đời nông dân tay lấm chân bùn của lão nông Ba Quốc như đã bước sang bước ngoặt mới, ông mua thêm đất, cất được nhà, kinh tế gia đình ổn định hơn. Đó cũng nhờ vào bản tính cần cù chịu khó, ham học hỏi để làm giàu. Nhiều năm qua, từ diện tích 2ha đất ruộng sản xuất lúa hàng hóa, ông chuyển sang thành 3 vụ lúa giống cao sản/năm. Nhờ áp dụng phương pháp kỹ thuật gieo cấy bằng máy và bón phân cân đối hợp lý đúng quy trình nên ruộng lúa luôn đạt năng suất, chất lượng cao. Nhờ vậy mà hàng chục tấn lúa ông làm ra mỗi vụ không chỉ bán được giá, còn được một số công ty bao tiêu hết. Với nụ cười toại nguyện, ông Ba Quốc “tiết lộ” mức lợi nhuận hàng năm của gia đình khoảng 160 triệu đồng sau khi đã trừ chi phí từ các nguồn ruộng lúa, vườn cây ăn trái, chăn nuôi cá, ếch…
Với phương châm lấy ngắn nuôi dài, tận dụng diện tích mặt nước ao nuôi 2.000m2, ông Ba Quốc chuyên canh nuôi con cá tra, cá điêu hồng và nuôi thêm mấy vèo ếch Thái để bán ếch thịt, ếch giống cho bà con. Thức ăn cho cá, ếch là những thứ trái cây có sẵn trong vườn như chuối, rau vườn, ngay cả da ếch, phân ếch cũng có thể làm nguồn thức ăn nuôi cá, từ đó tiết kiệm được nhiều chi phí tiền mua thức ăn trong chăn nuôi, mang lại nguồn lợi nhuận không nhỏ cho hộ gia đình. Ông Ba Quốc cho rằng ông cũng không phải là người tài cao học rộng, có điều là nông dân thì phải cố gắng lao động sản xuất. Bản thân phải tham quan học hỏi nhiều mô hình sản xuất, thấy cái nào mang lại hiệu quả và phù hợp với gia đình thì thực hiện. Nhiều mô hình nhỏ gộp lại sẽ thành mô hình lớn, mỗi mô hình đều mang lại nguồn thu nhập nhất định, nếu biết chi tiêu, tích cóp, cuộc sống sẽ ổn định hơn. Xuất phát từ ý nghĩ mãi lo cuộc sống tương lai, nay tuổi ông cũng đã quá lục tuần vậy mà nào được nghỉ ngơi, cứ lao vào công việc ruộng đồng, vườn cây, ao cá.
Ông Nguyễn Thanh Thoảng, Chủ tịch UBND xã Vĩnh Thuận Tây, huyện Vị Thủy, cho biết thời buổi kinh tế hội nhập như hiện nay, nông dân không còn gói gọn trong thửa ruộng, mảnh vườn của gia đình, mà họ luôn tìm tòi, học hỏi cách làm hay để phát triển kinh tế. Nếu như năm 2019 về trước số hộ nghèo trong xã còn khá cao thì nay chỉ còn 74 hộ nghèo và 176 hộ cận nghèo. Để đạt được kết quả đó là nhờ nông dân mạnh dạn trong cách nghĩ, cách làm với sự hỗ trợ đắc lực của các cấp, ban, ngành về khâu kỹ thuật nuôi trồng đến giống, vốn. Hiện nay, ngoài mô hình đa cây, đa con của hộ ông Quốc, xã cũng đã xây dựng được 96 mô hình sản xuất khác do nông dân thực hiện, đã mang lại nhiều chuyển biến tích cực trong phát triển kinh tế hộ gia đình, với nguồn thu nhập khá cao. Để mô hình sản xuất thật sự hiệu quả và bền vững, nông dân phải thay đổi cách nghĩ, cách làm, nhất là khâu liên kết 4 nhà nhằm cho ra đời những sản phẩm chất lượng, đạt hiệu quả, đầu ra ổn định để nông dân an tâm lao động sản xuất, nâng cao chất lượng cuộc sống gia đình, góp phần xây dựng quê hương ngày thêm đổi mới...
Bài, ảnh: QUANG HẢI - (baohaugiang.com.vn)
T/h: H.Phong (dongbang.vn)