Ông Lê Văn Tiết, ở xã Tân Long với mô hình nuôi vịt đẻ theo tiêu chuẩn VietGAP. Ảnh: THIỆN HẢI
Theo ông Lê Văn Tiết, trước đây, nuôi vịt chạy đồng rất vất vả, lãi cũng bấp bênh, sau thời gian tham khảo thông tin trên mạng internet, ông Tiết quyết định thử nghiệm mô hình nuôi vịt đẻ theo tiêu chuẩn VietGAP. Hiện nay, ông Tiết có 4 trại nuôi với số lượng vịt đẻ 8.000 con, đang cho trứng 6.000 con, đầu ra được một công ty bao tiêu với giá hơn 2.000 đồng/trứng, sau khi trừ tất cả chi phí, mỗi tháng ông có lợi nhuận từ 40 - 45 triệu đồng. Ngoài hiệu quả kinh tế, mô hình chăn nuôi trên còn góp phần bảo vệ môi trường khi ông Tiết bố trí ao chứa nước cho vịt tắm, nghỉ ngơi và cách xử lý phân, vệ sinh chuồng trại hợp lý, không để ảnh hưởng đến người dân xung quanh.
TX. Ngã Năm có tổng đàn gia cầm là 295.600 con, trong đó đàn vịt là 206.588 con. Mô hình chăn nuôi vịt là một nghề truyền thống của nông dân, tạo nguồn thu nhập cho nhiều hộ gia đình. Với phương thức chăn nuôi chủ yếu là vịt chạy đồng, các hộ chăn nuôi tận dụng nguồn thức ăn từ phụ phẩm nông nghiệp và thức ăn ngoài tự nhiên để giảm chi phí thức ăn trong quá trình chăn nuôi vịt. Tuy nhiên, mô hình chăn nuôi vịt chạy đồng hiện nay đang khó khăn và do khó kiểm soát đàn vật nuôi, dễ lây nhiễm từ nguồn bệnh khác trên đồng ruộng do đàn vịt đi nhiều nơi, dễ bị nhiễm độc do thuốc bảo vệ thực vật gây ảnh hưởng chất lượng trứng, các hộ chăn nuôi chưa tiếp cận nhiều được nguồn con giống chất lượng cao tại các công ty có uy tín, thương hiệu trên thị trường; nguồn thức ăn trên đồng ruộng, kênh rạch giảm, diễn biến thời tiết ngày càng cực đoan, đầu ra không ổn định. Trước thực trạng này, mô hình chăn nuôi vịt theo hướng an toàn sinh học được xem là bài toán hiệu quả nhất để phát triển bền vững.
THIỆN HẢI - (baosoctrang.org.vn)
T/h: H.Phong (dongbang.vn)