Đàn gia cầm nuôi tại hộ gia đình phát triển tốt trên địa bàn quận Bình Thủy, TP Cần Thơ.
Hỗ trợ tái đàn
Ông Lê Trung Hoàng, Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y TP Cần Thơ, cho biết: “Ðể ổn định phát triển đàn gia súc, gia cầm trên địa bàn thành phố, ngành Thú y đã phối hợp với các địa phương tổ chức tập huấn, hướng dẫn người chăn nuôi tái đàn, khôi phục sản xuất, chuyển đổi chăn nuôi phù hợp với lợi thế của địa phương và tăng cường phòng, chống dịch bệnh theo chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), UBND thành phố… Ðến nay, người chăn nuôi đã tái đàn heo đạt khoảng 90% tổng đàn heo của thành phố so với thời điểm trước khi xảy ra dịch tả heo châu Phi. Trong đó, có 58 trang trại chăn nuôi mới tái đàn với tổng đàn là 3.780 con, góp phần đáp ứng nhu cầu thực phẩm trong dịp Tết Nguyên đán 2021 sắp tới...”.
Thời gian qua, việc tái đàn gia súc, gia cầm, khôi phục sản xuất gặp nhiều khó khăn, bất cập sau khi dịch tả heo châu Phi chấm dứt. Ðiển hình phương thức chăn nuôi của người dân còn nhỏ lẻ, phân tán, chuồng trại chăn nuôi không đảm bảo điều kiện vệ sinh thú y; nguồn heo giống tại địa phương không đủ đáp ứng nhu cầu của người chăn nuôi, đồng thời giá heo giống luôn ở mức cao (khoảng từ 2,5-2,8 triệu đồng/con); giá thức ăn, thuốc thú y có xu hướng tăng; việc cải tạo chuồng trại để áp dụng các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học tốn nhiều chi phí nên người chăn nuôi chưa mạnh dạn đầu tư...
Ðể đảm bảo an toàn cho đàn gia súc, gia cầm, ngành Thú y tăng cường công tác phòng ngừa dịch cúm. Ðến nay, ngành đã hoàn thành kế hoạch tiêm phòng cúm gia cầm đợt 1 và 2 năm 2020, với gần 1,894 triệu con gia cầm được tiêm phòng, trong đó có 376.511 con gà, hơn 1,517 triệu con vịt được tiêm phòng. Tỷ lệ tiêm phòng đối với đàn gà đạt 51,17%/tổng đàn; đàn vịt tỷ lệ tiêm phòng là 82,77%/tổng đàn. Hiện tỷ lệ tiêm phòng đàn gà thấp do người dân nuôi phân tán, nhỏ lẻ. Ngoài ra, ngành Thú y còn cung cấp nhiều loại vắc-xin tiêm phòng các bệnh truyền nhiễm khác (dịch tả ở vịt, Newcatle, Gum, tụ huyết trùng gia cầm...) theo yêu cầu của người chăn nuôi với tổng số liều là 717.745 liều.
Ðối với gia súc, ngành Thú y đã hoàn thành kế hoạch tiêm phòng gia súc đợt 1 năm 2020 và hiện đang thực hiện kế hoạch tiêm phòng đợt 2 năm 2020. Kết quả tiêm phòng đợt 1 đạt 44% trên tổng đàn trâu; phòng, chống bệnh lở mồm long móng 2.327 con bò, đạt 59,21% trên tổng đàn; 41.030 con heo, đạt 40,36% trên tổng đàn; phòng chống bệnh tai xanh ở heo là 46.295 con, đạt 45,54% trên tổng đàn... Ngoài ra, ngành Thú y còn thực hiện tiêm phòng thường xuyên theo yêu cầu của người chăn nuôi. Từ đầu năm đến nay đã tiêm được 37.798 liều vắc-xin các loại cho gia súc (dịch tả heo, phó thương hàn…); triển khai vệ sinh, tiêu độc khử trùng tại khu vực chăn nuôi với diện tích 2.624.665m2 của 37.578 hộ chăn nuôi.
