Người dân băn khoăn tiếp tục trồng sầu riêng hay cây khác

Thứ sáu, 14 Tháng 8 2020 10:21 (GMT+7)
Là loại cây nhạy cảm với độ mặn nên đợt hạn, mặn vừa qua, cây sầu riêng bị ảnh hưởng nghiêm trọng, có nhiều vườn cây bị chết hoàn toàn. Bước vào mùa mưa, sầu riêng vẫn còn xảy ra hiện tượng chết cây. Vì vậy, nhiều nhà vườn vẫn tiếp tục đốn bỏ sầu riêng để cải tạo đất, chuyển sang trồng lứa sầu riêng mới hoặc bỏ hẳn sầu riêng để chuyển sang trồng giống cây khác nhằm tránh thiệt hại nếu hạn mặn lại xảy ra.
Bà Cao Thị Hồng Diêu, xã Tân Phú, huyện Châu Thành thuê người đốn bỏ sầu riêng bị chết do nhiễm mặn để trồng lứa sầu riêng mới.
Bà Cao Thị Hồng Diêu, xã Tân Phú, huyện Châu Thành thuê người đốn bỏ sầu riêng bị chết do nhiễm mặn để trồng lứa sầu riêng mới.
 
Lựa chọn của người trồng sầu riêng
 
Hạn kéo dài, mặn xâm nhập sâu, phần lớn hộ trồng sầu riêng trên địa bàn tỉnh đều không có đủ nguồn nước dự trữ hoặc không đủ kinh phí để mua nước ngọt tưới cây. Vì vậy, nhiều vườn sầu riêng không thể cầm cự qua mùa hạn mặn để chờ mưa đến.
 
Vì hoàn cảnh khó khăn nên bà Cao Thị Hồng Diêu, xã Tân Phú, huyện Châu Thành không đủ kinh phí mua nước ngọt tưới cho 2.000m2 sầu riêng. Hạn mặn kéo dài khiến vườn sầu riêng 7 năm tuổi của gia đình bà chết dần.
 
Chúng tôi đến nhà bà Diêu đúng hôm có thợ đến cắt bỏ cây sầu riêng. Bà Diêu cho biết, mong chờ mưa xuống sẽ cứu cây. Nhưng mưa xuống, cây sầu riêng vẫn chết dần dù có cây đang ra lá non. Buồn và xót là nỗi niềm của bà Diêu khi phải chứng kiến cây sầu riêng bị đốn hạ. Nhưng, không còn lựa chọn nào khác, bởi cây không còn khả năng phục hồi.
 
Đốn bỏ cây sầu riêng đã chết, bà Diêu tiếp tục đặt niềm hy vọng vào lứa sầu riêng mới. Bởi theo bà, gia đình có diện tích đất ít nên chỉ có cây sầu riêng mới giúp đem lại giá trị kinh tế cao hơn các loại cây trồng khác.
 
Trước thách thức của hạn hán, xâm nhập mặn trong những năm tiếp theo nhưng nhiều gia đình ở Tân Phú (Châu Thành) vẫn giữ lại cây sầu riêng - loại cây truyền thống của nhiều gia đình. Vườn sầu riêng 6.000m2 nhà bà Cao Thị Kim Chi vẫn chờ thợ cắt bỏ cây để cải tạo đất nhưng bà Chi đã mua sẵn hơn 100 gốc cây giống sầu riêng để trồng. Hạn mặn đợt vừa qua khiến gia đình bà Chi lỗ nặng khi vừa tốn tiền nước tưới, lại thất thu vì sầu riêng kém chất lượng, giá bán thấp kỷ lục.
 
Bà Cao Thị Kim Chi vẫn tiếp tục gắn bó với cây sầu riêng vì theo bà, sau đợt hạn mặn vừa qua đã giúp gia đình bà có kinh nghiệm ứng phó với hạn mặn để cứu cây như: đầu tư ao trữ nước sớm, khoan giếng lấy nước để tưới cây…
 
Do hạn kéo dài, mặn xâm nhập sâu khiến hầu hết đất vườn đều bị nhiễm mặn. Khi mùa mưa xuống, phèn trong đất xì lên làm cây sầu riêng chết nhiều hơn. Hiện nay, hiều nhà vườn ở các xã: Tân Phú, Phú Túc (huyện Châu Thành), Hòa Nghĩa, Long Thới (huyện Chợ Lách) có nhu cầu đốn bỏ sầu riêng để cải tạo đất.
 
