Trạm Trồng trọt và Bảo thực vật huyện quan sát cách trồng dưa an toàn trong nhà kính của gia đình ông Hải.
Vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm đang là mối quan tâm của tất cả mọi người, đặc biệt là trong giai đoạn hiện nay. Vệ sinh an toàn thực phẩm không những ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe, chất lượng cuộc sống mà còn quyết định uy tín của thương hiệu sản phẩm thực phẩm.
Hiện nay, sản xuất ra thực phẩm sạch được huyện Long Mỹ chú trọng thực hiện trong chuyển đổi cây trồng, vật nuôi. Ông Dương Ngọc Hải, Phó Chủ tịch UBND huyện Long Mỹ, cho biết: Trong phát triển kinh tế nông nghiệp, huyện đang hướng người dân sản xuất theo hướng an toàn, sạch để bảo vệ sức khỏe, môi trường và đáp ứng yêu cầu của thị trường. Theo đó, huyện tập trung cho nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, đồng thời phát triển các mô hình sản xuất liên kết phát triển bền vững. Đẩy mạnh tuyên truyền người dân ứng dụng công nghệ sinh học, vi sinh trong nông nghiệp, khuyến khích nông dân thay đổi tập quán canh tác, sử dụng phân bón hữu cơ thay thế cho phân bón vô cơ để nông sản hữu cơ trở thành thế mạnh và thương hiệu của địa phương.
Trong tổng diện tích đất sản xuất các loại, sản xuất nông nghiệp hữu cơ đang dần hiện hữu với nhiều mô hình sản xuất khác nhau. Điển hình như mô hình trồng dưa lưới trong nhà kính ở ấp 7, xã Lương Nghĩa. Ông Trần Việt Hải, ở ấp 7, xã Lương Nghĩa, chia sẻ: “Trước đây, phần đất ruộng của gia đình tôi chỉ cho người khác thuê để làm ruộng. Nhưng nay gia đình đã đầu tư nhà kính, chuồng trại để trồng dưa lưới, nuôi lươn thịt, sinh sản và nuôi bò thịt. Khi đi vào sản xuất, gia đình tôi đặt mục tiêu là sản xuất theo tiêu chuẩn sạch, hữu cơ để góp phần bảo vệ sức khỏe cho người tiêu dùng, đồng thời bảo vệ cho môi trường”.
Sản xuất theo hướng bền vững đã giúp gia đình ông Hải gặt hái thành công và giải quyết việc làm ổn định cho 20 lao động mỗi ngày. Chỉ riêng 6.000m2 trồng dưa lưới, mỗi tháng thu hoạch 2 đợt khoảng 6 tấn, trừ hết các chi phí, gia đình ông thu lợi nhuận trên 40 triệu đồng.
Sản xuất sạch, an toàn là chủ trương của huyện Long Mỹ hiện nay. Ông Lương Tiến Sĩ, viên chức Trạm Trồng trọt và Bảo vệ thực vật huyện Long Mỹ, chia sẻ: Theo chủ trương của huyện là sản xuất nông nghiệp theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP được xây dựng trên các cây trồng chủ lực của huyện. Trên cơ sở đó, hình thành thói quen ghi chép nhật ký và việc thực hiện này đã mang lại hiệu quả đối với huyện trong thời gian qua như Hợp tác xã Bưởi da xanh của huyện đã đăng ký được vùng trồng trên cây có múi và được xuất khẩu ở thị trường châu Âu.
Để đạt tiêu chuẩn này trên cây có múi là vấn đề không đơn giản, tuy nhiên huyện Long Mỹ đã làm được. Hiện nay, theo chỉ đạo của Bí thư Huyện ủy là tiếp tục thực hiện cho ghi chép nhật ký đối với những hộ trồng bưởi có diện tích lớn để tạo tiền đề trong việc thực hiện đăng ký trong thời gian tới. Bên cạnh đó, huyện còn tập trung vào các loại cây có thế mạnh khác như mãng cầu xiêm, chanh không hạt, khóm và sản xuất lúa chất lượng cao. Ngành nông nghiệp đã hướng dẫn người dân sử dụng thuốc bảo vệ thực vật theo 4 đúng, thu gom và xử lý vỏ chai, lọ thuốc bảo vệ thực vật qua sử dụng đúng cách; tăng cường công tác tuyên truyền, vận động người dân sản xuất nông nghiệp theo hướng an toàn, hiệu quả.
