Tái đàn heo phục vụ thị trường Tết trong thế khó!

Thứ tư, 02 Tháng 12 2020 10:23 (GMT+7)
Năm 2020 tình hình dịch bệnh trên đàn gia súc nói chung, đàn heo nói riêng cơ bản được kiểm soát tốt, giá cả heo hơi ở mức ổn định, ngành chăn nuôi heo ở huyện Vĩnh Thạnh, TP Cần Thơ dần hồi phục. Hiện tại bà con chăn nuôi heo đã và đang khẩn trương tái đàn phục vụ thị trường Tết Nguyên đán sắp tới. Tuy nhiên, việc phục hồi sản xuất của bà con gặp nhiều khó khăn do thiếu vốn và nguy cơ dịch bệnh vẫn còn tiềm ẩn...
Ông Nguyễn Văn Hoàng chăm sóc đàn heo dự kiến sẽ kịp xuất chuồng vào dịp Tết Nguyên đán.
Ông Nguyễn Văn Hoàng chăm sóc đàn heo dự kiến sẽ kịp xuất chuồng vào dịp Tết Nguyên đán.
 
Nhiều khó khăn
 
Theo ông Nguyễn Văn Hoàng, Giám đốc Hợp tác xã (HTX) Chăn nuôi và Nông nghiệp Thạnh Lợi, xã Thạnh Lợi, huyện Vĩnh Thạnh, sau đợt dịch tả heo châu Phi hoành hành vào năm 2019, mặc dù đã có chính sách hỗ trợ của Nhà nước nhưng nhiều hộ thành viên của HTX vẫn còn gặp nhiều khó khăn do thua lỗ, thiếu vốn tái đàn nên việc phục hồi sản xuất khá chậm. Từ chỗ hơn 3.000 con heo thì hiện nay cả HTX với 36 thành viên còn khoảng 1.000 con heo lớn nhỏ. Từ đầu năm 2020 đến nay, tình hình dịch bệnh tạm ổn định, các thành viên bắt đầu tái đàn nhưng do giá cả con giống và thức ăn tăng cao, dịch bệnh vẫn còn tiềm ẩn nên nguy cơ rủi ro cao, các hộ chăn nuôi còn e dè khi tái sản xuất.
 
Ông Nguyễn Văn Hoàng cho biết: "Hiện tại giá heo hơi trên thị trường dao động ở mức 7,4 triệu đồng/con (100kg), trong khi giá con giống từ 2,5-3 triệu đồng/con, giá thức ăn, thuốc thú y cũng khá cao nếu không may gặp rủi ro do dịch bệnh hoặc giá heo sụt giảm người chăn nuôi chúng tôi đã khó lại càng thêm khó. Vì thế, hiện nay việc tái đàn heo phục vụ thị trường Tết chủ yếu do bà con tự sản xuất con giống nên số lượng không nhiều. Nếu như trước đây có hộ nuôi từ 300-500 con heo thì nay thu hẹp lại chỉ nuôi từ 50-150 con".
 
Các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ cũng thận trọng khi tái đàn và cân nhắc việc tăng số lượng đàn heo phục vụ thị trường Tết Nguyên đán. Anh Nguyễn Bắc Hải, ấp E1, xã Thạnh An đang nuôi 4 con heo sinh sản và 20 con heo thịt. Trước đây, trong chuồng nhà anh lúc nào cũng duy trì đàn heo hơn 60 con lớn nhỏ. Nhưng sau đợt dịch tả heo châu Phi năm 2019, anh chỉ nuôi theo kiểu cầm chừng. Mặc dù từ đầu năm đến nay giá heo hơi luôn ở mức cao, anh cũng đã xuất bán được 3 đợt thu được lợi nhuận khá, nhưng anh chưa thể tăng tổng đàn, một phần vì thiếu vốn, một phần vì nguy cơ dịch bệnh có thể tái bùng phát bất cứ lúc nào. Và điều quan trọng nhất đối với anh hiện nay là làm sao chăm sóc đàn heo đảm bảo an toàn. "Trong chăn nuôi điều mà bà con chúng tôi lo lắng nhất là dịch bệnh, nhất là bệnh dịch tả heo châu Phi chưa có vắc-xin phòng ngừa và thuốc đặc trị. Vì thế chúng tôi không khỏi lo lắng, nhất là thời gian tới bước vào mùa đông, tiết trời lạnh, sức đề kháng heo kém nên dịch bệnh rất dễ xâm nhập" - anh Hải lo lắng.
 