Phát triển chăn nuôi bền vững
Từ đầu năm đến nay, các loại dịch bệnh: lở mồm long móng gia súc, tai xanh ở heo, dịch tả heo châu Phi, dại chó, mèo không xảy ra. Tuy nhiên, bệnh cúm gia cầm H5N1 đã xảy ra tại 1 hộ chăn nuôi gà thuộc khu vực Tân Qui, phường Trường Lạc, quận Ô Môn, TP Cần Thơ. Tổng đàn gia cầm trong ổ dịch là 1.970 con (gà 42 ngày tuổi), số mắc bệnh 1.600 con, số chết 1.066 con, số tiêu hủy là 1.963 con. Dịch bệnh kịp thời được dập tắt, không lây lan. Ông Lê Trung Hoàng nhận định: “Ðến thời điểm này, tình hình dịch bệnh trên gia súc, gia cầm tại TP Cần Thơ giảm nhiều so với cùng kỳ năm 2019. Bệnh lở mồm long móng, dịch tả heo châu Phi, tai xanh, dại không xảy ra. Tuy nhiên, thời gian tới dịch bệnh trên gia súc, gia cầm có khả năng phát sinh và lây lan do tình hình dịch bệnh ở một số tỉnh lân cận đã và đang diễn ra hết sức phức tạp. Bà con chăn nuôi cần cảnh giác và nghiêm túc thực hiện các biện pháp phòng chống theo hướng dẫn của ngành Thú y”.
Xây dựng vùng, cơ sở, chuỗi cơ sở chăn nuôi an toàn dịch bệnh cũng được quan tâm thực hiện. Ðến nay, ngành Nông nghiệp đã thực hiện hỗ trợ chứng nhận VietGAHP cho 2 mô hình chăn nuôi (1 mô hình chăn nuôi heo; 1 mô hình chăn nuôi vịt) để tham gia chuỗi cung ứng và xác nhận thực phẩm an toàn; hiện có 3 chuỗi liên kết sản xuất và bao tiêu sản phẩm, gồm: 1 chuỗi liên kết sản xuất sữa bò tươi với sản lượng 2.000 tấn/năm, 1 chuỗi liên kết sản xuất thịt heo với sản lượng 50 tấn/tháng, 1 chuỗi cung ứng trứng vịt muối phục vụ cho xuất khẩu với sản lượng tiêu thụ 9,6-9,8 triệu quả/năm. Bên cạnh đó, ngành Nông nghiệp TP Cần Thơ vận động, hướng dẫn và có chính sách hỗ trợ người chăn nuôi áp dụng các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh; từng bước chuyển dần chăn nuôi nhỏ lẻ sang chăn nuôi theo quy mô gia trại, trang trại, kiểm soát an toàn dịch bệnh và bảo vệ môi trường theo định hướng nâng cao chất lượng đàn giống và phương thức chăn nuôi phù hợp gắn quy hoạch phát triển chăn nuôi, quy hoạch giết mổ và thị trường tiêu thụ; xây dựng mô hình liên kết sản xuất gắn với truy xuất nguồn gốc sản phẩm chăn nuôi; tăng cường kiểm tra, giám sát điều kiện chăn nuôi, điều kiện vệ sinh thú y đối với các trang trại, các cơ sở chăn nuôi và giết mổ gia súc, gia cầm...
Ông Phạm Trường Yên, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT TP Cần Thơ, nhấn mạnh: "Ngành Nông nghiệp tiếp tục tuyên truyền, hướng dẫn các hộ, cơ sở chăn nuôi heo tái đàn, khôi phục sản xuất sau dịch bệnh bằng các biện pháp cụ thể, nhằm đảm bảo an toàn dịch bệnh, đặc biệt là bệnh dịch tả heo châu Phi. Bên cạnh đó, ngành Nông nghiệp định hướng, khuyến khích phát triển chăn nuôi nông hộ theo phương thức chăn nuôi hữu cơ, gia trại, an toàn sinh học; giám sát và kiểm soát chặt chẽ dịch bệnh trên gia súc, gia cầm hiệu quả, không để xảy ra tình trạng tái nhiễm dịch bệnh...”.
Theo Sở NN&PTNT TP Cần Thơ, từ đầu năm đến nay, thành phố phát triển đàn bò được 4.680 con, đạt 98,5% kế hoạch, giảm 2,9% so với cùng kỳ; đàn heo 118.344 con, đạt 91,7% so với kế hoạch, tăng 53,9% so với cùng kỳ 2019; đàn gia cầm gần 2 triệu con, đạt 99,7% so với kế hoạch, giảm 0,7% so với cùng kỳ. Sản lượng thịt hơi các loại ước khoảng 31.090 tấn, đạt 81,8% kế hoạch; trứng gia cầm trên 78,2 triệu quả, đạt 85,1% kế hoạch. Trong đó, thịt trâu, bò cung ứng khoảng 40%, thịt heo khoảng 60%, thịt gia cầm khoảng 75% nhu cầu thị trường tại TP Cần Thơ, phần còn lại nhập từ các địa phương lân cận…
Bài, ảnh: HÀ VĂN - (baocantho.com.vn)
T/h: H.Phong (dongbang.vn)