Ông Trần Văn Bia, xã Hòa Nghĩa, huyện Chợ Lách thuê thợ cắt bỏ hết 4.000m2 vườn sầu riêng gần 20 năm tuổi vì cây đã bị nhiễm mặn chết. Không dám mạo hiểm với cây sầu riêng, khi mà dự báo hạn mặn có thể xảy ra, ông Bia dự tính bỏ hẳn cây sầu riêng, cải tạo vườn, chuyển sang trồng các loại cây có múi như bưởi, chanh...
 
Ông Nguyễn Văn Phương, thợ cắt cây ở huyện Châu Thành cho biết, từ khi hạn mặn xảy ra, rất nhiều gia đình liên hệ ông đến cắt bỏ cây sầu riêng. Từ đầu tháng 2-2020 đến nay, ông Phương đã đốn gần 1.000 cây sầu riêng chết do hạn mặn. Từ nay cho đến Tết 2021, ông cần đốn tỉa khoảng 1.000 cây nữa theo yêu cầu của nhà vườn.
 
Băn khoăn và lo lắng        
 
Bỏ cây sầu riêng để chuyển sang loại cây mới phù hợp với điều kiện thời tiết khắc nghiệt hay tiếp tục trồng lại sầu riêng để có kinh tế cao là nỗi băn khoăn hiện nay của hầu hết người trồng sầu riêng ở tỉnh.
 
Phó chủ tịch UBND xã Tân Phú, huyện Châu Thành Phạm Hoàng Khôi cho biết, người dân và chính quyền địa phương rất lo lắng về nguồn nước ngọt để sản xuất. Nếu tái đầu tư lại cây ăn quả, trong đó có cây sầu riêng thì nguồn nước tưới ở đâu để cung cấp khi hạn kéo dài và xâm nhập sâu. Nếú chuyển sang trồng các loại cây có khả năng chịu mặn như cam, chanh, bưởi hoặc nhãn… thì liệu rằng có đem lại hiệu quả kinh tế cao và các loại cây thay thế có bị rơi vào điệp khúc “được mùa mất giá” nếu chuyển đổi ồ ạt… Rất nhiều băn khoăn và lo lắng mà người nông dân đang phải trăn trở với sự lựa chọn về loại cây trồng trong thời điểm này.
 
Theo Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Võ Văn Nam,  sau đợt hạn mặn vừa qua, có gia đình đốn bỏ sầu riêng để chuyển sang trồng loại cây khác, nhưng cũng có gia đình vẫn tiếp tục gắn bó với cây sầu riêng. Hầu hết người dân chuyển đổi đều chọn các loại cây chủ lực đem lại hiệu quả kinh tế cao như bưởi da xanh; những gia đình giữ lại sầu riêng thì có giải pháp đảm bảo nguồn nước phục vụ tưới tiêu.
 
Đến lúc này, đã có người trồng loại cây mới, có người tiếp tục gắn bó với cây sầu riêng và có người chưa biết lựa chọn cây gì. Vì vậy, giải pháp đảm bảo có nguồn nước ngọt phục vụ sản xuất và trồng cây gì để đem lại hiệu quả kinh tế cao là điều mà các cấp, các ngành cần sớm có hướng dẫn cụ thể cho người dân.
 
Toàn tỉnh có trên 2.000ha diện tích trồng sầu riêng, tập trung ở huyện Châu Thành và Chợ Lách. Theo Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh, hiện vẫn chưa có số liệu thống kê về diện tích sầu riêng bị chết, bị thiệt hại và bị ảnh hưởng do hạn mặn. Các địa phương vẫn đang thống kê diện tích sầu riêng bị thiệt hại và ảnh hưởng do mặn để tổng hợp.
Bài, ảnh: Viết Duyên - (baodongkhoi.vn) 
T/h: H.Phong (dongbang.vn)

Bài viết mới nhất của Ngành Giống nông sản - Thủy sản