Bưởi da xanh vùng đất phèn, mặn đạt chuẩn VietGAP

Thứ hai, 02 Tháng 11 2020 07:26 (GMT+7)
Với sự hỗ trợ, giúp đỡ của Trung tâm Thông tin và Ứng dụng khoa học công nghệ - Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh, mô hình trồng bưởi da xanh trên vùng đất phèn, mặn đầu tiên của tỉnh đã đạt chứng nhận tiêu chuẩn VietGAP trong niềm vui mừng của nhà vườn.
Kỹ sư Trịnh Hồng Nhung (thứ 3 từ phải sang), chủ nhiệm dự án đang chia sẻ niềm vui cùng bà con nông dân trồng bưởi khi dự án thực hiện thành công.
 
Huyện Long Mỹ là một trong những vùng đất bị nhiễm phèn nặng và thường xuyên chịu ảnh hưởng của xâm mặn vào mùa khô hàng năm của tỉnh. Vì vậy, tình hình sản xuất nông nghiệp của người dân nơi đây luôn đối mặt với không ít khó khăn, thất bát và thua lỗ. Do đó, với mục tiêu giúp người dân huyện Long Mỹ thay đổi tư duy sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp để góp phần nâng cao giá trị, nguồn thu nhập trên cùng diện tích đất canh tác, vào tháng 11-2017, Trung tâm Thông tin và Ứng dụng khoa học công nghệ đã đăng ký và được Hội đồng khoa học cấp tỉnh đồng ý cho triển khai thực hiện dự án khoa học về “Xây dựng mô hình ứng dụng khoa học kỹ thuật phát triển vùng chuyên canh bưởi da xanh đạt tiêu chuẩn VietGAP”. Theo đó, trung tâm đã chọn vùng đất phèn, mặn ở ấp 2, thị trấn Vĩnh Viễn, huyện Long Mỹ, để thực hiện dự án và sau gần 3 năm, hiện dự án đã thành công.
 
Kỹ sư Trịnh Hồng Nhung, chủ nhiệm dự án, chia sẻ: Những ngày đầu triển khai dự án, nhóm thực hiện gặp không ít khó khăn về nhiều mặt, nhất là việc vận động bà con lên liếp, đắp mô trồng bưởi da xanh. Bởi nhiều người dân nơi đây không tin rằng, đối với vùng đất phèn mặn của địa phương mà có thể trồng được cây bưởi da xanh đạt chuẩn VietGAP. Dù có khó khăn nhưng với sự quyết tâm của tập thể nhóm thực hiện dự án, đặc biệt là sự đồng tình ủng hộ của bà con nên mô hình mang lại thành công.
 
Theo đó, khi được sự thống nhất của người dân, nhóm thực hiện dự án đã tiến hành lấy mẫu đất và nước để phân tích những chỉ số có trong đất, từ đó đưa ra nguồn phân bón phù hợp để dần cải tạo lại chất lượng nguồn đất, nước. Bên cạnh đó, nhóm thực hiện dự án còn tổ chức đánh giá lại chất lượng một số vườn bưởi da xanh tại địa điểm thực hiện dự án để tìm ra và có hướng khắc phục những mặt hạn chế. Đặc biệt, nhóm thực hiện dự án đã tổ chức nhiều buổi tập huấn, hội thảo để hướng dẫn người dân các quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP.
 
Ông Đặng Văn Út, hộ dân có hơn 1ha bưởi da xanh được gần 3 năm tuổi nằm trong dự án, cho biết: “Nhìn vườn bưởi xanh tốt, trĩu trái như thế này là nằm ngoài sự tưởng tượng của tôi và bà con nơi đây. Ban đầu, gia đình tôi cũng e ngại việc chuyển đổi từ đất lúa để lên liếp trồng bưởi da xanh vì nghĩ rằng sẽ không hiệu quả. Tuy nhiên, với sự thuyết phục của chính quyền địa phương và nhóm thực hiện dự án nên tôi đã đồng ý. Khi tham gia dự án, bà con được hỗ trợ 50% cây giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật và được chuyển giao nhiều tiến bộ kỹ thuật trong canh tác bưởi, nhất là khâu xử lý đất. Nhờ vậy, hiện các vườn bưởi nằm trong dự án đều đang phát triển tốt”.
 
Chung niềm phấn khởi, ông Trần Văn Tôn, có hơn 1ha bưởi da xanh nằm trong dự án và là Giám đốc Hợp tác xã Tiến Nông, ở ấp 2, thị trấn Vĩnh Viễn, cho hay: “Sau thời gian dài bỏ công sức thực hiện thì nay nhà vườn nơi đây đã thu về thành quả khi những trái bưởi da xanh đầu tiên tại nhiều vườn nằm trong dự án đã bắt đầu cho thu hoạch và mang lại hiệu quả kinh tế cao”.
 
Theo tính toán của nhà vườn, với những vườn bưởi đang xanh tốt và có từ 3 - 4 năm tuổi như trong mô hình thì có thể cho năng suất khoảng 20 tấn trái/ha. Với trọng lượng trái dao động từ 1,4-2kg, giá bán bình quân trong lúc này là 35.000 đồng/kg thì mỗi 1ha bưởi (khoảng 450 cây) có thể cho nguồn thu nhập khoảng 700 triệu đồng/năm. Đây được xem là mức thu nhập ngoài sức tưởng tượng đối với người dân vùng đất phèn, mặn như huyện Long Mỹ, từ đó mô hình đang tạo ấn tượng và niềm vui cho nông dân. Bên cạnh đó, điều mà nhà vườn trồng bưởi trong dự án càng phấn khởi khi được nhiều thương lái thu mua bưởi đánh giá chất lượng bưởi nơi đây rất đạt yêu cầu. Theo đó, tép bưởi có màu hồng đỏ bó chặt, dễ tách khỏi vách múi, có vị ngọt thanh và ít hạt, trái bưởi bóng bẩy và có màu xanh hơi vàng khi chín, cùng với vỏ mỏng. Đặc biệt, với việc áp dụng nghiêm ngặt các quy trình về sản xuất bưởi an toàn thực phẩm theo tiêu chuẩn VietGAP nên mới đây toàn bộ gần 22ha bưởi da xanh của bà con nằm trong dự án được trao giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP.
 
Bà Nguyễn Thị Kiều, Giám đốc Trung tâm Thông tin và Ứng dụng khoa học công nghệ, cho biết: Dự án thành công đã giúp nông dân huyện Long Mỹ thêm nhiều kiến thức về kỹ thuật trồng bưởi da xanh, từ đó nâng cao năng suất, chất lượng và nguồn thu nhập cho bà con. Ngoài ra, khi được công nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP còn giúp trái bưởi nơi đây tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường và hình thành nguồn hàng chất lượng cao đáp ứng nhu cầu trong nước và xuất khẩu. Từ sự thành công của dự án sẽ là cơ sở để ngành chức năng huyện Long Mỹ xem xét tiếp tục nhân rộng cho những diện tích bưởi còn lại trên địa bàn huyện, qua đây từng bước xây dựng và hình thành được vùng nguyên liệu lớn cho trái bưởi da xanh.
 
Bài, ảnh: HỮU PHƯỚC - (baohaugiang.com.vn)
T/h: H.Phong (dongbang.vn)

Bài viết mới nhất của Ngành Giống nông sản - Thủy sản