Hiệu quả chuyển đổi cây trồng

Thứ ba, 28 Tháng 7 2020 07:15 (GMT+7)
Không chỉ góp phần quan trọng vào tái cơ cấu sản xuất ngành nông nghiệp mà việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng thời gian qua của huyện Phụng Hiệp còn giúp cho nhiều địa phương xây dựng thành công xã nông thôn mới (NTM).
Mô hình sản xuất lúa an toàn là một trong 5 mô hình đột phá của huyện. Ảnh: DUY KHÁNH
 
Cách đây 3 năm, hộ ông Trần Hoài Phong, ở xã Phụng Hiệp, huyện Phụng Hiệp mạnh dạn bỏ mía chuyển sang trồng đu đủ. Với diện tích gần 3.000m2, vườn đu đủ mỗi năm mang về thu nhập cho gia đình ông Phong hơn 100 triệu đồng, cao gấp 5-6 lần so cây mía.
 
Ông Phong chia sẻ: “Mía là cây trồng gắn bó nhiều năm, nhưng năm nào cũng lỗ khiến nông dân không thể đeo nổi. Vậy nên, khi địa phương có chủ chương chuyển đổi cây trồng, gia đình tôi đã mạnh dạn thực hiện. Hàng năm, nếu trồng mía chỉ kiếm được từ 5-7 triệu đồng/công thì mỗi công đu đủ có thể cho thu nhập từ 30-35 triệu đồng”.
 
Cũng nhờ định hướng người dân đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng mà xã Phụng Hiệp đã tiến nhanh về đích NTM. Nếu như năm 2016, xã Phụng Hiệp chỉ mới đạt 9/19 tiêu chí thì sau 3 năm tập trung xây dựng, xã đã được trên công nhận đạt chuẩn NTM vào đầu tháng 7 này. Đến nay, toàn xã có 37 mô hình sản xuất cho thu nhập từ 100-300 triệu đồng/ha/năm, tăng 10 mô hình so năm 2018; góp phần nâng cao thu nhập cũng như chất lượng đời sống người dân trong xã.
 
Hiện thu nhập bình quân đầu người của xã đạt hơn 46 triệu đồng/năm, tăng hơn 30 triệu đồng so thời điểm 9 năm trước. Ông Nguyễn Văn Túc, Chủ tịch UBND xã Phụng Hiệp, cho biết là xã nông nghiệp nên trong quá trình xây dựng NTM, địa phương luôn chú trọng công tác tuyên truyền, vận động người dân chuyển đổi cây trồng để nâng cao thu nhập trên cùng diện tích đất canh tác.
 
“Thay vì vận động người dân chuyển đổi đất mía sang trồng cây ăn trái như các địa phương khác trong huyện thì ở đây, chúng tôi linh hoạt định hướng người dân xây dựng những mô hình sản xuất phù hợp với tập quán canh tác của địa phương, như: trồng dưa hấu, rẫy dây… để giúp họ cải thiện nhanh đời sống”, ông Túc nhấn mạnh.
 
Theo ngành chuyên môn huyện, sau 3 năm thực hiện Nghị quyết số 04 của Huyện ủy về “Chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi gắn xây dựng mô hình phát triển bền vững, giai đoạn 2017-2020”, huyện đã vận động người dân trên địa bàn chuyển đổi hơn 1.300ha đất trồng mía kém hiệu quả và cải tạo 1.000ha vườn tạp để chuyển sang trồng các loại cây cho giá trị kinh tế cao, góp phần tái cơ cấu cây trồng, phá thế độc canh cây lúa và mía.
 
Tính đến cuối năm 2019, toàn huyện có 20.000ha lúa, 6.000ha mía và 8.800ha cây ăn trái. Đáng ghi nhận là trong quá trình chuyển đổi, huyện đã kêu gọi được trên 20 công ty, doanh nghiệp, đại lý ký kết hợp đồng bao tiêu nhiều loại nông sản tiềm năng như khóm MD2, mãng cầu xiêm và chanh không hạt... Chưa kể, các nông sản được bao tiêu sản phẩm đều cho thu nhập cao hơn từ 20-30% so hình thức bán cho thương lái bên ngoài.
 
