Mô hình trồng cam mang lại hiệu quả kinh tế cao của gia đình bà Vũ Thị Mai, thị trấn Cao Phong, huyện Cao Phong (Hòa Bình).
Theo Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), từ năm 2017 đến nay, mỗi năm cả nước chuyển đổi được từ 120 đến 131 nghìn héc-ta từ đất trồng lúa sang cây hằng năm. Trong đó, loại cây trồng chuyển đổi là rau, ngô, khoai, dược liệu, cây thức ăn cho gia súc... Ngoài ra, cũng trong thời gian này, mỗi năm có gần 24 đến 38 nghìn héc-ta chuyển đổi sang cây ăn quả như: cây có múi, xoài, nhãn, vải, thanh long… và có từ 21 đến 46 nghìn héc-ta chuyển đổi từ đất trồng lúa sang nuôi trồng thủy sản kết hợp trồng lúa. Để bảo đảm các loại cây trồng sau chuyển đổi mang lại hiệu quả, các địa phương đã có những giải pháp hỗ trợ và chuyển giao tiến bộ kỹ thuật nhằm giảm chi phí đầu tư, tăng năng suất cây trồng. Trung tâm Khuyến nông quốc gia cho biết, với nhiều mô hình hay, cách làm tốt và đưa nhiều cây trồng có giá trị kinh tế cao, có lợi thế cạnh tranh như: nhãn lồng Hưng Yên, bưởi Đoan Hùng, cam Cao Phong... vào sản xuất nên các mô hình chuyển đổi mang lại thu nhập cao hơn từ năm đến tám lần so với trồng lúa.
Tỉnh Hưng Yên có cơ cấu giống cây trồng phục vụ chuyển đổi khá phong phú, trong đó có nhiều cây trồng giá trị kinh tế cao và lợi thế cạnh tranh trên thị trường như: nhãn, cây có múi, vải trứng, cây dược liệu, hoa cây cảnh... Để tạo điều kiện cho chuyển đổi, UBND tỉnh đã ban hành kế hoạch cũng như nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ cho sản xuất nông nghiệp, qua đó thúc đẩy người dân mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, mở rộng, phát triển sản xuất. Theo Trung tâm Khuyến nông tỉnh Hưng Yên, đến nay trên địa bàn đã có hơn 10,6 nghìn héc-ta chuyển đổi cơ cấu cây trồng, trong đó chuyển sang trồng cây hằng năm là 3.833 ha; chuyển sang trồng cây lâu năm là 5.936 ha và chuyển sang nuôi trồng thủy sản kết hợp chăn thả gia cầm, thủy cầm và trồng cây ăn quả là 880 ha.
Điển hình như mô hình chuyển đổi đất lúa kém hiệu quả sang sản xuất rau an toàn ở Hợp tác xã (HTX) Dịch vụ nông nghiệp tổng hợp xã Yên Phú, huyện Yên Mỹ. Sau 5 năm thực hiện chuyển đổi, đến nay diện tích rau an toàn của HTX và các hộ nông dân liên kết khoảng 35 ha, mỗi tháng cung ứng ra thị trường từ 45 đến 50 tấn rau các loại. Năm 2019, các hộ dân ở xã Minh Tân, huyện Phù Cừ có diện tích trồng nhãn lớn đã thành lập HTX với quy mô 10 ha tiêu chuẩn VietGAP đáp ứng nhu cầu sản phẩm sạch của thị trường. Các thành viên trong HTX đã áp dụng đúng quy trình kỹ thuật được hướng dẫn, sản phẩm đạt yêu cầu của VietGAP. Ngay từ năm đầu tiên sản xuất nhãn VietGAP, sản phẩm nhãn của HTX bán giá cao hơn so với giá đại trà khoảng 30%, mỗi héc-ta nhãn mang lại lợi nhuận khoảng 480 triệu đồng. Một số mô hình trồng hoa, cây cảnh, sản xuất cây giống có thu nhập từ 500 đến 800 triệu đồng/ha, cá biệt có mô hình thu từ 1,2 đến 2 tỷ đồng/ha/năm.
Trên địa bàn tỉnh Hòa Bình, sau chuyển đổi đã hình thành các mô hình sản xuất mang tính hàng hóa có liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Trong đó, có mô hình phát triển bền vững vùng trồng rau được cấp giấy chứng nhận an toàn thực phẩm, VietGAP, hữu cơ với 14 cơ sở, diện tích canh tác là 271,04 ha; mở rộng diện tích các nhóm sản xuất rau hữu cơ và nông sản sạch tại huyện Lương Sơn cung cấp cho thị trường Hà Nội. Chính nhờ vậy đã giúp giá trị thu nhập trên một đơn vị canh tác tại tỉnh tiếp tục tăng và ổn định ở mức 125 triệu đồng/ha/vụ.
Tuy nhiên, theo Cục Trồng trọt, do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu thời gian qua làm hạn chế việc khuyến khích chuyển đổi; quy mô sản xuất nhỏ lẻ, manh mún, dẫn đến việc ứng dụng cơ giới hóa chưa cao, năng suất, chất lượng nông sản thấp. Bên cạnh đó, chưa có nhiều doanh nghiệp tham gia đầu tư và tiêu thụ sản phẩm do việc đầu tư vào nông nghiệp gặp nhiều rủi ro, thị trường tiêu thụ không ổn định; một số địa phương xây dựng kế hoạch chuyển đổi chưa cụ thể cho từng vùng, từng loại cây. Hơn nữa, việc đầu tư cải tạo, nâng cấp, phát triển hệ thống thủy lợi còn hạn chế, chưa đáp ứng được nhu cầu tưới, tiêu nước cho từng đối tượng cây trồng, trên từng loại đất nên kết quả chuyển đổi đạt thấp. Vì vậy, chưa khai thác hết tiềm năng, lợi thế của đất đai và cây trồng…
Để nâng cao hơn nữa trong việc chuyển đổi đất lúa kém hiệu quả sang các loại cây trồng khác thời gian tới, các bộ, ngành, địa phương cần xây dựng kế hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng cụ thể ở những vùng sản xuất lúa kém hiệu quả, vùng bị ngập mặn theo mùa phù hợp với điều kiện đất đai, tự nhiên; hướng dẫn nông dân thực hiện việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng bảo đảm đúng theo quy định. Cần tăng cường tập huấn, hướng dẫn áp dụng khoa học, kỹ thuật mới để thâm canh cây trồng, vật nuôi nhằm nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả sản xuất; chuyển giao các loại giống cây trồng có năng suất, chất lượng, cũng như khả năng chống chịu sâu bệnh và điều kiện bất thuận của thời tiết phục vụ chuyển đổi; vận động người dân thay đổi tư duy, phương thức sản xuất từ quy mô gia đình sang hình thức tổ hợp tác, HTX, liên kết sản xuất để nâng cao giá trị canh tác; thu hút các doanh nghiệp, tổ chức, hộ kinh doanh đầu tư vào sản xuất nông nghiệp; xây dựng các vùng chuyển đổi gắn các khu vực du lịch sinh thái để quảng bá sản phẩm nông nghiệp; tăng cường xúc tiến thương mại, tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm, đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ trong khâu bảo quản và chế biến nông sản…
Bài và ảnh: NGUYÊN PHÚC - (nhandan.com.vn)
T/h: H.Phong (dongbang.vn)