Mạo hiểm đầu tư
Vài năm trở lại đây, việc áp dụng tiến bộ khoa học- kỹ thuật vào sản xuất để cho ra nông sản sạch, bảo đảm sức khỏe người tiêu dùng và là giải pháp nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu đã dần được nông dân trên địa bàn huyện Cần Đước mạnh dạn đầu tư. Trong đó, phải kể đến mô hình trồng dưa lưới ứng dụng công nghệ Israel được anh Võ Hoàng Trọng, ngụ ấp 5, xã Long Sơn, thực hiện đầu tiên.
Trồng dưa lưới theo công nghệ Israel mang lại hiệu quả kinh tế cao
Sau chuyến đi tham quan ở Đà Lạt và biết đến cách sản xuất rau, quả trong hệ thống nhà màng có nhiều ưu điểm hơn cách sản xuất truyền thống, anh Trọng đã mạnh dạn đầu tư mô hình nhà màng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao với hệ thống công nghệ tưới nhỏ giọt kiểu Israel cho 3.500m2 đất, mang lại hiệu quả cao. Anh Trọng cho biết: “Sau khi tham quan nhiều mô hình và học hỏi được nhiều kinh nghiệm, tôi đã thuê 7.000m2 đất trong thời gian 8 năm để trồng dưa lưới, trong đó, xây dựng nhà màng 3.500m2, với khoảng 2.500 gốc dưa lưới, phần đất còn lại sử dụng làm các khu vực phụ trợ. Từ tháng 4/2019, tôi thu hoạch 10 đợt, mỗi đợt cách nhau khoảng 70-75 ngày, năng suất từ 3,5-4 tấn/nhà màng, thu nhập khoảng 100 triệu đồng mỗi đợt. Giá trung bình ổn định bán cho siêu thị khoảng 35.000 đồng/kg, giá bán lẻ 60.000 đồng/kg. Tuy nhiên, từ đầu năm 2020 đến nay, do ảnh hưởng dịch bệnh Covid-19, giá rất thấp, chỉ có 18.000 đồng/kg, cộng với thời tiết mưa nhiều gây ngập úng, hàng trăm cây chết, chi phí nhân công lao động nên tôi có lãi không cao”.
Hệ thống trồng dưa lưới của anh Trọng được lắp đặt nhà màng và hệ thống tưới, phía trên được che nylon đặc biệt, bên trong lắp đặt một loạt hệ thống điều khiển tự động, gồm: Cáp treo dây, lưới cắt nắng, điều hòa không khí và tưới nhỏ giọt theo công nghệ Israel. Nhà màng giúp chắn mưa và ngăn côn trùng xâm nhập, do đó không cần sử dụng thuốc bảo vệ thực vật.
Cũng theo anh Trọng, để dưa lưới phát triển đồng đều, cần thường xuyên cắt tỉa dây và theo dõi lượng nước cung cấp hàng ngày theo từng thời điểm phát triển của cây, nhất là giai đoạn cây ra hoa kết trái, vì dưa được trồng trong nhà màng sẽ không có ong bướm thụ phấn tự nhiên. Dưa không trồng trực tiếp xuống đất mà được trồng trong chậu gồm mạt cưa trộn xơ dừa, thêm một ít phân chuồng và phân vô cơ tạo chất dinh dưỡng nuôi cây. Đặc biệt, anh đang hướng tới xây dựng mô hình và sản xuất theo chuỗi giá trị, đăng ký thương hiệu và dán tem truy xuất nguồn gốc. Đây là hướng đi phù hợp với xu thế sản xuất nông nghiệp sạch hiện nay nhằm cung cấp cho người tiêu dùng sản phẩm an toàn, chất lượng cao và tăng hiệu quả sản xuất nông nghiệp.
Cần nhân rộng
Hiện nay, xã Long Trạch cũng có khoảng 4.000m2 đất trồng dưa lưới trong nhà màng, áp dụng công nghệ tưới nhỏ giọt của anh Nguyễn Hoàng Vũ. Anh Vũ chia sẻ: “Trồng dưa lưới có lợi thế ít người trồng và hiệu quả cao. Với 1.000m2, tôi trồng khoảng 2.400 dây dưa lưới. Dưa được trồng ứng dụng khoa học và công nghệ, chỉ sử dụng các chế phẩm sinh học nên cho năng suất cao, bảo đảm chất lượng, mỗi trái nặng từ 1,5-1,7kg, bán với giá 32.000-33.000 đồng/kg. Trung bình mỗi vụ, tôi có lợi nhuận vài chục triệu đồng”. Theo kinh nghiệm trồng dưa của anh Vũ, nếu dưa lưới được trồng ngoài tự nhiên thì năng suất kém, màu sắc trái không đẹp, cây dễ bị sâu, bệnh. Do vậy, việc phát triển mô hình trồng dưa lưới trong nhà màng hoàn toàn phù hợp với điều kiện khí hậu, thời tiết của địa phương; đồng thời, áp dụng những biện pháp kỹ thuật sẽ là một giải pháp an toàn, mang lại hiệu quả kinh tế. “Trồng dưa lưới là mô hình sản xuất mới cần được nhân rộng, góp phần chuyển biến nhận thức cho nông hộ canh tác nông nghiệp theo hướng an toàn và bền vững, tạo ra sản phẩm nông nghiệp chất lượng và an toàn” - anh Vũ nói.
Tuy nhiên, hiện nay, người dân vùng thượng huyện Cần Đước cũng gặp khó khăn về vấn đề thoát nước. Theo anh Vũ và anh Trọng, trồng rau, quả ứng dụng công nghệ cao mang lại hiệu quả. Tuy nhiên, người trồng còn gặp nhiều khó khăn do không có hệ thống thoát nước. Mong địa phương, ngành chức năng hỗ trợ xây dựng hệ thống thoát nước để người dân sản xuất hiệu quả, nhân rộng mô hình.
Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Cần Đước - Nguyễn Hồng Chương cho biết: “Có thể thấy, trước nhu cầu thị trường về những loại nông sản sạch, bảo đảm sức khỏe người tiêu dùng và trong bối cảnh sản xuất nông nghiệp phải chịu nhiều tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu thì việc đầu tư lắp đặt nhà màng, nhà lưới cùng những hệ thống tưới tiết kiệm đang là hướng đi đúng đắn trong sản xuất nông nghiệp và cũng là một trong những giải pháp góp phần thực hiện Đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp ở địa phương. Thời gian tới, địa phương tuyên truyền người dân sản xuất ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật để nâng cao hiệu quả sản xuất, đời sống”./.
Huỳnh Phong - Kim Thoa - (baolongan.vn)
T/h: H.Phong (dongbang.vn)