Người chăn nuôi cần được hỗ trợ
 
Nhìn chung, sau đợt bệnh dịch tả heo châu Phi năm 2019, trên địa bàn huyện Vĩnh Thạnh số lượng đàn heo giảm mạnh và việc phục hồi sản xuất của người dân gặp nhiều khó khăn. Theo rà soát của ngành Thú y và các địa phương, hiện tổng đàn heo trên địa bàn huyện Vĩnh Thạnh là 21.376 con, giảm gần 30% so với trước. Nhiều địa phương có số lượng đàn heo giảm mạnh là xã Thạnh Thắng, Thạnh Lợi, Thạnh An và thị trấn Thạnh An. Ông Bùi Quang Nam, Chủ tịch UBND xã Thạnh Lợi, cho biết: "Trước đây, ngành chăn nuôi heo ở địa phương đem lại nguồn thu nhập ổn định và được xem là thế mạnh thứ 2 sau cây lúa, tập quán chăn nuôi của bà con chủ yếu theo hộ gia đình, mỗi hộ từ vài chục con đến vài trăm con, nhưng do dịch bệnh nên người chăn nuôi gặp nhiều khó khăn. Ðể phục hồi sản xuất, ngành Thú y của thành phố cần có kế hoạch sản xuất cung ứng con giống tốt, đảm bảo chất lượng, giá cả hợp lý giúp người chăn nuôi giảm giá thành đầu vào. Ngân hàng Chính sách xã hội thành phố tạo điều kiện thuận lợi giúp bà con tiếp cận nguồn vốn vay với lãi suất ưu đãi để bà con đầu tư phát triển sản xuất…".
 
Ðể góp phần giúp người chăn nuôi phục hồi sản xuất cũng như đảm bảo an toàn trong chăn nuôi nhằm cung ứng cho thị trường nguồn thực phẩm phục vụ Tết, huyện Vĩnh Thạnh và các xã, thị trấn triển khai thực hiện kế hoạch tiêm phòng gia súc đợt 2 và tổ chức tháng tổng vệ sinh, khử trùng, tiêu độc đợt 2 năm 2020 từ ngày 5 đến 31-10-2020 vừa qua. Kết quả đã tiêm phòng bệnh lở mồm long móng được 10.246 con heo; tiêm phòng bệnh tai xanh cho 12.053 con; tiêu độc, khử trùng được 445.180m2 diện tích chuồng trại tại 5.488 hộ nuôi heo. Theo ngành Thú y huyện Vĩnh Thạnh, việc bà con tái đàn và nuôi thúc đàn heo phục vụ thị trường Tết Nguyên đán sắp tới là vô cùng cần thiết, bởi Tết là thời điểm nhu cầu tiêu thụ thịt heo ở mức cao và dễ tiêu thụ. Tuy nhiên, vấn đề cần quan tâm nhất hiện nay là việc tăng số lượng đàn heo phải bảo đảm an toàn sinh học cho cả quá trình nuôi thì mới đem lại hiệu quả.
 
Ông Ðoàn Vĩnh Nghi, Trưởng Trạm Chăn nuôi và Thú y huyện Vĩnh Thạnh, cho biết thêm: Ðể hạn chế rủi ro, người chăn nuôi cần cập nhật thường xuyên thông tin về tình hình dịch bệnh cũng như khuyến cáo của các ngành chức năng về việc thực hiện nghiêm túc các quy định trong chăn nuôi. Thường xuyên vệ sinh chuồng trại, tiêu độc, khử trùng khu vực chăn nuôi, tăng cường dinh dưỡng tăng sức đề kháng cho đàn vật nuôi, áp dụng quy trình chăn nuôi theo hướng sinh học, an toàn… Có như vậy mới đảm bảo hiệu quả, mang lại lợi nhuận ổn định, từng bước hướng ngành chăn nuôi heo phát triển an toàn và bền vững.
 
Bài, ảnh: MINH HẢI - (baocantho.com.vn)
T/h: H.Phong (dongbang.vn)

Bài viết mới nhất của Ngành Giống nông sản - Thủy sản