Mô hình nuôi thỏ hiệu quả từ Dự án AMD

Thứ tư, 16 Tháng 9 2020 10:21 (GMT+7)
Mô hình chăn nuôi thỏ của ông Nguyễn Văn Phước, ấp An Phước, xã An Thới, huyện Mỏ Cày Nam khá thành công nhờ sự hỗ trợ của Dự án AMD Bến Tre.
Ông Nguyễn Văn Phước chăm sóc đàn thỏ.
Ông Nguyễn Văn Phước chăm sóc đàn thỏ.
 
Năm 2018, chăn nuôi heo biến động về giá cả, dịch bệnh gia tăng, ông Phước quyết định xuất chuồng đàn heo (30 con), chuyển sang nuôi thỏ thương phẩm. Nguồn vốn ban đầu là 39 triệu đồng, trong đó, Dự án AMD Bến Tre hỗ trợ 15 triệu đồng. Ông Phước đã tận dụng chuồng heo cải tạo lại thành chuồng thỏ. Khởi đầu với 12 con (10 cái, 2 đực) với giá 150 ngàn đồng/kg. Ông Phước cho biết, nguồn giống và kỹ thuật đều được Công ty Thỏ miền Nam (đối tác dự án) cung cấp. Nuôi thỏ không đơn giản, phải nắm vững kỹ thuật mới có thể nuôi hiệu quả. Chuồng thỏ phải được xây dựng nơi thoáng mát, khô ráo, tránh mưa nắng dội trực tiếp; sàn cao, nền lót không được làm bằng cây mục nát dễ sinh bệnh cho vật nuôi.
 
Ông Tư Phước lưu ý, thỏ thường ăn những loại cây trên cao như: lá đinh lăng, cây hoàng ngọc, thân cây chuối, tera (chè lá to), ăn những cây bò dưới mặt đất nhưng phải sạch sẽ và thông khô. Để đủ nguồn thức ăn cho thỏ, ông luôn trồng những loại cây cỏ xen trong 6 công đất dừa.
 
Hiện tại, chuồng nuôi thỏ nhà ông Tư Phước có 50 con cái. Theo chu kỳ (1 cái đẻ 5 con), cứ sau 100 ngày có thể bán (thỏ thịt), trung bình từ 2,2 - 2,5kg, với giá sàn 50 ngàn đồng/kg (Công ty Thỏ miền Nam bao tiêu), trừ hết chi phí mỗi con lãi khoảng 50 ngàn đồng. Từ nuôi thỏ ông có thêm thu nhập bình quân trên 5 triệu đồng/tháng.
 
 Hướng tới, ông Phước mở rộng thêm chuồng trại, phát triển lên 100 con cái. Mặc dù thu nhập không cao, nhưng dễ làm, phù hợp cho những hộ nghèo vượt khó vươn lên. Nhờ đó, Nhóm hợp tác nuôi thỏ An Thới đã ra đời, do ông Phước làm nhóm trưởng. Hiện nhóm tiếp tục nâng lên thành tổ hợp tác (17 hộ tham gia). Mô hình này được nhân rộng ra 30 hộ ở các xã khác. Đối với những hộ khó khăn, tùy hoàn cảnh, ông Phước có hướng giải quyết, giúp đỡ khác nhau. 
 
Ông Trần Thanh Tùng - Chủ tịch Hội Nông dân xã An Thới cho biết: Đây là mô hình chăn nuôi hiệu quả thiết thực, cần được nhân rộng. Nuôi thỏ dù thu nhập không cao, nhưng bước đầu giúp người dân thoát nghèo, ổn định cuộc sống. Ông Phước là Chi hội trưởng Chi hội Nông dân ấp được Hội Nông dân huyện, Hội Cựu chiến binh tỉnh khen thưởng với thành tích nông dân sản xuất giỏi năm 2019.
 
Bài, ảnh: Lê Đệ - (baodongkhoi.vn)
T/h: H.Phong (dongbang.vn)

Bài viết mới nhất của Ngành Giống nông sản - Thủy sản