Phát triển vườn tiêu núi Cấm

Thứ ba, 01 Tháng 12 2020 07:21 (GMT+7)
Với những ưu thế riêng biệt về khí hậu, thổ nhưỡng, núi Cấm (xã An Hảo, Tịnh Biên, An Giang) đặc biệt thích hợp cho việc phát triển vườn tiêu. Chất lượng tiêu nơi đây được du khách đánh giá không thua kém các sản phẩm nổi tiếng ở nhiều nơi khác. Hiện nay, dù sản lượng chưa nhiều, nhưng hoàn toàn có thể mở ra triển vọng phát triển tiêu thành đặc sản của địa phương.
Anh Nguyễn Văn Chốn được Xã đoàn An Hảo (Tịnh Biên) hỗ trợ dụng cụ chứa nước phục vụ vườn tiêu của mình.
 
Mô hình trồng tiêu trên núi Cấm đã được cư dân ở đây phát triển từ nhiều năm trước, chủ yếu bằng phương thức canh tác vườn đồi, kết hợp trồng tiêu xen canh. Như vậy, tiêu có thể bám trụ vào các loại cây trong vườn để phát triển, không cần đào hộc và làm trụ, giúp tiết kiệm chi phí, tăng thêm thu nhập cho bà con. Do còn xem tiêu là cây cho thu nhập phụ nên chưa có nhiều nông dân mặn mà, chưa hình thành những vườn trồng tiêu có diện tích lớn, dù đây là loại cây trồng phù hợp với vùng đất này.
 
Thời gian gần đây, cùng với việc du khách thập phương đến với vùng đất Bảy Núi, nhất là núi Cấm ngày càng nhiều, sản phẩm tiêu của địa phương  ngày càng được ưa chuộng. Khách du lịch chọn mua tiêu được trồng ở núi Cấm về cho gia đình để sử dụng, cũng như làm quà biếu người thân và được đánh giá cao về chất lượng sản phẩm.
 
Từ nhu cầu của thị trường, nông dân khu vực núi Cấm bắt đầu quan tâm nhiều hơn đến cây tiêu, ngoài những vườn tiêu xen canh, bà con đã hướng đến việc trồng tiêu theo hướng chuyên canh. Chẳng hạn như đầu tư bằng cách xây trụ bằng gạch, đúng quy chuẩn và thời gian sử dụng lâu dài.
 
Là cư dân sinh sống ở núi Cấm, gia đình anh Nguyễn Văn Chốn (ấp Vồ Bà, xã An Hảo, Tịnh Biên) đã tận dụng lợi thế thổ nhưỡng, khí hậu nơi đây để phát triển, mở rộng vườn tiêu với diện tích 6.000m2. Trước đó, gia đình anh Chốn đã trồng tiêu với diện tích 3.000m2, sản lượng hạt tiêu khô thu được không đủ bán cho khách du lịch khi họ có những chuyến hành hương về núi Cấm, cho thấy nhu cầu của người tiêu dùng rất cao. Thấy vậy, anh Chốn đã rất trăn trở về việc mở rộng diện tích để có thể đưa sản phẩm của gia đình thành đặc sản địa phương.
 
“Nghĩ là làm, cách đây 3 năm tôi đã mở rộng thêm 3.000m2 cho diện tích vườn tiêu của mình. Tính đến giờ đã thu hoạch đợt 1 được khoảng trên 400kg tiêu khô. Nay vườn tiêu đang ra hoa, chờ đến sau Tết Nguyên đán, khoảng tháng 2-3 (âm lịch) năm sau là có thể thu hoạch đợt tiêu thứ 2” - anh Chốn chia sẻ. Tiêu hái xuống, phơi khô và bán tại chỗ nên chất lượng luôn được đảm bảo, giá cả từ đó cũng có phần cao hơn. Hiện nay, tùy theo loại tiêu như: tiêu đen, tiêu chín giá dao động từ 120.000-250.000 đồng/kg.
 
Khi chọn trồng cây tiêu, nông dân nơi đây đều hướng đến việc sản xuất lâu dài, không cần phải trồng đi trồng lại, năng suất cứ tăng đều qua các năm. Đó là chưa kể đến việc cây tiêu rất thích hợp với vùng đất và khí hậu ở núi Cấm nên năng suất cũng như chất lượng rất tốt. “Khí hậu trên núi rất trong lành nên cây tiêu phát triển tốt, không bị sâu bệnh phá hoại nên hầu như quanh năm không cần xài đến phân bón hay thuốc hóa học. Nhờ vậy, sản phẩm hạt tiêu núi Cấm đảm bảo chất lượng an toàn cho sức khỏe người tiêu dùng”- anh Chốn chia sẻ.
 
Với những trụ tiêu bám trên cây phải thường xuyên mé nhánh cây để tiêu đón đủ nắng, không bị che phủ, chỉ có như vậy hạt tiêu mới to, đẹp, có năng suất. Bên cạnh đó, việc trồng tiêu trên đất núi, việc quan trọng là đảm bảo được nguồn nước tưới, đặc biệt trong mùa nắng.
 
“Trước khi trồng tiêu, gia đình tôi đã bỏ công tìm nhiều mạch nước ngầm, xây hồ trữ nước mưa để phục vụ việc cung cấp nước cho cây tiêu. khi đảm bảo được nguồn nước mới duy trì được sản lượng tiêu ổn định qua các năm” - anh Chốn giải thích.
 
Là một thanh niên còn rất trẻ, từ nền tảng của gia đình, anh Chốn hiện đã và đang lựa chọn hướng đi phát triển cây tiêu thành đặc sản của địa phương. Mới đây, anh Chốn còn đưa sản phẩm tiêu của mình tham gia trưng bày tại các gian hàng cho thanh niên khởi nghiệp ở địa phương.
 
“Ngoài sản phẩm tiêu, hiện mình đang có hướng phát triển thêm giống cây trà tiên, su non,... Đây đều là những loại cây trồng tận dụng được ưu thế của vùng đất núi Cấm và hoàn toàn có thể phát triển thành đặc sản của địa phương. Nếu công tác quảng bá được thực hiện tốt, nhiều người biết đến sản phẩm tiêu của địa phương sẽ giúp bà con có thêm nguồn thu nhập, phát triển kinh tế gia đình ổn định” - anh Chốn mong muốn.
ÁNH NGUYÊN - (baoangiang.com.vn)
T/h: H.Phong (dongbang.vn)

Bài viết mới nhất của Ngành Giống nông sản - Thủy sản