Hiệu quả
Thu hoạch rau muống tại một hộ dân ở khu vực Thới Hòa, phường Thới An, quận Ô Môn, TP Cần Thơ.
Ông Nguyễn Văn Nhiều ở khu vực Thới Hòa, phường Thới An, quận Ô Môn, TP Cần Thơ, cho biết: “Bên cạnh làm lúa, gia đình tôi có 2 công đất chuyên canh trồng rau màu, trong đó chủ yếu trồng rau muống. Các loại rau màu thường có thời gian trồng ngắn nên mỗi năm nông dân có thể trồng rất nhiều vụ và có thu nhập hầu như quanh năm. Đối với rau muống, chỉ khoảng 18 ngày là cho thu hoạch và trên mỗi công đất, nông dân có thể chia nhỏ ra nhiều ô diện tích để xuống giống cách ngày nhau nhằm liên tục có sản phẩm thu hoạch. Nhờ trồng rau muống mà mỗi ngày gia đình tôi có thể kiếm thu nhập trên 1 triệu đồng”.
Tại khu vực Thới Hòa thuộc phường Thới An, quận Ô Môn có khoảng 60 hộ dân tham gia trồng rau muống, với sản lượng rau muống cung ứng ra thị trường đạt khoảng 18 tấn/ngày. Rau muống của bà con được nhiều thương lái và đầu mối tiêu thụ đặt hàng thu mua và đến tận nơi để lấy hàng hằng hàng. Với diện tích đất canh tác khá ít, mỗi hộ chỉ có một vài công đất (với trung bình từ 1-7 công đất/hộ) nhưng thời gian qua nhiều hộ dân tại khu vực Thới Hòa, phường Thới An, quận Ô Môn đã có thu nhập khá cao, lên đến một vài triệu đồng/ngày. Ngoài việc giúp nhiều hộ dân có thu nhập hầu như quanh năm, nghề trồng rau muống tại khu vực Thới Hòa còn tạo công ăn việc làm thường xuyên cho khoảng 150-180 lao động nông thôn tham gia làm dịch vụ hỗ trợ các hộ dân thu hoạch rau muống. Từ năm 2010, được sự khuyến khích, hỗ trợ của ngành chức năng, nông dân tại địa phương cũng liên kết thành lập Hợp tác xã (HTX) rau an toàn Hòa Phát, nhằm có điều kiện hỗ trợ nhau và thúc đẩy sản xuất theo hướng an toàn. Ông Nguyễn Văn Bi, Giám đốc HTX rau an toàn Hòa Phát, cho biết: “Nông dân HTX có thể trồng từ 12-13 vụ rau muống/năm và năng suất có thể đạt từ 2-2,5 tấn/công/vụ. Nhờ thâm canh tăng vụ và sản xuất theo hướng an toàn, đẩy mạnh sử dụng phân bón hữu cơ và áp dụng các tiến bộ kỹ thuật để giảm chi phí mà mỗi công đất trồng rau muống có thể cho lợi nhuận lên đến 90-97 triệu đồng/năm”.
Nông dân ở TP Cần Thơ như: Bình Thủy, Ô Môn, Thốt Nốt, Phong Điền, Thới Lai, Cờ Đỏ, Vĩnh Thạnh… còn phát triển trồng nhiều loại rau ăn quả, rau củ và cây công nghiệp ngắn ngày giúp mang lại hiệu quả cao. Đáng chú ý là các loại bầu bí, các loại đậu, mướp hương, ớt, bắp, mè... Ông Nguyễn Văn No ở khu vực Tràng Thọ B, phường Trung Nhứt, quận Thốt Nốt, cho biết: “Gia đình tôi đang có 11 công đất trồng bầu và khổ qua trên nền đất ruộng. Trồng các loại rau ăn quả này, thời gian sản xuất mỗi vụ tương đương với lúa nhưng lợi nhuận có thể đạt từ 5-10 triệu đồng/công trở lên, tức cao hơn ít nhất từ 2-3 lần so so với làm lúa. Không riêng gì gia đình tôi, hiện nhiều hộ dân tại phường Trung Nhứt và quận Thốt Nốt nói chung cũng đã được nâng cao được thu nhập nhờ tận dụng điều kiện thuận lợi về đất đai và có hệ thống thủy lợi chủ động nước tưới tiêu để phát triển trồng rau màu”.
