Xây dựng thương hiệu dâu tằm Hai Thuận

Thứ ba, 29 Tháng 9 2020 07:31 (GMT+7)
Nằm ở vùng ngoại ô của TP. Long Xuyên (An Giang), vườn dâu Hai Thuận (ấp Bình Hòa 2, xã Mỹ Khánh) trở thành địa điểm lý tưởng cho những ai thích hòa mình với thiên nhiên, tự tay khám phá vườn cây, hái trái. Với việc được thẩm định, xét công nhận sản phẩm OCOP cấp tỉnh (Chương trình mỗi xã 1 sản phẩm tỉnh An Giang), sản phẩm nước cốt dâu tằm tươi Hai Thuận ngoài phục vụ tại chỗ, còn có cơ hội mở rộng thị trường.
Giới thiệu sản phẩm nước cốt dâu tằm
 
“Biến” đất ruộng thành vườn sinh thái
 
Nhìn quy mô vườn du lịch dâu tằm Hai Thuận hôm nay, ít người biết rằng, loại cây trồng trước đây vốn được biết đến nhiều ở Đà Lạt lại mọc ngay trên nền đất ruộng An Giang. Cách nay hơn 10 năm, chú Nguyễn Văn Thuận (Hai Thuận, ngụ tổ 3, ấp Bình Hòa 2, xã Mỹ Khánh, TP. Long Xuyên) là người mang cây dâu tằm về “trồng thử ăn chơi” bên hông nhà. “Thấy cây dâu tằm phát triển tốt trên nền đất ruộng, tôi đã nhân giống ra trồng thêm. Một số người trong xóm lại chơi, bẻ trái dâu ăn thấy ngon nên truyền miệng với nhau về vườn dâu. Vậy là có thêm nhiều người đến tham quan, ăn thử, hỏi mua mang về. Thấy khách có nhu cầu, gia đình tôi quyết định mở rộng vườn dâu kết hợp làm du lịch sinh thái” - chú Hai Thuận nhớ lại.
 
Được sự ủng hộ, giúp sức tích cực của người con trai Nguyễn Văn Đoàn, chú Hai Thuận đã thành lập được vườn dâu tằm Đà Lạt trên vùng đất anh hùng Mỹ Khánh. Ban đầu, đường vào vườn dâu rất khó đi, đường đất nhỏ hẹp lại qua một số cầu gỗ yếu nên ngay cả những người đi xe máy cũng có phần ngán ngại, nhất là vào mùa mưa. Những năm gần đây, cùng với nỗ lực xây dựng nông thôn mới, chính quyền xã Mỹ Khánh đã tận dụng các nguồn lực đầu tư, nguồn vận động xã hội hóa nâng cấp hệ thống giao thông nông thôn, trong đó có tuyến đường ra vườn dâu tằm Hai Thuận.
 
Đường được nâng cấp, các cầu sắt yếu được thay thế bằng cầu bê-tông vững chãi, du khách vào vườn cũng thuận lợi hơn. Để đáp ứng nhu cầu của du khách, ngoài trái dâu tằm tươi, vườn dâu tằm Hai Thuận còn phục vụ các thức uống được chế biến từ trái dâu tằm, các dịch vụ ăn uống với các món đồng quê. Trên ao nước, chủ vườn cho xây dựng các tum trên ao để du khách ngồi chơi, phục vụ bơi xuồng, câu cá và các dịch vụ khác.
 
Cơ hội quảng bá
 
Cùng với vườn dâu tằm Hai Thuận, tại ấp Bình Hòa 2 đã hình thành thêm một số vườn dâu phục vụ du khách. Tuy nhiên, vườn dâu tằm Hai Thuận vẫn là địa chỉ thu hút nhiều khách nhất.
 
Chú Nguyễn Văn Thuận cho biết, qua tìm hiểu về công dụng quý của dâu tằm, gia đình đã sản xuất nhiều sản phẩm từ dâu tằm như: mứt dâu, rượu dâu, nước cốt dâu, sirô dâu, sinh tố dâu… Trong đó, nước cốt dâu tằm tươi mang thương hiệu Hai Thuận là sản phẩm chủ lực, tâm đắc nhất. “Dịp cuối tuần, gia đình tôi thường vô vườn dâu Hai Thuận chơi, cho tụi nhỏ hái dâu, câu cá. Chúng tôi đặt cơm trưa rồi ở lại chơi đến chiều mới về. Không khí ở đây yên tĩnh, rộng, thoáng mát, thích hợp nghỉ ngơi. Sau khi thưởng thức tại chỗ, tôi thường mua 4-5 chai nước cốt dâu tằm tươi về để tủ lạnh dùng dần. Nước cốt dâu tằm khi pha cùng ít nước đá uống rất ngon, dễ có giấc ngủ sâu, thức dậy cảm giác khoan khoái. Có những người quen từ TP. Hồ Chí Minh về ghé chơi, tôi tặng ít chai nước cốt dâu tằm về làm quà, họ rất thích”- chị Tô Thị Lan Phương (phường Mỹ Bình, TP. Long Xuyên) chia sẻ.
 
Anh Nguyễn Văn Đoàn cho biết, để làm được loại nước cốt dâu ngon, nguyên chất, phải sử dụng trái dâu chín tươi, rửa sạch rồi trộn với đường đem ủ lên men ra nước, chắt ra đóng chai bán, không pha trộn thêm bất cứ chất bảo quản hay loại hóa chất nào. “Trái dâu tằm khi chín màu đỏ đậm hoặc tím đen. Trái dâu giàu chất dinh dưỡng, có công hiệu bổ thận, sáng mắt, giải độc rượu, táo bón, tăng cường sức khỏe, thông khí huyết...” - anh Đoàn giới thiệu.
 
Từ năm 2015, anh Đoàn đã liên hệ các cơ quan chức năng đăng ký thương hiệu, nhãn hiệu, quyền sở hữu trí tuệ sản phẩm nước cốt dâu tằm tươi Hai Thuận, tiếp đến là các sản phẩm sirô dâu, mứt dâu… Trong đó, sản phẩm nước cốt dâu tằm tươi Hai Thuận là một trong những sản phẩm đã được Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP tỉnh An Giang xếp hạng OCOP 3 sao trong đợt đánh giá cuối tháng 8 vừa qua (đợt 3 năm 2020). “Được công nhận OCOP cấp tỉnh là niềm vinh dự của gia đình. Từ đây, chúng tôi sẽ đẩy mạnh quảng bá, giới thiệu sản phẩm để không chỉ tiêu thụ trong tỉnh mà còn đưa sản phẩm nước cốt dâu tằm tươi cùng các sản phẩm khác mang thương hiệu Hai Thuận vươn xa ra cả nước” - anh Đoàn quyết tâm.
 
Để đến được vườn dâu tằm Hai Thuận, du khách đi theo đường Võ Văn Hoài (dưới chân cầu Tôn Đức Thắng), qua cầu Cái Chiêng rẽ phải, chạy thẳng đến cầu Mương Mẹt, rẽ trái đi khoảng 300m là đến nơi.
Bài, ảnh: NGÔ CHUẨN - (baoangiang.com.vn)
T/h: H.Phong (dongbang.vn)

Bài viết mới nhất của Ngành Giống nông sản - Thủy sản