Nhân rộng mô hình trồng mận phủ lưới

Thứ tư, 04 Tháng 11 2020 10:13 (GMT+7)
Được sự hỗ trợ của Hội Nông dân (HND) phường Thới Long, quận Ô Môn, nhiều nông dân ở khu vực Thới Thạnh Đông tham gia tổ hợp tác (THT) trồng mận phủ lưới. Nhờ liên kết sản xuất, nông dân đã ứng dụng hiệu quả khoa học kỹ thuật vào sản xuất, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm. Hiện nay, ở khu vực có nhiều thành viên trong THT có thu nhập trên 100 triệu đồng/năm nhờ mô hình trồng mận phủ lưới.
Ứng dụng mô hình trồng mận phủ lưới, các thành viên THT trồng mận ở khu vực Thới Thạnh Đông giảm chi phí chăm sóc, mận đạt năng suất cao.
 
Năm 2018, THT trồng mận phủ lưới khu vực Thới Thạnh Ðông được thành lập, với 30 thành viên, diện tích canh tác 16,8ha. Theo ông Trần Hiếu Nghĩa, Tổ trưởng THT trồng mận phủ lưới, giống mận được các thành viên THT chọn trồng chủ yếu là mận An Phước và mận Hồng đào đá. Nhờ trồng mận phủ lưới, người trồng nhẹ công chăm sóc, hạn chế sâu bệnh nên hiệu quả kinh tế đạt được khá cao. Anh Ðoàn Bé Năm, ở khu vực Thới Thạnh Ðông, cho biết: “Gia đình tôi có 6 công vườn trồng mận An Phước và Hồng đào đá, trong đó 2 công đang thu hoạch, 4 công đang trong giai đoạn phát triển, chuẩn bị cho trái. Hai công mận đang thu hoạch được trồng theo mô hình phủ lưới, trung bình thu hoạch hơn 10 tấn trái, thu nhập trên 100 triệu đồng/năm”.
 
Anh Năm thường xuyên tham quan, học tập kinh nghiệm từ chủ các vườn mận hiệu quả trên địa bàn thành phố và dự các lớp tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật, để ứng dụng vào sản xuất. Anh đã xử lý thành công cho mận ra trái nghịch vụ để bán được giá cao. Theo anh Năm, xử lý cho mận ra hoa vào tháng 5-6 âm lịch để đến tháng 8-9 là có mận thu hoạch. Hiện tại, mận của THT có đầu ra ổn định, tùy vào thời điểm, các giống mận An Phước và Hồng đào đá được thu mua từ 6.000-25.000 đồng/kg.
 
Trước khi trồng mận, anh Năm trồng cam xoàn, nhưng cây bị bệnh vàng lá, chi phí đầu tư lớn mà hiệu quả kinh tế không cao. Những năm gần đây, ruồi đục trái là nỗi ám ảnh của nhà vườn, cứ 4 ngày, các nhà vườn phải phun thuốc bảo vệ thực vật. Tuy nhiên, từ khi phủ lưới đến nay, mận cho năng suất rất cao, chất lượng mận đảm bảo. Ðể mận có trái to, bán được giá, anh Năm chăm bón rất kỹ, từ lúc cây mới ra hoa, cắt tỉa những cành kém hiệu quả và cho cây mang lượng trái vừa đủ. Nhờ chăm sóc đúng theo quy trình, vườn mận của anh Năm lúc nào cũng xanh tốt, trái xum xuê...
 
Mô hình trồng mận phủ lưới đạt hiệu quả cao, ngoài nỗ lực của nông dân, các cấp HND đóng vai trò quan trọng trong việc tạo điều kiện cho hội viên tiếp cận nguồn vốn vay phát triển mô hình và ứng dụng khoa học kỹ thuật vào thực tế sản xuất. Ông Võ Văn Thảo, ở khu vực Thới Thạnh Ðông nói: “Năm 2019, tôi được HND thành phố tạo điều kiện vay 40 triệu đồng chăm sóc vườn mận. Nhờ có nguồn vốn, tôi mua phân, thuốc đầu tư chăm sóc vườn mận phát triển xanh tốt. Với 3 công mận An Phước, trung bình mỗi năm tôi thu nhập được hơn 150 triệu đồng, trừ chi phí còn lời khoảng 100 triệu đồng”.
 
Ông Nguyễn Thành Long, Chủ tịch HND phường Thới Long, cho biết: “Trên địa bàn phường có 588ha vườn cây ăn trái, trồng chủ yếu là mận, nhãn, mít và cam. Trong đó, mô hình trồng mận phủ lưới ở khu vực Thới Thạnh Ðông là mô hình đạt hiệu quả kinh tế cao, được nhiều nông dân lựa chọn đầu tư. Những năm qua, ngoài việc phối hợp tổ chức các lớp tập huấn về kỹ thuật trồng và chăm sóc cây ăn trái, HND phường còn tạo điều kiện để các hội viên tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi. Hiện tại, trên địa bàn phường có 606 hội viên vay trên 15 tỉ đồng để phát triển sản xuất. Riêng THT trồng mận ở khu vực Thới Thạnh Ðông được HND thành phố phát vay 500 triệu đồng, giúp nông dân cải tạo, chăm sóc vườn mận. Nhìn chung, các hội viên sử dụng nguồn vốn đúng mục đích, có thu nhập ổn định”.
 
Bài, ảnh: THANH THƯ - (baocantho.com.vn)
T/h: H.Phong (dongbang.vn)

Bài viết mới nhất của Ngành Giống nông sản - Thủy sản