Quá trình triển khai, thực hiện nghị quyết còn giúp cho nhiều địa phương trong huyện xây dựng được vùng chuyên canh cây ăn trái đặc sản cho giá trị kinh tế cao. Ông Đỗ Văn Chánh, ở xã Long Thạnh, cho rằng: “Nhờ chính quyền địa phương đẩy mạnh chuyển đổi cây trồng mà trên địa bàn ấp Long Trường 3, đã hình thành một số vùng sản xuất chuyên canh như: mít Thái, chanh không hạt”.
 
Cùng với việc vận động người dân chuyển đổi cây trồng, huyện Phụng Hiệp còn triển khai, thực hiện 5 mô hình đột phá trong sản xuất trên quy mô lớn. Nổi bật là mô hình trồng chanh không hạt theo hướng an toàn trên diện tích 265ha, dự kiến sẽ tăng lên 500ha trong thời gian tới; mô hình sản xuất dưa lưới trong nhà kính với diện tích 14.000m2 tại xã Bình Thành.
 
Hay mô hình trồng rau an toàn trong nhà lưới theo hướng an toàn, kết hợp với hệ thống tưới thông minh trên diện tích 1.500m2 ở các xã Phụng Hiệp, Phương Phú và thị trấn Kinh Cùng; mô hình sản xuất lúa an toàn hướng đến hữu cơ gắn với xây dựng cánh đồng lớn và tiêu thụ sản phẩm trên diện tích 1.000ha; mô hình nuôi lươn trên bể bạt sử dụng thức ăn công nghiệp.
 
Ông Trần Văn Tuấn, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện, khẳng định: “Đó là những mô hình sản xuất mẫu cho bà con tham quan học tập trước khi nhân rộng, từng bước xây dựng nền nông nghiệp hiện đại. Bởi trong quá trình thực hiện, người dân đã thay đổi tập quán canh tác, mạnh dạn áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Tất nhiên, các mô hình sẽ được doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm với giá thu mua cao hơn thị trường từ 10-20%”.
 
Chủ tịch UBND huyện Nguyễn Chí Hùng nói Phụng Hiệp là vùng đất nông nghiệp nên địa phương xác định phải đi lên từ nông nghiệp và theo hướng nông nghiệp công nghệ cao. Vì vậy, thời gian qua, địa phương đã có nhiều chỉ đạo, ban hành nhiều chương trình, kế hoạch mà cụ thể là Nghị quyết số 04 để thúc đẩy lĩnh vực nông nghiệp của huyện phát triển.
 
“Qua 3 năm thực hiện, Nghị quyết số 04 đã thực sự mang lại hiệu quả tích cực trong việc cải thiện đời sống người dân, tạo tiền đề quan trọng để các địa phương trong huyện đẩy mạnh thực hiện chương trình xây dựng NTM. Đến nay, Phụng Hiệp đã có 6/12 xã đạt chuẩn NTM, hoàn thành mục tiêu xây dựng NTM giai đoạn 2015-2020 đã đề ra”, ông Hùng nhấn mạnh.
 
Quá trình chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên địa bàn còn góp phần nâng cao giá trị sản xuất ngành nông nghiệp của huyện trong nhiệm kỳ qua (2015-2020) đạt hơn 17.000 tỉ đồng, tăng bình quân 0,59% năm. Hiện giá trị sản xuất mỗi héc-ta đất nông nghiệp đạt 133,5 triệu đồng, tăng 30,5 triệu đồng so với năm 2015.
DUY KHÁNH - NGUYỄN GIA - (baohaugiang.com.vn)
T/h: H.Phong (dongbang.vn)

Bài viết mới nhất của Ngành Giống nông sản - Thủy sản