Mô hình trồng nấm linh chi ứng dụng công nghệ cao của anh Nguyễn Hùng Sinh.
Canh tác nấm sạch
Dự đoán nhu cầu của thị trường về cây dược liệu, trong đó có cây nấm linh chi ngày càng tăng, khoảng những năm 2000-2001, anh Nguyễn Hùng Sinh cải tạo vườn tạp sau nhà, đầu tư kinh phí xây dựng nhà trồng nấm với diện tích 40m2, trồng thí điểm 3.000 bịch phôi. Thời gian đầu, do chưa có kinh nghiệm, chưa nắm vững về kỹ thuật nên gặp nhiều khó khăn. Hơn nữa, do đây là mô hình mới thực hiện tại địa phương nên rất ít người biết đến, trồng với số lượng thấp, khó bán ra thị trường... Không nản lòng, anh Sinh tích cực tìm tòi, học hỏi kỹ thuật chăm sóc, đồng thời tích lũy kinh nghiệm trong quá trình canh tác trước đó.
Năm 2017, được sự hỗ trợ của Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh An Giang, anh Sinh đầu tư, mua sắm trang thiết bị, phát triển mô hình theo hướng công nghệ cao. Tổng chi phí đầu tư trên 300 triệu đồng. Mô hình khép kín từ khâu chăm sóc đến bảo quản sau thu hoạch: thiết kế kệ trồng bằng sắt chắc chắn; trang bị máy tách hạt nước để tưới nước bằng hệ thống phun sương; đầu tư nhà sấy nấm bằng năng lượng mặt trời; sử dụng thiết bị đóng gói nấm thành phẩm... Qua đó, góp phần tạo ra sản phẩm sạch, đáp ứng nhu cầu của thị trường.
Trồng nấm linh chi phải tuân thủ nghiêm ngặt kỹ thuật trồng nấm. Nhà trồng phải tuyệt đối sạch sẽ, thông thoáng. Nhiệt độ và độ ẩm trong nhà phải giữ ổn định ở mức độ cho phép: nhiệt độ 30oC, độ ẩm 80%. Ðể làm chủ những yếu tố trên, anh Sinh sử dụng công nghệ tưới nước tự động điều khiển bằng điện thoại thông minh giúp anh chủ động kiểm soát môi trường. Việc trang bị máy tách hạt nước dùng sóng siêu âm tần số cao giúp tách nước thành hạt sương nhỏ. Hạt sương này mang hơi ẩm khuếch tán khắp nhà trồng mà không đọng lại thành giọt nước trên bề mặt tai nấm, không làm tổn thương cây, bào tử trên tai nấm còn nguyên, không bị rửa trôi như cách tưới thông thường. Ðặc biệt, áp dụng các phương pháp công nghệ cao giúp cây nấm sinh trưởng và phát triển tốt, năng suất tăng khoảng 30% so với cách trồng truyền thống, đồng thời hạn chế tối đa công lao động trong quá trình chăm sóc. Ngoài ra, việc đầu tư nhà sấy nấm bằng năng lượng mặt trời giúp quá trình sấy khô sản phẩm được đảm bảo chất lượng, tránh những tác động của môi trường, thời tiết… Do đó, sản phẩm làm ra có giá trị kinh tế cao hơn so với phương pháp truyền thống.
Anh Sinh chia sẻ: "Nấm linh chi từ lúc đem phôi về trồng đến lúc thu hoạch khoảng 70 ngày. Sau khi thu hoạch, năng suất bình quân 25kg/1.000 bịch phôi. Hiện nay, sản phẩm nấm linh chi được bao tiêu đầu ra. Với 5 nhà trồng nấm, bình quân mỗi tháng anh thu hoạch 1 nhà. Trừ đi chi phí, mỗi nhà anh Sinh thu lợi nhuận trên dưới 60 triệu đồng.
Tìm hướng đi riêng
Ngoài nấm linh chi, hiện nay, anh Nguyễn Hùng Sinh còn đầu tư nhà lạnh, phát triển mô hình nuôi đông trùng hạ thảo nhân tạo số lượng 1.000 lọ phôi, trồng trên diện tích khoảng 10m2.
Hơn cả nấm linh chi, nuôi đông trùng hạ thảo đòi hỏi những yêu cầu kỹ thuật khắt khe. Ðông trùng hạ thảo được phát triển trong phòng kín với nhiệt độ, ánh sáng, độ ẩm, được điều chỉnh chính xác cho từng giai đoạn sinh trưởng. Môi trường cũng đảm bảo luôn sạch, an toàn và đầy đủ dinh dưỡng… "Nhiệt độ môi trường nuôi phải đạt từ 8-20oC và độ ẩm đạt từ 80-85%. Ðể đạt được môi trường lý tưởng này, tôi phải đầu tư hệ thống từ nhà trồng, trang thiết bị với kinh phí hơn 200 triệu đồng" - anh Sinh thông tin.
Theo anh Sinh, thực hiện theo đúng quy trình kỹ thuật, loại nấm này có thể nuôi được 3 đợt/năm. Sau khi trừ chi phí, mỗi đợt anh Sinh thu lợi nhuận hơn 30 triệu đồng. Với nguồn thu này, sau 2 năm, anh Sinh đã thu hồi vốn đầu tư ban đầu. Anh Sinh chia sẻ: "Ðông trùng hạ thảo từ lúc nuôi đến thu hoạch khoảng 2,5 tháng. Trung bình 1 đợt thu hoạch 15kg đông trùng hạ thảo tươi. Sau khi sấy (sấy lạnh), trọng lượng còn khoảng 1,5kg. Sản phẩm được bao tiêu đầu ra nên gia đình tôi rất yên tâm khi thực hiện mô hình"- anh Sinh chia sẻ.
Theo đánh giá của Hội Nông dân xã Thoại Giang, mô hình trồng nấm linh chi của anh Nguyễn Hùng Sinh mang lại hiệu quả kinh tế cao so với các loại cây trồng khác. Ðặc biệt, đối với đông trùng hạ thảo, đây là mô hình khá mới không chỉ tại ở địa phương mà cả trong tỉnh An Giang. Tuy nhiên, để phát triển mô hình này không phải chuyện dễ dàng, do chi phí đầu tư cao, thêm vào đó là loại cây trồng này đòi hỏi phải có kỹ thuật, kinh nghiệm mới có thể trồng thành công. Vì vậy, nông dân muốn trồng loại nấm này phải tìm hiểu kỹ, nắm chắc về khoa học - kỹ thuật cũng như quy trình trồng…
Bài, ảnh: PHI ĐIỆP - (baocantho.com.vn)
T/h: H.Phong (dongbang.vn)