Sôi động thị trường lúa giống

Thứ sáu, 27 Tháng 11 2020 07:15 (GMT+7)
TP Cần Thơ có hơn 124 cơ sở, hộ sản xuất và cung ứng lúa giống, với sản lượng đưa ra thị trường hơn 52.700 tấn/năm. Thị trường lúa giống của các cơ sở này không chỉ ở Cần Thơ mà còn được mở rộng nhiều tỉnh vùng ĐBSCL. Năm nay, do giá lúa hàng hóa tăng nên giá các loại lúa giống cho vụ đông xuân 2020-2021 tăng cao hơn năm trước, hiện tại sức mua trên thị trường lúa giống tăng gấp 2-3 lần so với các tuần trước.
Giá lúa giống tăng
Lúa giống được bày bán tại một cơ sở kinh doanh lúa giống ở huyện Cờ Đỏ, TP Cần Thơ.
Lúa giống được bày bán tại một cơ sở kinh doanh lúa giống ở huyện Cờ Đỏ, TP Cần Thơ.
 
Giá bán lẻ nhiều loại lúa giống trên thị trường hiện tăng từ 500-1.500 đồng/kg so với cùng kỳ năm trước. Giá bán lẻ lúa giống Đài Thơm 8, Jasmine 85 và VD 20 cấp xác nhận đang được nhiều trại giống và cơ sở sản xuất, kinh doanh lúa giống ở TP Cần Thơ bán ra ở mức từ 12.000-16.000 đồng/kg; cấp nguyên chủng 17.000-19.000 đồng/kg. Các giống lúa như IR 50404, OM 2517, OM 5451, OM 4218, OM 4900, OM 7347, OM 6976… cấp xác nhận có giá phổ biến từ 10.000-15.000 đồng/kg; cấp  nguyên chủng giá 14.500-18.000 đồng/kg.
 
Hiện nay, giá bán lúa giống giữa các hộ dân, hợp tác xã (HTX) và cơ sở sản xuất kinh doanh có sự chênh lệch đáng kể. Cùng một loại lúa giống nhưng giá bán có thể chênh lệch từ 1.000-3.000 đồng/kg. Đơn cử, giá lúa giống Đài Thơm 8 và Jasmine 85 cấp xác nhận có nơi bán ra tới 16.000 đồng/kg, nhưng có nơi chỉ bán giá 12.000 đồng/kg, thậm chí thấp hơn. Giá bán cao thường tập trung vào những điểm bán hàng của các cửa hàng kinh doanh và doanh nghiệp lớn có uy tín, với sản phẩm lúa giống có thương hiệu và được đăng ký bản quyền. Riêng những cơ sở sản xuất nhỏ lẻ, sản phẩm không có bao bì thương hiệu hoặc sản phẩm lúa giống được các HTX và hộ dân tự sản xuất có dư một phần để chia lại cho bà con ở lân cận sử dụng thì giá thường thấp hơn dù vẫn thực hiện tốt các quy trình nhằm đảm bảo chất lượng.
 
Giá lúa giống tăng và đang ở mức cao không chỉ do mặt bằng giá lúa hàng hóa tăng mà còn do sản xuất lúa giống tốn nhiều chi phí, trong đó có việc làm bao bì, nhãn hiệu và chi phí về bản quyền lúa giống. Việc chuẩn bị nguồn hàng của nhiều loại lúa giống phải được thực hiện từ vụ đông xuân 2019-2020 và vụ hè thu 2020 nên cũng tốn nhiều chi phí bảo quản, tồn trữ. Ngoài ra, nguồn cung một số loại lúa giống đang có phần hạn chế, chưa đảm bảo đáp ứng tốt nhu cầu cũng là yếu tố làm cho giá nhích lên, nhất là khi bước vào cao điểm mùa vụ gieo sạ lúa. Theo nhiều doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh lúa giống ở TP Cần Thơ, thời điểm này, nhìn chung sức mua lúa giống cũng tăng gấp 2-3 lần so với các tuần trước. Tuy nhiên, sức mua có sự tăng không đồng đều giữa các giống lúa. Ông Nguyễn Minh Phương, Giám đốc HTX Giống nông nghiệp Thốt Nốt ở quận Thốt Nốt, TP Cần Thơ, cho biết: “Vụ đông xuân 2020-2021, nông dân ở TP Cần Thơ và các tỉnh ĐBSCL chủ yếu tập trung vào sản xuất các loại lúa gạo thơm ngon, chất lượng cao nhằm bán được giá nên sức mua lúa giống tập trung nhiều vào các giống lúa Đài Thơm 8, lúa thơm Jasmine 85, lúa chất lượng cao OM 5451…”.
 