Hỗ trợ nông dân
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP Cần Thơ, diện tích trồng rau màu và cây công nghiệp ngắn ngày trên địa bàn thành phố trong năm nay đạt hơn 17.830ha, vượt 36% so với kế hoạch, tăng 55% so với năm 2016. Sản lượng thu hoạch rau màu và cây công nghiệp ngắn ngày trong cả năm 2020 ước đạt 197.094 tấn, vượt 44,66% kế hoạch, tăng 22% so với năm 2016.
Nhiều loại rau màu trồng ở Cần Thơ không chỉ đáp ứng nhu cầu tại chỗ mà còn tiêu thụ tại nhiều tỉnh thành khác ở vùng ĐBSCL và miền Đông Nam Bộ, nhất là tại nhiều khu công nghiệp lớn và chợ đầu mối nông sản ở TP Hồ Chí Minh và các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai. Với nguồn nước ngọt quanh năm, điều kiện sản xuất thuận lợi và đầu ra sản phẩm còn rộng mở, Cần Thơ được đánh giá còn nhiều tiềm năng để phát triển trồng các loại rau màu trong thời gian tới.
Để hỗ trợ nông dân nâng cao hiệu quả sản xuất rau màu, ngành Nông nghiệp thành phố và các địa phương đã tích cực tập huấn kỹ thuật, hướng dẫn nông dân phát triển các loại rau màu theo nhiều mô hình khác nhau như: luân canh, chuyên canh, trồng trên bờ liếp hay nền đất ruộng… nhằm phù hợp với điều kiện thực tế từng địa phương. Đồng thời, hỗ trợ nông dân ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật, thiết bị, công nghệ mới như màng phủ, nhà lưới, bón phân hữu cơ và xây dựng, phát triển các mô hình và vùng trồng rau theo hướng an toàn, hiệu quả. Quan tâm hướng dẫn thực hiện các hồ sơ thủ tục và cấp chứng nhận đủ điều kiện sản xuất an toàn vệ sinh thực phẩm cho nhiều HTX, tổ hợp tác và cơ sở sản xuất rau an toàn, cũng như hỗ trợ kết nối với các nhà tiêu thụ để tạo thuận lợi về đầu ra sản phẩm. Đến nay, TP Cần Thơ đã xây dựng và mở rộng được 18 vùng sản xuất rau an toàn tại các quận, huyện, với tổng diện tích hơn 229ha, sản lượng hơn 28.390 tấn/năm.
Nhờ nâng cao chất lượng và đa dạng hóa sản phẩm đáp ứng nhu cầu thị trường, sản phẩm rau màu của nông dân tại cơ sở sản xuất, tổ hợp tác, HTX rau an toàn trên địa bàn thành phố đã được đưa vào bán tại các siêu thị, cửa hàng tiện ích và bếp ăn tập thể. Song, nhìn chung phần lớn sản phẩm rau màu của nông dân vẫn còn tiêu thụ chủ yếu thông qua các thương lái, với giá cả còn bấp bênh, thường xuyên lên xuống theo thị trường. Nông dân rất mong ngành chức năng tiếp tục quan tâm hỗ trợ trong việc kết nối với các nhà tiêu thụ ở nội địa và doanh nghiệp chế biến xuất khẩu ký kết hợp đồng bao tiêu để ổn định đầu ra sản phẩm nhằm yên tâm phát triển sản xuất. Ngành chức năng cũng cần hỗ trợ nông dân đẩy mạnh cơ giới hóa trong sản xuất vì phần lớn các công đoạn sản xuất và thu hoạch rau màu còn làm thủ công bằng tay, tốn rất nhiều thời gian và nhân công nên cũng là trở ngại lớn khiến nông dân khó mở rộng quy mô sản xuất.
Bài, ảnh: KHÁNH TRUNG - (baocantho.com.vn)
T/h: H.Phong (dongbang.vn)