Rẫy măng tây của anh Hồng sắp đến ngày thu hoạch rộ.
Vì muốn tìm hiểu rõ hơn về giống cây trồng mới lạ này, tôi phải mất khá nhiều thời gian mới gặp được anh Hồ Thanh Hồng, ở ấp Tân Long B, xã Bình Thành, huyện Phụng Hiệp, chủ nhân của rẫy măng tây rộng 4.000m2 bắt đầu chuẩn bị thu hoạch vụ măng đầu tiên. Thật lòng mà nói, lúc đầu tôi nghĩ chắc cây măng tây cũng to lớn như cây măng mạnh tông, hay nhiều giống cây măng khác, nhưng tận mắt chứng kiến thì loại măng này cây lớn nhất cũng chỉ bằng ngón tay, còn trung bình chỉ lớn hơn đầu đũa một ít, thân cây mẹ cao nhất khoảng 50-60cm.
Thấy tôi cứ trố mắt nhìn vào những cây măng, anh Hồng đưa tay bẻ lấy cây măng kêu tôi ăn thử, anh nói: “Đây là giống măng tây xanh dòng F1, giống này sau khi trồng khoảng 4-5 tháng là có măng tơ thu hoạch và mỗi năm bẻ bán khoảng 3-4 lứa, mỗi lứa kéo dài từ 2-3 tháng”.
Gần đây, cây măng tây xuất hiện nhiều trên bàn ăn trong nồi lẩu gà, bò, tôm, cua, cá… Người ăn thấy rất ngon và cảm nhận được những dưỡng chất từ cây măng. Cây măng tây đâu chỉ ngon trong món lẩu, mà còn được các bà nội trợ chế biến thêm nhiều món ăn khác như măng tây xào thịt trâu, bò, heo, tôm, mực…, ngay cả măng tây luộc chấm với nước mắm tỏi ăn cũng rất ngon. Riêng phần gốc của cây măng, người ta đem đi thái nhỏ sấy khô, cho vào ấm nấu sôi thành món trà uống hàng ngày rất tốt cho cơ thể. Tuy nhiên, mỗi loại măng tây lại có những dưỡng chất và hương vị khác nhau, cây măng trắng thân mềm hơn, mùi vị giòn, béo nhẹ và ít chất xơ hơn măng xanh. Cây măng tím giống như cây măng trắng, nhưng có vị ngọt hơn măng trắng và măng xanh. Cả ba giống măng này đều thuộc nhóm rau xanh có chứa nhiều dưỡng chất, mang lại lợi ích cho sức khỏe con người và chế biến được nhiều món ăn ngon giàu dinh dưỡng.
Chia sẻ kinh nghiệm và phương pháp trồng, anh Hồng cho biết giống măng này tuy còn xa lạ với nhiều nông dân, nhưng xem ra cũng không khó trồng, theo anh biết thì tuổi thọ của cây trồng một lần là ăn được 10-20 năm sau. Quan trọng là khâu ươm cây giống, khâu này có vai trò quyết định, do vỏ hạt măng tây rất cứng, vì thế trước khi gieo phải ngâm trong nước khoảng 24 giờ, sau đó lấy hạt ra rửa sạch dùng khăn ấm ủ hạt, khi thấy hạt có dấu hiệu nảy mầm là tiến hành gieo.
Đất gieo hạt được trộn theo tỷ lệ 2 phần đất, 1 phần phân hữu cơ, 1 phần xơ dừa hoặc tro trấu, hạt gieo sâu từ 1 đến 2,5cm, trên mặt luống phủ một lớp mùn mục rồi tưới ẩm, bón phân chăm sóc và thu hoạch cũng giống như những cây rau màu khác. Có đều cây măng tây phải thu hoạch vào khoảng thời gian nhất định từ 5 đến 9 giờ sáng mỗi ngày và chỉ được bẻ những cây măng non vừa nhô lên khỏi mặt đất cao khoảng 25-30cm, khi đầu cây măng còn búp để có được nguồn măng tươi, sạch cung cấp ra thị trường. Người trồng cần hạn chế dùng những loại phân hóa học, mà chỉ nên dùng phân vi sinh, phân xanh, phân chuồng để bón cho cây măng.
Tuy là mới bước đầu trồng thử nghiệm, nhưng nhờ áp dụng đúng quy trình kỹ thuật trồng nên vườn măng của anh phát triển tươi tốt, khá đồng đều. Anh Hồng khẳng định rẫy măng đang thời kỳ đâm chồi rộ, nếu thời tiết thuận lợi ít mưa nhiều nắng thì khả năng ít hôm nữa số lượng măng tươi anh bẻ được sẽ tăng lên khoảng 20kg/ngày. Thương lái đặt mua măng tươi tại rẫy với anh là 60.000 đồng/kg cân sô, 80.000-100.000 đồng/kg măng qua phân loại, trong khi đó giá măng tây bán lẻ tại các chợ hay trong siêu thị lên đến 120.000-160.000 đồng/kg.
Với nụ cười như toại nguyện, anh Hồng tâm sự: “Đây cũng chỉ là bước đầu thành công mà tôi hằng đeo đuổi khi còn là một tài xế làm công, lái xe tải đường dài với những chuyến hành trình từ Nam ra Bắc”. Những ngày rong ruổi ấy, anh thường được ăn món măng tây ở nhiều hàng quán ven đường ở các tỉnh miền Đông Nam bộ, thấy lạ miệng mà ngon. Sau những lần tham khảo một số điểm trồng, anh thấy cây măng tây cũng dễ trồng không kén đất, nhờ cố gắng tìm tòi học hỏi thêm kinh nghiệm của những người trồng trước nên khi anh bắt tay xuống giống trồng thì tỷ lệ hao hụt của cây con giống không đáng kể. Đưa tay kéo áo lau nhanh những giọt mồ hôi trên khuôn mặt sạm đen, anh tiếp lời: “Chú biết không, hồi tôi mới gieo hạt măng tây xuống trồng, bà con hàng xóm ai cũng cười tôi cho rằng “cái thằng hỏng biết mần ăn”, ai đời trồng dưa, trồng cải không trồng, trồng chi thứ cây lạ huơ, lạ hoắc bán ai mua. Giờ thì hầu như bà con đã biết được giá trị kinh tế của cây măng tây nên không còn ai cười chê tôi nữa”.
Trong giới Đông y, cây măng tây không chỉ có hàm lượng dinh dưỡng cao, mà còn giàu hàm lượng vitamin và khoáng chất, rất tốt cho cơ thể con người. Được liệt kê vào danh mục cây dược liệu, có tác dụng bảo vệ tim mạch, tốt cho đường tiết niệu và đường ruột, chống lão hóa, tăng cường khả năng miễn dịch cho cơ thể, chống lại quá trình oxy hóa và còn làm đẹp da…
|
Bài, ảnh: QUANG HẢI - (baohaugiang.com.vn)
T/h: H.Phong (dongbang.vn)