Các nhà vườn đang tích cực phục hồi và chăm sóc vườn cây ăn trái để giữ vững sản lượng, chất lượng sản phẩm. Ảnh: H.THU
Diện tích, sản lượng tăng
Theo Cục Trồng trọt, toàn vùng ĐBSCL có khoảng 362.000ha cây ăn trái, chiếm hơn 34% tổng diện tích cây ăn trái của cả nước. Từ năm 2013 đến nay, diện tích cây ăn trái không ngừng tăng với mức bình quân khoảng 4,2%/năm. Khoảng 10 năm gần đây, kim ngạch xuất khẩu rau quả của cả nước tăng ấn tượng; trong đó năm 2019 giá trị xuất khẩu rau quả đạt 3,7 tỉ USD, tăng 3,2 tỉ USD so với năm 2010.
Diện tích cây ăn trái ở đồng bằng sông Cửu Long không ngừng tăng. Ảnh: H.TÂN
Những năm gần đây, năng suất, sản lượng các loại trái cây ở ĐBSCL không ngừng tăng lên nhờ việc áp dụng tiến bộ kỹ thuật, tăng cường đầu tư thâm canh, tuyển chọn sử dụng giống mới; đặc biệt là xoài, chôm chôm, khóm, chuối, cam, bưởi. Ngoài ra, chủng loại cây ăn trái của vùng cũng khá phong phú, nhiều loại cây ăn trái được tuyển chọn như xoài cát Hòa Lộc, xoài cát chu, sầu riêng cơm vàng hạt lép Ri6, bưởi da xanh... Đối với sản lượng thanh long tăng gấp 20 lần (hơn 500.000 tấn), bưởi tăng 0,5 lần (gần 100.000 tấn), sầu riêng tăng 5 lần (khoảng 300.000 tấn), riêng xoài dù diện tích tăng ít nhưng sản lượng tăng thêm khoảng 200.000 tấn do tăng cường thâm canh, đây là chủng loại có thị trường tiêu thụ mạnh cả trong nước và xuất khẩu với giá cao và tương đối ổn định.
Việc rải vụ trái cây cũng được các địa phương tăng cường thực hiện nhằm tạo điều kiện tốt cho tiêu thụ, giá cao, hiệu quả sản xuất; rải vụ giảm áp lực đầu ra khi sản lượng tập trung vào chính vụ, giúp giá trái cây ổn định, hiệu quả sản xuất rải vụ cao hơn chính vụ. Có 5 loại trái cây là thanh long, chôm chôm, sầu riêng, nhãn, xoài tại các tỉnh ĐBSCL được thực hiện tương đối thuận lợi về tiêu thụ. Giá bán 5 loại trái cây rải vụ tiếp tục ổn định, hiệu quả sản xuất rải vụ cao hơn từ 1,5 đến 2 lần so với chính vụ.
Mặt được là vậy, tuy nhiên diện tích cây ăn trái vẫn còn phân tán, nhỏ lẻ, không tập trung; khó khăn cho đầu tư cơ sở hạ tầng, tổ chức liên kết sản xuất và kiểm soát chất lượng sản phẩm. Hiện chỉ có một số loại cây như thanh long, chuối, cây có múi… đang hình thành vùng sản xuất tập trung quy mô tương đối lớn. Bên cạnh đó, mùa khô năm 2019-2020 đến sớm, hạn, mặn gay gắt kéo dài gây bất lợi cho cây ăn trái. Diện tích cây ăn trái vùng ĐBSCL bị ảnh hưởng khô hạn, xâm nhập mặn khoảng 25.000ha. Nguyên nhân do khô hạn kéo dài, thiếu nước ngọt tưới, một số nơi không thể vận chuyển nước được, dẫn đến đất khô không đủ ẩm; đất bị xì phèn, nước nhiễm phèn. Nước mặn xâm nhập (rò rỉ qua bờ bao, thẩm thấu) ảnh hưởng nghiêm trọng trên những vườn không có đê bao khép kín. Nhiều vườn cây bị sốc do môi trường bất lợi vì có những cơn mưa đầu mùa cây ra lá, rễ non nhưng sau đó nắng nóng kéo dài thêm 20-30 ngày, tiếp tục khô hạn làm rễ và đọt non bị tổn thương, cây không còn đủ sức phục hồi.
Ở Hậu Giang, tổng diện tích cây ăn trái chiếm 41.568ha. Tuy nhiên, nhiều ngày qua, triều cường trên các sông, kênh rạch dâng cao gây ngập úng cục bộ các vườn cây ăn trái trên địa bàn tỉnh với diện tích 2.906ha. Ngành nông nghiệp tỉnh cũng đã khuyến cáo nhà vườn thường xuyên chăm sóc, vệ sinh vườn và phòng trừ sinh vật gây hại, bơm thoát nước nhanh tránh để ứ đọng nước mưa gây ngập úng rễ. Ngoài ra, hướng dẫn người dân gia cố bờ bao để phòng tránh thiệt hại do nước lũ về và triều cường dâng cao. Bên cạnh đó, ngành chuyên môn và các địa phương trong tỉnh cũng tiếp tục hỗ trợ người dân trong việc tìm kiếm thị trường, liên kết tiêu thụ sản phẩm cây ăn trái để giúp đầu ra sản phẩm trái cây của nông dân được thuận lợi.
