Cán bộ HND phường Trung Kiên thăm hỏi tình hình sản xuất của thành viên Tổ hợp tác trồng rau an toàn khu vực Qui Thạnh 2. Ảnh: Đơn vị cung cấp
Chủ động phát triển sản xuất theo hướng "đa con", ông Nguyễn Văn Lành, ngụ tại khu vực Lân Thạnh 1, phường Trung Kiên, quận Thốt Nốt là một trong những điển hình phát triển kinh tế hộ gia đình ở địa phương. Ông Lành cho biết: "Hiện nay, với khoảng 4 công đất, gia đình tôi nuôi nhiều loài khác nhau. Chủ lực là nuôi cá rô đầu vuông trong vèo, từ năm 2000 đến nay. Do diện tích ao nhỏ hẹp nên tôi chỉ nuôi cá bố mẹ và cho cá sinh sản để bán cá bột. Không được qua trường lớp đào tạo nên tôi cố gắng tự nghiên cứu, học hỏi. Mỗi năm, tôi bán cá bột theo đơn đặt hàng từ các nơi, bình quân mỗi đợt tôi bán khoảng 3-4 triệu cá bột".
Ngoài mô hình này, ông Lành còn nuôi ba ba, cá trê vàng trên diện tích ao và tận dụng đất trống xung quanh nhà để nuôi thêm rắn hổ hành và bồ câu. Nhằm góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường và tạo ra nguồn thức ăn cho chăn nuôi, vừa qua, ông còn thử sức với mô hình nuôi ruồi lính đen. Ông chia sẻ: "Ấu trùng ruồi lính đen cũng là thức ăn để tôi nuôi cá. Bình quân, 3 ký ấu trùng ruồi lính đen tương đương với 1 ký thức ăn công nghiệp loại 40 độ đạm. Mô hình này đã giúp tôi tiết kiệm rất nhiều chi phí". Hiện nay, mô hình kết hợp của ông Thành thu nhập ít nhất 1 triệu đồng/ngày, kinh tế gia đình ngày càng ổn định, khấm khá.
Theo ông Nguyễn Chí Cường, Chủ tịch HND phường Trung Kiên, những năm qua, phong trào "Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững" được HND phường chú trọng thực hiện. Phong trào ngày càng lan tỏa, trở thành động lực giúp nông dân đổi mới tư duy sản xuất, làm giàu chính đáng. Qua phong trào, xuất hiện nhiều nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi, như: hộ ông Nguyễn Chí Thành, khu vực Qui Thạnh 2, nuôi ếch thịt cung cấp cho các siêu thị, lợi nhuận 110 triệu đồng/năm; hộ ông Lê Văn Tấn, khu vực Lân Thạnh 2, trồng nhãn Ido, lợi nhuận 120 triệu đồng/năm; hộ ông Huỳnh Văn Ba, khu vực Lân Thạnh 1, trồng thanh long ruột đỏ, lợi nhuận khoảng 95 triệu đồng/năm…
Nhằm tạo điều kiện cho hội viên phát triển sản xuất, kinh doanh, HND phường phối hợp với Ngân hàng Chính sách Xã hội hỗ trợ nông dân vay vốn đầu tư sản xuất. Hiện nay, HND phường đang duy trì hoạt động của 9 tổ tiết kiệm và vay vốn Ngân hàng Chính sách Xã hội giúp hội viên vay trên 11,3 tỉ đồng. Trong 5 năm qua, Hội còn phối hợp tổ chức 253 buổi tập huấn cho 8.921 lượt hội viên nông dân; tổ chức 2 lớp nghề nông nghiệp có 70 hội viên tham gia. Ðồng thời, tổ chức các hoạt động hỗ trợ nông dân ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong sản xuất, kinh doanh, áp dụng quy trình sản xuất lúa "3 giảm, 3 tăng", "1 phải, 5 giảm", góp phần nâng cao chất lượng sản phẩm, giảm chi phí sản xuất, tăng lợi nhuận.
HND phường còn tuyên truyền, vận động nông dân làm quen dần với việc sản xuất theo mô hình hợp tác. Trong đó, Hợp tác xã Giống cây trồng Trung Kiên duy trì hoạt động hiệu quả. Hợp tác xã có 8 thành viên tham gia sản xuất, kinh doanh trên diện tích 50ha. Hay như Tổ hợp tác trồng rau an toàn khu vực Qui Thạnh 2, có 33 hộ tham gia trồng rau trên diện tích 14,7ha. Nhờ trồng rau, mỗi năm, bà con thu lời trên 60 triệu đồng/hộ. Theo ông Nguyễn Chí Cường, Chủ tịch HND phường Trung Kiên, hiện nay, trên địa bàn phường có 11 tổ hội nghề nghiệp, 2 tổ hợp tác sản xuất và 2 hợp tác xã. Hằng năm, trên địa bàn phường có trên 75% hội viên, nông dân đăng ký danh hiệu nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp.
Kiến Quốc - (baocantho.com.vn)
T/h: H.Phong (dongbang.vn)