Lãnh đạo huyện Vĩnh Thạnh thăm ruộng lúa đông xuân 2020-2021 trên địa bàn.
Ông Trần Hữu Tâm, ở xã Thạnh An, có 6 công ruộng sạ giống Jasmine 85 vụ đông xuân 2020-2021, cho biết: “Ruộng lúa của tôi phát triển tốt, nhờ trong thời gian chuẩn bị gieo sạ gia đình tôi vệ sinh đồng ruộng thận trọng, diệt ốc bươu vàng, diệt cỏ, chăm sóc lúa theo kỹ thuật “3 giảm, 3 tăng”… Tuy nhiên, không vì vậy mà chủ quan, gia đình vẫn thường xuyên thăm đồng, theo dõi sát ruộng lúa để phòng tránh sâu bệnh, rầy nâu phá hại, nhất là trong dịp nghỉ Tết Nguyên đán”.
Vụ lúa đông xuân 2020-2021, huyện Vĩnh Thạnh xuống giống trên 25.096ha, ước tổng sản lượng khoảng 188.225 tấn. Ðể đạt kế hoạch này, Vĩnh Thạnh tập trung hướng dẫn nông dân ứng dụng các kỹ thuật sản xuất tiên tiến, như: “3 giảm, 3 tăng”, “1 phải, 5 giảm” vào sản xuất. Cơ cấu giống lúa được ngành Nông nghiệp huyện Vĩnh Thạnh đặc biệt quan tâm, hướng dẫn nông dân gieo sạ phù hợp với thực tế sản xuất và thị trường tiêu thụ, như: Jasmine 85, OM 5451, Ðài Thơm 8, OM18, RVT, nàng hoa 9, ÐS1, nếp… Theo nông dân khả năng giá cả đầu ra của lúa đông xuân 2020-2021 thuận lợi khi đã có nhiều doanh nghiệp và tiểu thương tham gia ký hợp đồng bao tiêu, đặt cọc mua lúa của nông dân ngay từ đầu vụ với giá khá cao. Trong đó các giống lúa Jasmine 85, Ðài Thơm 8, lúa thơm RVT… được bao tiêu với diện tiêu khá lớn.
Những ngày gần đây thời tiết chuyển mùa, không khí se lạnh vào ban đêm và sáng sớm có sương mù, sự chênh lệch nhiệt độ giữa ngày và đêm đã làm độ ẩm không khí cao, đây là điều kiện thuận lợi cho một số loại sâu bệnh xuất hiện và gây hại. Qua kết quả thăm đồng mới đây, ngành Nông nghiệp huyện Vĩnh Thạnh thông tin trên các trà lúa đông xuân đã xuất hiện rầy nâu và bệnh đạo ôn lá, tập trung chủ yếu trên các trà lúa bón thừa phân đạm, nhưng mật số còn thấp và chỉ ở mức độ ghi nhận. Vì thế ngành Nông nghiệp huyện khuyến cáo nông dân tăng cường hơn nữa việc thăm đồng, chủ động chăm sóc, bảo vệ lúa kịp thời tránh sâu bệnh, dịch hại tấn công.
Ông Nguyễn Ngọc Hiền, Phó Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Vĩnh Thạnh, nhận định: “Các trà lúa đông xuân 2020-2021 đang phát triển khá tốt và ít bị nhiễm các loại dịch hại. Tuy nhiên, từ nay đến khi lúa thu hoạch vẫn còn lâu và lúa vẫn còn tiềm ẩn nguy cơ bị gây hại bởi một số đối tượng nguy hiểm như rầy nâu, nhất là trong dịp nghỉ Tết Nguyên đán 2021. Do vậy, Phòng NN&PTNT yêu cầu Trạm Bảo vệ thực vật và cán bộ ngành Nông nghiệp tiếp tục tăng cường thăm đồng, hướng dẫn bà con kịp thời phát hiện và phòng trị, không để rầy nâu bùng phát”.
Ðể đảm bảo hiệu quả sản xuất nông nghiệp trong năm 2021, nhất là sản xuất 3 vụ lúa trong năm, huyện Vĩnh Thạnh đã tập trung cải tạo cơ sở hạ tầng nông nghiệp, thực hiện thủy lợi tạo nguồn, nâng cao đê bao bảo vệ... Năm 2020, Vĩnh Thạnh có 11/11 đơn vị ra quân thực hiện công tác thủy lợi mùa khô với khối lượng thực hiện 57.223m3, đạt 104,04% kế hoạch, kinh phí thực hiện 976,1 triệu đồng (do nhân dân đóng góp); triển khai 7 công trình nạo vét từ nguồn vốn ngân sách nhà nước, với khối lượng thực hiện 86.894m3. Nhằm bảo vệ lúa đông xuân 2020-2021, UBND huyện Vĩnh Thạnh yêu cầu ngành Nông nghiệp huyện chỉ đạo các đơn vị chuyên môn phối hợp UBND các xã, thị trấn theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết, thủy văn, sâu bệnh để thông tin dự báo, thông báo tình hình sâu bệnh kịp thời giúp nông dân chủ động theo dõi, phòng trừ hiệu quả và bảo vệ tốt vụ lúa đông xuân 2020-2021…
Ông Trần Xuân Phương, Phó Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Thạnh, nhấn mạnh: “Vụ lúa đông xuân 2020-2021, Vĩnh Thạnh tổ chức sản xuất theo hướng hàng hóa chất lượng cao, số lượng lớn, an toàn thực phẩm với mô hình tổ hợp tác, cánh đồng lớn, hợp tác xã gắn với nhu cầu thị trường thông qua doanh nghiệp liên kết sản xuất. Trong những ngày nghỉ Tết Nguyên đán 2021, ngành Nông nghiệp huyện tăng cường tuyên truyền, vận động nông dân tích cực chăm sóc, không chủ quan lơ là, thăm đồng thường xuyên để bảo vệ tốt ruộng lúa góp phần thắng lợi vụ lúa đông xuân 2020-2021”.
Bài, ảnh: HÀ VĂN - (baocantho.com.vn)
T/h: H.Phong (dongbang.vn)