Tăng cường quản lý mã số
Bộ NN&PTNT đã đề nghị các tỉnh ĐBSCL khẩn trương khôi phục lại vườn cây ăn trái sau hạn hán, triều cường, mưa bão. Tập trung rửa mặn cho đất, dùng nước ngọt tưới thường xuyên để rửa trôi muối tích tụ trong đất, bón vôi, phục hồi bộ rễ và bộ lá; sử dụng phân hữu cơ sinh học, phòng trừ sâu bệnh kịp thời, tăng cường sử dụng các chế phẩm sinh học để tưới cho cây… Gia cố đê bao, bơm thoát nước để bảo vệ vườn cây ăn trái. Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Quốc Doanh lưu ý, mặc dù hiện nay ở ĐBSCL đang vào mùa lũ, nhưng ngay từ bây giờ các địa phương cần chuẩn bị phương án ứng phó với hạn, mặn của mùa khô năm 2020-2021, bởi theo dự báo có khả năng tương đương mùa khô năm 2015-2016. Dự kiến diện tích cây ăn trái ở ĐBSCL có khả năng bị ảnh hưởng hạn, mặn khoảng 80.500ha; vì vậy các địa phương cần khoanh vùng cụ thể theo từng chủng loại cây, từng khu vực, khảo sát hệ thống thủy lợi, cân đối nguồn nước, ưu tiên chăm sóc các loại cây mẫn cảm với mặn. Xây dựng các phương án bảo vệ cho từng vùng sản xuất cây ăn trái dưới các mức độ ảnh hưởng của hạn, mặn khác nhau. Đánh giá tính thích nghi của một số cây trồng phù hợp với từng loại đất, nhằm có định hướng phát triển lâu dài.
Đối với cấp mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói, ông Lê Văn Thiệt, Phó cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật cho hay, đến nay ở các thị trường khó tính đã cấp được 998 mã số vùng trồng; trong đó các mã số được cấp nhiều nhất là cho thị trường Hoa Kỳ (471), Australia và New Zealand (393), Hàn Quốc (199)... Ngoài ra, đã cấp 47 mã số cơ sở đóng gói cho nông sản xuất khẩu sang các thị trường này. Đối với thị trường Trung Quốc, đã có nhiều tỉnh gửi văn bản đề nghị và đã cấp được hơn 1.700 mã số vùng trồng. Riêng khu vực ĐBSCL hiện đã cấp hơn 600 mã vùng trồng và khoảng 1.000 cơ sở đóng gói phục vụ xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc.
Trong thời gian qua việc kiểm tra, giám sát các vùng trồng, cơ sở đóng gói được thực hiện cơ bản đáp ứng yêu cầu. Tuy nhiên, tháng 6-2020, Tổng cục Hải quan Trung Quốc thông báo cho cơ quan Kiểm dịch thực vật Việt Nam về 220 lô xoài (khoảng 3.300 tấn, trong tổng số 750.000 tấn đã xuất khẩu sang Trung Quốc trong năm 2019 và 2020) vi phạm quy định về kiểm dịch thực vật với nhiều nguyên nhân khác nhau. Phía Trung Quốc yêu cầu tạm ngưng xuất khẩu xoài từ 12 vùng trồng và 18 cơ sở đóng gói có liên quan, để phối hợp điều tra nguyên nhân, đề xuất khắc phục và nâng cao công tác quản lý; trong đó nhiều nhất là Tiền Giang (có 15 mã số nhà đóng gói và vùng trồng), An Giang (7 mã)…
Theo Cục Bảo vệ thực vật, tỷ lệ số mã số cơ sở đóng gói và vùng trồng đang bị phía Trung Quốc tạm ngưng xuất khẩu không lớn, nhưng điều này cho thấy việc kiểm tra, quản lý mã số vùng trồng đối với các sản phẩm nông sản xuất khẩu cần chấn chỉnh kịp thời. Nếu không kiểm tra, giám sát tốt sẽ làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín của nông sản Việt Nam trên thị trường quốc tế, ảnh hưởng đến lợi ích nông dân. Thậm chí nguy cơ mất thị trường, không thể xuất khẩu được, nếu thường xuyên có các vùng trồng, cơ sở đóng gói vi phạm quy định của nước nhập khẩu…
H.TÂN - H.THU - (baohaugiang.com.vn)
T/h: H.Phong (dongbang.vn)