Song song với sản xuất sạch, hữu cơ, để kinh tế nông nghiệp trên phát triển bền vững, tạo thành chuỗi giá trị liên kết, hiện nay huyện Long Mỹ tập trung củng cố và nâng cao chất lượng hoạt động của các hợp tác xã nông nghiệp. Tính đến nay, toàn huyện có 25 hợp tác xã, trong đó 24 hợp tác xã nông nghiệp và 1 hợp tác xã phi nông nghiệp và có 36 tổ hợp tác đang hoạt động.
Thời gian qua, huyện luôn quan tâm đến công tác đào tạo nghề nông thôn và tập huấn kỹ thuật cho nông dân. Trong những tháng đầu năm nay huyện đã mở được 13 lớp tập huấn đào tạo nghề nông nghiệp cho lao động nông thôn; phối hợp Ban Quản lý dự án VnSAT tỉnh tổ chức 28 lớp tập huấn cho người dân về 1 phải 5 giảm. Hỗ trợ vốn cho hợp tác xã nâng cấp, sửa chữa tổ hợp cống, trạm bơm điện để phục vụ cho sản xuất nông nghiệp. Đồng thời, tập huấn kỹ thuật sản xuất, tọa đàm về lĩnh vực nông nghiệp, tham quan các mô hình sản xuất nông nghiệp có hiệu quả và thực hiện tư vấn trực tiếp cho nông dân về kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt, nuôi trồng thủy sản, góp phần giải đáp những khó khăn, vướng mắc cho người dân trong quá trình sản xuất.
Ông Lê Hồng Việt, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Long Mỹ, cho biết: Hiện nay, phòng tập trung đẩy nhanh tiến độ thực hiện nguồn vốn sự nghiệp, hỗ trợ hệ thống tưới cho mô hình chanh không hạt, thực hiện đề án chuyển đổi cây trồng theo Nghị định 62. Theo đó, trọng tâm trong tháng này là theo dõi và chăm sóc tốt các vụ lúa trong năm 2020. Tăng cường kiểm tra, theo dõi sát tình hình, chủ động dự báo, hướng dẫn nông dân phòng trừ kịp thời, hiệu quả các dịch hại trên cây trồng. Đồng thời theo dõi, hỗ trợ người dân trong việc tìm kiếm thị trường, liên kết tiêu thụ sản phẩm. Chủ động trong công tác phòng, chống dịch bệnh các loại trên gia súc, gia cầm. Tăng cường tuyên truyền, nâng cao ý thức cảnh giác của người dân trong công tác phòng, chống dịch bệnh nguy hiểm. Hỗ trợ các địa phương xây dựng mô hình sản xuất lúa sử dụng phân bón thông minh...
Tổng diện tích lúa của huyện trong vụ Thu đông năm 2020 xuống giống được 2.677ha. Còn cây rau màu đến nay đã xuống giống trên 3.956ha, tăng 29% so cùng kỳ, với sản lượng bình quân ước đạt 47.362 tấn. Về cây ăn trái, tổng diện tích toàn huyện trên 3.689ha, tăng 5% so với cùng kỳ và sản lượng ước đạt trên 35.491 tấn, tăng 18,7% so với cùng kỳ. Trong đó, diện tích cây khóm 498,13ha; mãng cầu xiêm 140,65ha, diện tích cây có múi 865,69ha và còn lại diện tích cây ăn trái khác trên 2.325ha.
|
Bài, ảnh: T.XOÀN - (baohaugiang.com.vn)
T/h: H.Phong (dongbang.vn)