Tạo mối liên kết bền vững giữa nông dân, doanh nghiệp trong chuỗi giá trị sen

Thứ sáu, 04 Tháng 9 2020 07:23 (GMT+7)
Tổng hợp mô tả một cách chi tiết đặc tính các giống sen hiện có; thống kê nhu cầu doanh nghiệp (DN) cần; liên kết nông dân, DN; có những chính sách phát triển hợp lý để từ đó có sự hỗ trợ, ươm mầm đối với những cá nhân, DN tâm huyết với sen... Đây là các giải pháp được các đại biểu đưa ra tại buổi toạ đàm về “Nâng cao hình ảnh và giá trị Sen Đồng Tháp” do Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) phối hợp với UBND huyện Tháp Mười tổ chức, chiều ngày 1/9.
Tiến sĩ Dương Văn Ni phát biểu tại hội thảo
 
Tại hội thảo, Tiến sĩ Dương Văn Ni - Trường Đại học Cần Thơ phát biểu: “chúng ta hay nói đến tính liên kết giữa các bên không bền vững, nông dân không tin tưởng DN hay DN cần nguồn nguyên liệu ổn định, sạch nhưng không đủ cung cấp....Thay vì vậy, các bên cùng ngồi lại bàn bạc từng vấn đề cụ thể như DN cần diện tích sen sạch bao nhiêu, nông dân đáp ứng đủ bao nhiêu và nếu DN cần giống sen khác nhà nước sẽ đứng ra nhờ các nhà khoa học nghiên cứu lai tạo, đáp ứng yêu cầu DN. Như vậy, sẽ có lời giải cho bài toán chuỗi giá trị ngành hàng sen”.

Tiến sỹ Ngô Thị Thu Trang đề xuất cần có những chính sách phát triển hợp lý cho các chủ thể tham gia chuỗi giá trị
 
Theo Tiến sĩ Ngô Thị Thu Trang - Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TP.HCM - người có nhiều năm nghiên cứu - yêu sen Đồng Tháp cho rằng, để đảm bảo có nguồn nguyên liệu sen quanh năm cung ứng cho DN, Đồng Tháp cần có chính sách chuyển đổi từ lúa sang sen, hoặc xen canh lúa - sen theo từng khu vực trên địa bàn để khuyến khích người dân chuyển đổi và thực hiện hiệu quả mô hình từ sen.
 
Cùng với đó, địa phương nên đẩy mạnh công tác truyền thông đối với ngành hàng; đa dạng hóa sản phẩm tạo giá trị đặc thù riêng cho chuỗi giá trị Đồng Tháp như tinh dầu sen, trang sức về sen, tơ sen...; gia tăng giá trị các sản phẩm từ sen gắn với phát triển các sản phẩm dịch vụ du lịch như ngắm cảnh đồng sen, thưởng thức ẩm thực, tìm hiểu các giá tri ̣văn hóa gắn với sen, mua sắm sản vâṭ từ sen; sử dụng công nghệ phần mềm, thương mại điện tử trong kết nối đầu ra sản phẩm…
 
Đồng tình với những ý kiến của các chuyên gia, nhà khoa học, các DN cũng bày tỏ mong muốn tỉnh Đồng Tháp quy hoạch hình thành một vùng nguyên liệu riêng, sản xuất theo yêu cầu và đảm bảo chất lượng để sản xuất sản phẩm xuất sang các thị trường khó tính. Riêng đối với nông dân, hy vọng địa phương và các nhà khoa học nghiên cứu tìm giống sen mới, thay thế giống sen hiện có bởi với hiện tượng chạy dây, thoái hóa ngó giai đoạn sắp thu hoạch như sen hiện nay gây khó khăn cho nông dân trong vấn đề duy trì và phát triển bền vững loại cây trồng này.

Theo ông Nguyễn Phước Thiện thông tin về định hướng cơ giới hóa, các chính sách hỗ trợ thiết bị trong sản xuất cho ngành hàng sen
 
Ông Nguyễn Phước Thiện - Giám đốc Sở NN&PTNT thông tin, Đồng Tháp hiện có trên 850ha trồng sen và có trên 20 mặt hàng từ sen (chủ yếu là thực phẩm), hiện đã xây dựng thương hiệu “sen Tháp Mười”, diện tích sen phát triển nhiều tại huyện Tháp Mười và huyện Cao Lãnh. Để phát triển bền vững ngành hàng trong thời gian tới, ngành nông nghiệp mong muốn các nhà khoa học hỗ trợ nghiên cứu giống cây trồng, quy trình sản xuất xen canh trên cùng một diện tích để mang lại hiệu quả cho người trồng sen. Song song đó, về định hướng cơ giới hóa, ngành chuyên môn sẽ khảo sát và thực hiện các chính sách hỗ trợ thiết bị bóc vỏ, lấy tim sen… với điều kiện nông dân liên kết, đối ứng thực hiện với quy mô, số lượng lớn.
 
Từ năm 2015 đến nay, các ý tưởng kinh doanh du lịch gắn với sen tại Đồng Tháp được xúc tiến ngày càng mạnh mẽ. Thành công ấn tượng nhất của ngành du lịch Đồng Tháp là đã định vị rõ nét và xây dựng tương đối tốt hình ảnh nhận diện của địa phương. Lợi thế vượt trội của Đồng Tháp khi xúc tiến đẩy mạnh ý tưởng kinh doanh du lịch gắn với sen là có vùng trồng với cảnh quan sinh thái gắn với sen đang triển khai các dịch vụ cung ứng cho du khách, có hệ thống hàng hóa phong phú từ sen...
 
Mặc dù đã có những tín hiệu khả quan cho chuỗi phát triển ngành hàng sen, nhưng theo đánh giá, khó khăn trong chuỗi giá trị ngành hàng sen là diện tích trồng sen trên địa bàn tỉnh hiện nay có sự sụt giảm khá lớn so với trước đây; thêm vào đó, thiếu sự liên kết hữu cơ giữa các tác nhân tham gia vào chuỗi giá trị ngành hàng, nhất là DN và nông dân trong việc mua bán sản phẩm; một số ngành hàng sen còn đơn giản, chưa được đầu tư phát triển; khai thác phát triển ngành hàng sen phục vụ cho phát triển du lịch nông thôn còn nhiều vấn đề nan giải.
Mẫn Nhy - (baodongthap.vn)
T/h: H.Phong (dongbang.vn)

Bài viết mới nhất của Ngành Giống nông sản - Thủy sản