Gia đình ông Vinh đang thả vịt trên đồng nhà.
Ông Nguyễn Văn Lợi ở xã Ðông Bình, huyện Thới Lai, có “thâm niên” nuôi vịt chạy đồng đã hơn 10 năm. Hằng năm, cứ đến mùa thu hoạch lúa, ông lại đưa đàn vịt ra đồng. Năm nay cũng vậy, khi biết cánh đồng lúa ở phường Thới An, quận Ô Môn, vừa thu hoạch, ông quyết định lùa đàn vịt khoảng 1.000 con đến đây. Ông Lợi cho biết: “Bình quân mỗi ngày, đàn vịt ăn hết 100kg thức ăn, tương đương 1,2 triệu đồng. Nếu nuôi nhốt hoàn toàn, tôi sẽ không có lãi, thậm chí lỗ vốn. Hơn 1 tuần nay, nhờ thả đồng, đàn vịt tự kiếm thức ăn nên tôi không phải tốn thêm chi phí”. Ðược ăn những hạt thóc rơi vãi, cua ốc... vịt mập ra, đẻ trứng cũng nhiều hơn. Bình thường, nếu nuôi nhốt đàn vịt, ông Lợi thu khoảng 600 quả trứng/ngày. Khi đem vịt thả đồng, ông Lợi thu được khoảng 700 quả/ngày. Hai tháng sau, khi mùa thả đồng kết thúc, đàn vịt được ăn thức ăn tự nhiên, vận động nhiều nên thịt săn chắc và thơm hơn so với vịt nuôi cám tổng hợp, giá bán cũng sẽ cao hơn. Tuy nhiên, bù lại, người nuôi vịt phải tốn công nhiều hơn. Ông Lợi kể: “Nghề nuôi vịt chạy đồng này vất vả lắm! Ðồng này xong, chúng tôi nhanh chóng di chuyển đến đồng khác. Ban ngày thì ngoài đồng trông giữ đàn vịt; tối đến thì lượm trứng, bán cho lái. Công việc tuy cực, nhưng bù lại, tôi có một khoản lời kha khá”.
Ông Nguyễn Văn Vinh ở phường Thới An, quận Ô Môn, gắn bó với nghề nuôi vịt chạy đồng hơn 5 năm nay. Hiện nay, ông có đàn vịt khoảng 1.000 con và đang bắt đầu đẻ trứng. Ông Vinh chia sẻ: “Mỗi năm, tôi thả vịt chạy đồng 2 lần vào mùa thu hoạch lúa. Hình thức nuôi này giúp giảm chi phí. Thay vì mỗi ngày cho vịt ăn 100kg thức ăn, thì khi thả đồng chỉ tốn khoảng 30kg mà chúng vẫn lớn nhanh, tăng khả năng sinh sản. Ngoài ra, trứng vịt thả đồng to, ngon và béo hơn nên dễ tiêu thụ”. Hiện nay, với giá trứng vịt 20.000 đồng/chục, sau khi trừ chi phí, gia đình ông Vinh thu lãi khoảng 60 triệu đồng/năm. “Nghề nuôi vịt chạy đồng phải “ăn bờ, ngủ bụi” bất kể trời mưa hay nắng, vịt đi tới đâu, người trông giữ phải đi tới đó để tránh thất lạc. Khoảng 10 ngày, tôi thay đổi địa điểm thả vịt để chúng tìm nguồn thức ăn mới. Nuôi vịt chạy đồng cũng gặp nhiều rủi ro hơn về dịch bệnh, nhưng chúng tôi phải chấp nhận vì nuôi nhốt thì không có lãi” - ông Vinh nói.
Xác định nuôi vịt chạy đồng gặp nhiều rủi ro nên khi tái đàn, trước khi bước vào mùa chạy đồng, ông Trần Tứ Hải ở xã Trường Xuân B, huyện Thới Lai, đã tiêm phòng cho vịt trước. Ông Hải nuôi trên 2.000 con vịt. Mùa này, ông dự kiến sẽ đưa vịt đi khắp nơi, từ đồng nhà trong thành phố đến các tỉnh lân cận: Sóc Trăng, Bạc Liêu, An Giang… Ông Hải cho biết: “Bây giờ mình dời đàn đi bất cứ chỗ nào người ta cũng kiểm dịch, phải trình báo đầy đủ giấy tờ nên việc tiêm phòng dịch là không thể thiếu”.
Công việc tuy vất vả, nhọc nhằn nhưng nghề nuôi vịt chạy đồng mang lại nguồn thu nhập kha khá cho nông dân.
Bài, ảnh: CHẤN HƯNG - (baocantho.com.vn)
T/h: H.Phong (dongbang.vn)