Tìm nguồn giống phù hợp
 
Nhiều cơ sở kinh doanh lúa giống dự báo, tới đây có khả năng sức mua nhiều loại lúa giống còn tăng cao và một số loại lúa giống sẽ không đủ hàng để bán. Đặc biệt, hiện nay nhiều nông dân tập trung chọn sạ giống lúa Đài Thơm 8 nên hiện nhiều cơ sở kinh doanh giống rất khó có đủ hàng để bán, nhất là khi giống lúa thơm này thuộc bản quyền của một doanh nghiệp, các cơ sở giống muốn phát triển sản xuất kinh doanh phải được sự đồng ý của doanh nghiệp. Tuy nhiên, ngoài giống lúa Đài Thơm 8, trên thị trường hiện có bán khá đa dạng nhiều giống lúa thơm ngon, đặc sản, chất lượng cao như: Jasmine 85, VD 20, RVT, Nàng Hoa 9, các giống lúa thuộc nhóm ST, lúa Nhật… Do vậy, nông dân cần cân nhắc lựa chọn để đa dạng các giống lúa thơm sản xuất trong vụ đông xuân 2020-2021 nhằm tránh rủi ro về đầu ra khi tập trung làm quá nhiều một loại giống, cũng như tránh phải mua lúa giống với giá quá cao mà chất lượng có thể không tương xứng vì thiếu nguồn cung.
 
Nhiều nông dân trồng lúa ở TP Cần Thơ đã chủ động tìm nguồn giống với chất lượng đảm bảo và giá cả phù hợp nhằm đảm bảo hiệu quả sản xuất. Đồng thời, quan tâm sản xuất gắn với nhu cầu đặt hàng của doanh nghiệp và các đơn vị bao tiêu chứ không lựa chọn gieo sạ các giống lúa chạy theo phong trào. Ông Nguyễn Văn Nhật ở xã Định Môn, huyện Thới Lai, cho biết: “Vụ đông xuân này, 10 công lúa của tôi sẽ gieo sạ lúa thơm Jasmine 85. Dự kiến mùng 10 tháng 10 âm lịch tôi xuống giống, nhưng từ đầu tháng 9 âm lịch đã mua lúa giống, chọn nguồn giống đảm bảo chất lượng, mua sớm giá thường rẻ hơn so với lúc đông ken...”. Theo anh Đoàn Tuấn Về, Phó Giám đốc HTX Dịch vụ nông nghiệp Thạnh Lộc ở xã Trung Thạnh, huyện Cờ Đỏ, để có nguồn giống với chất lượng và giá cả phù hợp cho vụ đông xuân này, HTX đã chủ động tìm nguồn giống cấp nguyên chủng để sản xuất ra lúa giống cấp xác nhận phục vụ cho các xã viên trong HTX, cũng như chia lại cho các hộ dân ở lân cận có nhu cầu. Hiện giá một số giống lúa thơm cấp xác nhận do HTX tự sản xuất và bán lại cho nông dân chỉ ở mức 11.000 đồng/kg.
 
Vụ lúa đông xuân 2020-2021 vùng ĐBSCL dự kiến gieo sạ 1,55 triệu héc-ta lúa, trong đó TP Cần Thơ có kế hoạch gieo sạ hơn 76.000ha và xuống giống làm  2 đợt, đợt 1 từ ngày 5 đến 11-11-2020, đợt 2 dự kiến khoảng từ ngày 20 đến 26-11-2020.
 
Dự báo mùa khô năm 2020-2021, mặn xâm nhập sớm và diễn biến khốc liệt nên Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn yêu cầu các địa phương chủ động đẩy sớm thời vụ sản xuất lúa đông xuân để né hạn, mặn vào cuối vụ. Bộ cũng khuyến cáo các địa phương chú ý lựa chọn giống lúa phù hợp từng vùng sản xuất (vùng ven biển thì ưu tiên chọn giống lúa chịu mặn và ngắn ngày; vùng xa biển ưu tiên sạ lúa thơm, chất lượng cao…) để chủ động tránh hạn mặn, cũng như thuận lợi trong tiêu thụ và nâng cao được giá bán sản phẩm. Theo đó, nhóm giống lúa chủ lực khả năng thích ứng rộng, diện tích ổn định, khả năng tiêu thụ nội địa và xuất khẩu tốt như OM 5451, OM 4900, OM 6976, Jasmine 85, Đài Thơm 8, Hương Châu 6, OM 7347, OM 18, IR 50404, Nàng Hoa 9… Nhóm giống bổ sung thích hợp một số vùng sản xuất đặc thù: OM 576, OM 2517, OM 6162, RVT, VD 20, nếp IR 4625, ĐS1, Tài Nguyên, Một Bụi Đỏ, ST 24, ML 202, OM 9582,… Trong đó, vùng phù sa ngọt dọc sông Tiền, sông Hậu, cần ưu tiên sử dụng các giống chủ lực như OM 4900, OM 6976, OM 4218, OM 5454, Đài Thơm 8, Jasmine 85 và các giống bổ sung như OM 7347, OM 6162, VD 20, RVT, OM 9582, VĐ 95-20.
 
Bài, ảnh: KHÁNH TRUNG - (baocantho.com.vn)
T/h: H.Phong (dongbang.vn)

Bài viết mới nhất của Ngành Giống nông sản - Thủy sản